Từ một hiện tượng, nói đúng hơn là thói quen bất đắc dĩ : đưa điện thoại cho trẻ nhỏ khi vào nhà thờ, để đổi lấy sự ngồi yên ắng của chúng, ngõ hầu người lớn có thể tham dự thánh lễ cách trọn vẹn, trong mục Dư luận "Có nên cho con trẻ chơi điện thoại trong thánh lễ ?" (số báo 2112) đã thu nhận được nhiều ý kiến phong phú. Tựu trung, các linh mục lẫn giáo dân đều cho rằng, đây là một việc làm không nên, bởi vô số lý do : gây chia trí cho người khác, làm lãng phí bao ơn ích lý ra trẻ được nhận (?), để trôi qua cơ hội giáo dục đức tin cho trẻ, không tạo cho trẻ thói quen tham dự thánh lễ từ bé… Những góp ý đều có lý và với mục đích tốt, những chia sẻ là rất chân thành. Tuy nhiên, có một lý do (cũng là hướng giải quyết, lối ra cho vấn đề) ít được nhắc tới : phụ huynh phải tìm phương tiện cho con chơi để không quấy trong các thánh lễ là do ngại bị nhắc nhở, quở trách.
![]() |
Thực tế, việc con bất chợt khóc hét hay vô tình chạy nhảy trong nhà thờ luôn là điều không mong muốn của các bậc cha mẹ. Vậy nên, nếu điều (chẳng may ?) này xảy ra mà nhận được sự đồng cảm, vỗ về, hay ít là không bị xem như “người lập dị, chẳng biết phải - trái”, ắt sẽ khó có chuyện “chữa cháy” bằng máy móc, đồ chơi… như vừa kể - một hình ảnh, một cách làm rất hiếm thấy ở các nhà thờ bên Âu - Mỹ.
Xem những clip quay lại các chuyến tông du hay những thánh lễ lớn do Đức Phanxicô chủ sự, thi thoảng chúng ta vẫn nhìn thấy những đứa trẻ hồn nhiên bước lên lễ đài, thậm chí là ngồi vào ghế của ngài, và đều nhận được những cử chỉ yêu thương. Rồi nữa, mỗi ngày có hàng ngàn thư từ, hình ảnh, tranh vẽ, tin nhắn của trẻ con gởi đến Văn phòng Thư tín Giáo hoàng. Concetta, Mauro, Luzia, Alessandro, Manuela, Marinella… từ Ý, từ Tây Ban Nha hay từ bất cứ từ đâu, tất cả đều viết cho Đức Thánh Cha để kể cho ngài nghe một câu chuyện, một bài thơ, đặt cho ngài các câu hỏi, hay chỉ gởi cho ngài một bức hình, hoặc chỉ nói ngắn gọn “Con yêu cha”. Tất cả được gom lại, cho vào thư mục, ngay cả từng tờ giấy nhỏ được ném lên xe giáo hoàng trong những lần ngài gặp giáo dân. Ngài đã trả lời cho hết thảy. ĐTC từng huấn dụ : “…Các trẻ em tự chúng là một sự giàu có cho nhân loại và cả cho Giáo Hội nữa, bởi chúng liên lỉ nhắc cho chúng ta nhớ tới điều kiện cần thiết để được vào Nước của Thiên Chúa. Các trẻ em có khả năng cười và khóc: Vài đứa, khi chúng ta bế trên tay, chúng cười; vài đứa khác, khi trông thấy tôi mặc áo trắng, chúng tin rằng tôi là bác sĩ đến chích ngừa và chúng khóc… Một cách rất tự phát ! Các trẻ em là thế : chúng cười và khóc, là hai điều mà nơi người lớn thường bị “chặn đứng”, chúng ta không có khả năng… Biết bao nhiêu lần nụ cuời của chúng ta trở thành một nụ cười bằng giấy, không có sự sống, một nụ cười không sống động, cả một nụ cười giả tạo, bằng rơm nữa. Các trẻ em cười một cách hồn nhiên và khóc một cách hồn nhiên. Vì tất cả những lý do đó mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài “trở nên như trẻ em”, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng (x. Mt 18,3; Mc 10,14)…”.
![]() |
Vậy thì, từ những suy nghĩ của một hiện tượng nhỏ, quy chiếu với sự trìu mến của vị chủ chăn lớn nhất trong Giáo hội, có lẽ mỗi người chúng ta sẽ ít nhiều xóa được các băn khoăn, và có những phương thế, cách ứng xử phù hợp, để trẻ nhỏ sẽ được “tháo bỏ”, “nới lỏng” hơn trong nhà Chúa.
Công giáo và Dân tộc
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.