Ai tự hào là người lúc nào cũng cư xử công bằng chắc chắn họ tự dối lòng hoặc thiếu sự trung thực. Tuy nhiên, sự thiên vị ở mức độ nào để người bị đối xứ bất công không thấy hoặc dễ tha thứ mới là vấn đề đáng suy nghĩ.
Dấu ấn tuổi thơ
Ngày nay đa số các gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con nên hầu như ít thiên vị. Hỏi những người xuất thân từ những gia đình đông con thời trước, bạn sẽ dễ dàng nghe họ kể những kỷ niệm không mấy vui vẻ về chuyện bị đối xử thiếu công bằng. Trong cuộc thi “Chuyện đời tự kể” do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2007 có bài viết của tác giả Nguyễn Thị Hợi đã gây cho tôi rất nhiều cảm xúc. Sinh ra trong một gia đình đông con và nghèo khó, ba mẹ lại có tư tưởng trọng nam khinh nữ nên suốt thời thơ ấu Hợi và các chị em gái chỉ được ăn rau chấm muối. Hiếm hoi lắm mới được chén cơm. Gạo chỉ ưu tiên cho con trai... Không chỉ gia đình Hợi, ngay trong lòng Sài Gòn, ở cả những gia đình khá giả, sự thiên vị con trai cũng thể hiện rõ trong sự ưu ái trong ăn uống.
![]() |
Nhiều bậc cha mẹ lại đổ tình thương vào con đầu lòng, họ cho rằng đó là đứa con cùng họ vượt qua thời gian đầu đầy khó khăn vất vả của những tháng ngày xây dựng cuộc sống gia đình. Ngược lại nhiều phụ huynh lại yêu thương đứa con út vì cho rằng đó là đứa bé nhỏ nhất cần được yêu thương. Ở nhiều gia đình, ba mẹ lại thương yêu đứa con biểu hiện sự thông minh, học giỏi mà lạnh nhạt với đưa con có vẻ chậm chạp, lù khù... Nói chung, một khi đã “tự nhiên không ưa” hoặc “bỗng thấy yêu thương” đứa con nào rồi thì cha mẹ có 1.001 lý do để cưng chiều hay lạnh nhạt.
“Cục cưng” khó bảo
Có không ít những đứa con được bà mẹ ưu ái, đối xử thiên vị trở nên lì lợm, thậm chí hư hỏng. Quen được cưng chiều trong nhà, sang hàng xóm chơi với bạn bè luôn muốn mình “trên cơ”, nếu không được sẽ đi đến đánh nhau. Tai hại là khi sinh chuyện, nhiều “con cưng” được mẹ cha bênh vực, sẵn sàng vứt bỏ tình hàng xóm để khăng khăng con mình đúng. Vào lớp học cũng cái thói phải được ưu tiên số một và nếu có xảy ra xô xát, thầy cô là người nghe ba mẹ đứa con cưng chửi mắng, thậm chí đâm đơn thưa để giáo viên đó mất việc.
Lúc còn đi dạy, tôi không lạ gì những đứa con trưởng nam hay trưởng nữ mà khi giáo viên “đụng” tới, tức thì ba mẹ vào trường làm ầm ĩ. Và một ngày chúng tôi bảo nhau các em đó học thì học, không thì thôi. Trường hợp điển hình là sau một thời gian thầy cô chẳng màng răn đe, em L.T.T.L bỏ nhà theo bạn trai mấy tháng liền. Trong khi em trai của em L. học rất giỏi.
Khi những đứa con lớn lên, ba mẹ già đi mới thấy hậu quả đáng buồn cho những cư xử bất công của họ với con cái. Đứa con họ thương yêu quen cuộc sống ích kỷ, chỉ biết bản thân, lêu lỏng... Và họ cần làm sao sự chia sẻ của những đứa con mà ngày xưa từng bị họ hắt hủi. Trên mạng xã hội trước đây lan truyền chuyện một người đàn bà bị con cái ruồng bỏ sống ngoài vỉa hè đường Lý Chính Thắng (Q3). Hỏi ra mới biết bao nhiêu tiền bạc bà đưa hết cho con gái lớn làm ăn, kể cả tiền bán nhà. Con gái lớn lấy tiền tiêu xài hoang phí và một ngày bỏ bà ở con hẻm của căn nhà trọ, cao chạy xa bay cùng chồng. Các con khác của bà có gia đình riêng và không ai muốn “nhận trách nhiệm” với người mẹ không từng yêu thương mình.
![]() |
Chữ hiếu trên hết
Vẫn có nhiều người con tuy thuở nhỏ bị đối xử bất công trong gia đình lại một mực chăm sóc khi ba mẹ ở tuổi xế chiều và bị những “cục cưng” khi xưa bỏ mặc. Bà Trần Thị Năng, 41 tuổi (Bình Thạnh) chia sẻ: “Ngày trước nhà tôi ở đường Điện Biên Phủ, tôi học Cao đẳng Sư phạm, phải đi bộ. Trong khi anh tôi có được chiếc cub chỉ để ăn chơi lêu lỏng. Có than phiền thì chỉ bị ăn tát và cùng một câu “Nó là con trai”. Anh bỏ học, ăn chơi rồi cưới vợ, sống bám vào vợ. Căn nhà ba mẹ để lại, anh xúi mẹ bán đi. Tiêu hết tiền cả vợ chồng về quê vợ tận Cà Mau. Tôi đành rước ba mẹ về phụng dưỡng vậy. Ông bà đối xử với mình sao cũng được. Nhưng mình cứ chữ hiếu mà sống”.
Nhiều bậc cha mẹ không hề nghĩ đứa con mình cư xử bất công, ghẻ lạnh lại thành đạt hoặc chí ít cũng đủ bao bọc họ trong những ngày tháng về già. Nhiều lúc họ cũng muốn thời gian quay trở lại để bù đắp cho đứa con thiệt thòi kia như bà Phạm Thị Hảo, 70 tuổi (Thủ Đức) từng khóc òa khi con gái tắm rửa, chải tóc cho bà.
Công Bằng trong cư xử
Cha của một người bạn hàng xóm của tôi ngày xưa là công nhân, có đến 10 người con. Tuy gia đình bạn không khá giả, nhưng người con nào cũng được cha mẹ dành tình yêu thương. Bà mẹ chỉ ở nhà chăm sóc con nhưng có cách dạy rất hay: không cho anh chị đánh em. Các em có làm gì thì anh chị méc ba mẹ xử. Quyền đánh con để giáo dục là của ba mẹ. Mẹ bạn từng nói với tôi: “Để lớp trên đánh lớp dưới dễ gây chia rẽ. Chưa chắc anh chị đã tốt hơn các em. Cho các anh chị dạy các em chỉ tạo nên sự tự cao của những đứa con lớn. Dạy đâu không thấy, chỉ thấy ăn hiếp em út gây nên bất hòa trong gia đình”. Nhờ vậy chưa khi nào nghe gia đình bạn gây gỗ. Và giờ đây, 10 người con đã ở tuổi có cháu nội cháu ngoại nhưng tất cả đều thương yêu nhau.
HOÀNG HẠC
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.