Thứ Tư, 11 Tháng Giêng, 2023 22:42

Công sở những ngày cuối năm

Sau ngày 15 tháng Chạp âm lịch, các công sở nhà nước hầu như đã xong việc tổng kết thi đua. Chỉ có ngành ngân hàng, xăng dầu và những dịch vụ phục vụ nhu cầu Tết là bận rộn. Dân công sở năm nay trở lại bầu khí của những ngày cuối năm như thời kỳ trước dịch Covid-19, không bị giãn cách hay quá lo lắng về dịch bệnh, vậy là các cuộc liên hoan, tụ họp tất niên lại được diễn ra ở nhiều ban ngành, người cũ người mới gặp nhau trò chuyện rôm rả, không dứt. Hai Tết trước vì dịch bệnh, nhiều người đã ước ao cái bầu khí hàn huyên gặp gỡ mỗi dịp Tết này từ lâu.

Năm nay các cuộc ăn uống, giao lưu, văn nghệ diễn ra ở nhiều nơi. Người ta có cảm giác dịch bệnh chưa hề tồn tại. Tiếng cười nói vui vẻ, tiếng bát đĩa, nâng lên đặt xuống, chén chú, chén anh, dô, dô, cạch cạch… quen thuộc lại xuất hiện ở nhiều bữa liên hoan công sở. Suy cho cùng, sau một năm vất vả, người ta vẫn phải có bữa liên hoan, tổng kết để gặp gỡ, nếu không có, nhiều người thấy thiếu, thấy nhạt.

Cuối năm công sở nào hầu như cũng được trang trí cành đào, chậu quất hay băng rôn chúc mừng năm mới. Ở những nơi đô thị đất chật, người đông như Hà Nội, nhiều cơ quan chọn hình thức thuê đào cảnh về chơi trong dịp Tết. Việc thuê cây cảnh về chơi Xuân tại công sở tạo lợi cho đôi bên, người cho thuê vẫn giữ được cây, đồng thời không tạo gánh nặng cho môi trường đô thị và đội ngũ lao công.

Công sở ngày cuối năm, anh em hay tặng quà Tết cho nhau để thể hiện tình cảm. Người này tặng người kia hộp bánh, cân chè. Có người cho nhau bó hoa, quyển lịch chơi Tết. Văn hóa tặng quà đã có từ lâu ở người Việt, biểu hiện sự quan tâm đối với nhau giữa các đồng nghiệp. Rồi giữa các cơ quan với nhau, giữa cấp trên và cấp dưới người ta vẫn giao lưu tặng quà, chúc Tết cho nhau. Tuy nhiên do sự len lỏi của cơ chế thị trường và tâm lý thực dụng, vẫn có những hiện tượng biếu xén, tặng quà trên mức tình cảm. Khi ấy văn hóa quà tặng đã mất đi ý nghĩa tương giao mà biến thành mối quan hệ lợi ích qua lại. Năm nào Chính phủ cũng nghiêm cấm việc biếu xén tặng quà cấp trên để mưu lợi, nhưng vẫn chưa có khảo sát nào về việc hiệu quả của chỉ đạo này.

Dân công sở những ngày cuối năm luôn chờ tiền thưởng Tết, nên dù đơn vị làm ăn tốt hay kém cũng vẫn cân đối để có mức thưởng cho người lao động. Điều này đã thành thông lệ và hầu hết công nhân, viên chức đều quan tâm, vì liên quan đến kế hoạch chi tiêu của gia đình trong dịp Tết. Thông thường nhiều đơn vị biết thu xếp, chi tiêu, vẫn dành cho anh em được “một tháng lương thứ 13”. Tuy không nhiều nhưng mang giá trị tinh thần rất lớn với người lao động.

 

Ngô Quốc Đông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm