Thứ Bảy, 05 Tháng Mười Một, 2022 12:18

Cuộc hẹn phía trước

 

Khi đưa tiễn một người, ta có một cuộc hẹn gởi vào mai sau. Một cuộc gặp được ấn định rồi, trong thiên thu đất trời.

 

Một hôm, người cha mất ngủ trước câu hỏi hồn nhiên của cậu bé con, rằng: “Nếu một ngày ba chết đi thì con sẽ gặp ba bằng cách nào ngoài việc đọc Kinh Cậy Vì và ngồi trước mộ nói chuyện một mình như cách mà ba đang làm với ông nội?”.

Tôi kể chuyện đó cho chị nghe, khi chị vừa mất mẹ. Chị không có truyền thống đức tin như tôi. Không hề gì, là một người quan tâm tới khoa tâm lý, chị nói rằng, chị rất hiểu cách đặt vấn đề của đứa bé ở độ tuổi đó. Và đến lúc chúng ta phải nói với con trẻ về cái chết, sự vắng mặt như là nói về cái ăn, cái mặc, chuyện học hành hay những bộ phim trên tivi. Chị chỉ cho tôi về những lý thuyết sách vở mà chị đã ứng dụng hiệu quả với người khác, nhưng không phải với chính chị, khi nỗi mất mát đang từng giây đè nặng tâm hồn chị.

 

 

Chị ơi, nói về sự vắng mặt bất thình lình của một người trong cuộc đời ở phương diện sinh học, tâm lý đã khó, huống chi nói đến sự vắng mặt và cuộc hẹn thiêng liêng trong khí quyển của đức tin của tôi. Dĩ nhiên, tôi vẫn hiểu đấy là câu chuyện mà chúng ta phải đối diện, đâu thể trốn tránh.

“Này con, khi ta nghĩ đến một người, thì họ hiện diện. Ngược lại, khi ta không còn nghĩ đến ai đó, thì dẫu cho họ có mặt cũng đã trở nên vô hình trong cuộc đời rồi. Cho nên, người ta xóa đi sự hiện hữu của tha nhân ngay khi manh nha hận thù hay khơi lên sự ghen ghét, bất hòa, xung đột. Không phải chờ đến gây ra án mạng thì người ta mới làm cho nhau biến mất trên đời, mà ngay từ khi sự ghét bỏ xảy ra trong đầu, ta đã truất hữu đi sự hiện diện của tha nhân. Ngược lại, người ta làm cho nhau hiện diện dù ở rất xa, ngay cả không còn nhau trong đời, chỉ bằng việc nuôi ý nghĩ về nhau, giữ được cuộc đối thoại thiêng liêng cùng nhau...

Với những người đã ra đi vào cõi chết cũng vậy. Ông bà tổ tiên sẽ không ở với chúng ta mãi được, bằng sự hiện hữu sinh học và vật lý. Dù ta tha thiết đến đâu, thì họ cũng phải tuân theo quy luật đời sống, chấp nhận mẫu số chung của kiếp người mà ra đi. Khi đó, đức tin tặng ta một món quà xoa dịu khổ đau và tiếc nuối: một cuộc hẹn hò, một lời hứa, một cảnh giới của sum vầy ngày sau...”.

Người cha nói.

 

2.

 

Trong tháng các đẳng linh hồn, một số giáo xứ đã biến nghĩa trang thành nơi nguyện cầu và mở những bữa cơm bên nấm mồ, có nơi người ta đốt nến và ngủ lại trong phần mộ gia đình. Con cái sum vầy bên cha mẹ đã khuất, cháu chắt trải chiếu nằm quanh ông bà, dọn ra những bữa cơm ấm cúng và nhắc nhớ công đức những người đã vắng mặt.

Nghi thức, tập tục này như một lễ tưởng niệm chu niên, gợi nhớ đến lễ cầu cô hồn bên lương vào mỗi rằm tháng bảy. Nhưng việc tưởng nhớ có lễ thức và thành kính, không ai giựt của ai điều gì, không xô bồ hỗn tạp khiến các đấng cô hồn chết có khi cũng phải hoảng sợ trước các cô hồn sống. Lễ cầu cho các đẳng ở nghĩa trang hay nhà chờ Phục Sinh bên Công giáo thì chậm rãi, từ tốn, lắng đọng và nhẹ nhàng với đèn nến hoa thơm, những bữa ăn sum vầy và những lời nguyện cầu thiêng liêng.

Người Công giáo xem trọng lễ cầu cho các đẳng linh hồn; biến thành nghi thức đoàn viên ấm cúng, góp vào đời sống nghi lễ Công giáo một hương thơm hòa ái của đạo thờ gia tiên.

Những ngôi mộ sáng đèn nến, con cháu mang hoa trái đến ngồi quanh những nấm mộ và chờ thánh lễ chung của giáo xứ (thường được cha sở tổ chức ở nghĩa trang) và mời nhau một bữa ăn bên ông bà tổ tiên. Họ thắp nhang và đọc kinh cầu hồn cho những ngôi mộ lạnh lẽo không thân nhân ở bên cạnh. Trong những bữa ăn, họ trò chuyện với nhau và trò chuyện với những người nằm trong lòng đất, như thể không có khoảng cách âm dương chia cắt. Chỉ còn một nỗ lực cho sự hiện diện đầy ấm cúng. Người nằm dưới mấy thước đất có nỗ lực hay không, nghe thấy hay không trong cuộc sum vầy ấy, ai mà biết được, nhưng ta thấy họ hiện diện ở đó, thật sống động, không phải bằng hình thể nấm mộ, bằng tấm bia ghi ngày sinh ngày mất, mà bằng tâm trí của ta. Bằng việc họ đang sống trong huyết thống, cơ cấu tế bào làm nên ta, bằng ý nghĩ của ta vọng hướng về họ. Họ sống trong ta.

Tổ tiên, ông bà, anh chị, em út, cháu chắt..., những người đi trước, những người đi sau, hợp làm một trong bữa tiệc trên mộ bia, trên đất đai quê hương xứ sở.

Vậy là cuộc sum họp trong lễ các đẳng nhắc nhớ ta về một chiều kích khác: một cuộc hạnh ngộ làm một trong Chúa, trong cõi giới mênh mông của vĩnh cửu thiên đường.

 

3.

 

Cha ơi,

Bây giờ thì con đã hiểu gia tài lớn nhất chính là một truyền thống đức tin về sự sống. Khi chúng ta có thể nguyện cầu, đối thoại, kết nối với nhau trên những nấm mộ, ta có thể hát hò và sum vầy ngay cả khi không còn nhìn thấy nhau, thì đó là lúc ta nhận ra sự bừng sáng của một nhận thức: đã không có sự chết bao giờ. Điều này đã được chuẩn bị bằng nghi thức đối thoại thường xuyên với một vị thượng đế vắng mặt. Ta ngập tràn hạnh phúc trong cuộc đối thoại siêu nhiên đó.

Bây giờ thì con đã hiểu và chấp nhận rằng, chúng ta đón nhận quy luật đời sống và đặt tất cả vào trong một sự quán xuyến phổ quát của Ngài. Con hiểu mọi thứ đã bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ trong kiếp sống này và lại kết thúc bằng một cuộc sum vầy thiên thu trong một cõi sáng mà chúng ta được hứa hẹn. Phần thưởng cho người thiện tâm dưới thế cho cùng là ở đó. Ân sủng muôn đời cũng là ở đó.

Trong cuộc họp mặt trên mộ phần dòng họ vào mỗi lễ các đẳng hay lễ tảo mộ đầu năm Âm lịch, con thấy rõ ràng một phả hệ được làm nên không chỉ bằng nguồn gene với những mã xoắn xít và đôi khi bị lỗi chỗ nọ, hỏng chỗ kia, mà bằng một nguồn mạch thiêng liêng chảy từ địa đàng đã mất đến một địa đàng tái lập. 

Cha ơi, vậy là cái chết tạo nên sự vắng mặt, nhưng cái chết cũng nhắc nhớ một cuộc hẹn và cho con nhìn thấy tận cùng của kiếp người không phải là hư vô.

Con sẽ nói với đứa con trai điều gì khi nó bắt đầu quan tâm và lo nghĩ về cái chết? Con sẽ nói gì với người bạn vừa mất mẹ và sa vào nỗi đau trầm kha? Con sẽ nói gì với chính con, khi cảm thức hư vô trỗi dậy, khiến con rơi vào những khủng hoảng hiện sinh khi bước lần đến bên kia con dốc cuộc đời?

Khi đức tin là sợi dây nối lại lời giải đáp cho các câu hỏi đó. Chính cuộc đối thoại âm dương, khi ngồi bên các đẳng linh hồn trong một cuộc sum vầy, con đã biết mình tìm thấy lời giải tối hậu đích đến của cuộc hành trình này là gì.

 

 

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm