Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới vừa ấn hành cuốn sách “Nghệ thuật Huế” (L’Art à Hué) của linh mục Léopold Michel Cadière (1869 - 1955) và Edmond Gras, do Nguyễn Thanh Hằng dịch.
Ðây nguyên là một chuyên khảo về nghệ thuật kinh đô Huế trong tập san của Hội Ðô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H), được phát hành từ 1919, song nó đã vượt quy mô một khảo cứu của tạp chí, trở thành một công trình độc lập, có giá trị vượt thời gian, được các thế hệ độc giả tỏ lòng ngưỡng mộ và trân quý.
![]() |
Cuốn sách gồm phần dẫn nhập về nghệ thuật Huế, sau đó tới các phần thành phố, nhà ở, đồ gỗ, hàng ren và đi sâu vào những họa tiết thể hiện như trang trí hình kỷ hà, họa tiết ký tự, tĩnh vật, hoa và lá, dây lá và quả; họa tiết thú gồm rồng, kỳ lân, chim phụng, rùa, dơi, sư tử, hổ, cá; rồi đến các tượng điêu khắc thuần túy và cuối cùng là đề tài phong cảnh. Có thể nói, đây là một tuyển tập giàu có và tuyệt đẹp các mô típ, họa tiết của nghệ thuật kinh đô Huế và các tỉnh phụ cận của văn minh Việt Nam xưa.
Bố cục như vậy, cùng những bài phân tích tỉ mỉ với trên 200 phụ bản sinh động, Nghệ thuật Huế (L’Art à Huế) được đánh giá là một nguồn tư liệu quý giá, lột tả các đặc tính của nền mỹ thuật bản địa vốn có nội dung phong phú cùng hệ thống biểu tượng, nhưng vẫn hạn chế về năng lực tả thực bởi các ràng buộc về quy ước trong văn hóa và nghệ thuật truyền thống, cũng như bởi tư duy khuôn mẫu của những nghệ nhân không một lần dám bước ra ngoài lệ thường.
Góc nhìn của cha Léopold Michel Cadière là sự kết hợp từ đôi mắt lý tính, quy củ của một nhà nghiên cứu phương Tây với tâm hồn của một người yêu và hiểu Việt Nam. Do đó, những bài miêu tả, phân tích vừa mang tính trung lập, vừa xen lẫn phần nào tiếc nuối cho một nền nghệ thuật và cho những nghệ nhân vô danh lẽ ra đã có thể phát triển hơn nữa, thêm vào đó là sự thông hiểu bối cảnh xã hội bản xứ và nỗ lực tìm tòi những đặc điểm riêng của Huế. Cuốn sách không chỉ kể cho độc giả nghe câu chuyện của những biểu tượng mà còn đem lại những giá trị nghiên cứu, tham khảo mang tính khách quan và đầy nhân văn.
Lật giở những trang khảo cứu tỉ mỉ, cẩn trọng của cụ Cố Cả (tên yêu mến mà người đương thời dành cho cha Léopold Michel Cadière) cùng những dòng chữ trăn trở về hồn xưa của người cộng tác - Edmond Gras, không ai lại không nhất trí với sự đánh giá của học giả Vương Hồng Sển rằng Nghệ thuật Huế (L’Art à Huế) là một trong những chuyên đề hay nhất của B.A.V.H.
Cha Léopold Michel Cadière sinh tại Pháp. Năm 1892, sau khi thụ phong linh mục ở Paris, ngài được bài sai đến Ðông Dương và tham gia sứ vụ truyền giáo ở Quảng Bình và Huế. 63 năm sống ở mảnh đất Bắc Trung bộ nắng cháy, khô cằn nhưng ngài năng nổ, tích cực trong rao giảng Tin Mừng và cùng với đó là những đóng góp trong việc tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị của văn hóa Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Ðặc biệt, với tình yêu Huế, ngài thành lập Hội Ðô Thành Hiếu Cổ và làm chủ bút tạp chí của Hội này (Ấn phẩm Bulletin des Amis du Vieux Huế, viết tắt là B.A.V.H). Cha được xem như là nhà Việt Nam học hàng đầu của những năm đầu thế kỷ 20. Ngài sống trọn đời mình cho Huế và cũng đã chọn mảnh đất này làm nơi an nghỉ cuối đời. Mộ phần ngài hiện nằm trong khuôn viên Ðại Chủng viện Huế.
BẢO LÂM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.