Nhiều kỷ niệm và hình ảnh của bản thân, gia đình, chủng viện, nơi mục vụ và nghỉ hưu… đã được Ðức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương ghi và tập hợp lại trong một tập sách dày gần 500 trang, in màu, với tựa “Xin dâng lời cảm tạ”.
Việc ra mắt tập sách như đánh dấu những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của vị giám mục, như kỷ niệm 50 hồng ân linh mục (1971-2021), 20 năm hồng ân giám mục (2003-2023), và hướng tới tuổi đời 80 (1944 - 2024)… Đây là những cột mốc mà theo tác giả, được như vậy, cũng vì “Chúa đã thương”. Bởi tình yêu thương ấy nên ngài “muốn ghi lại một số kỷ niệm và hình ảnh với tâm tình tạ ơn và sám hối”, không chỉ với Thiên Chúa mà còn với cha mẹ, thân quyến, bạn hữu..., cũng như các ân sư, ân nhân và hết mọi người mà mình đã gặp trong cuộc sống.
Gia đình với tác giả thật quan trọng, ngài xem đây là chủng viện đầu tiên luôn nâng đỡ đời sống ơn gọi. Nơi đó có cha mẹ, anh chị em và các cháu. Mục “Gia đình” mở đầu cho tập sách với rất nhiều hình ảnh về những người thân yêu trong đại gia đình huyết tộc đã được Đức cha Antôn Vũ Huy Chương tập hợp và sắp xếp theo trình tự, như những trang gia phả. Có những bức ảnh quý, được lưu giữ qua thời gian, thể hiện sự ấm áp của một đại gia đình đông con cháu, sống vui vầy… Bên cạnh hình ảnh, Đức cha Antôn còn ghi lại những mốc thời gian không quên trong tuổi thơ của ngài, từ lúc 4 tuổi “thường được bố chở đi chơi bằng xe đạp và được cả nhà yêu thương…”; rồi đến năm 1954, gia đình di cư vào Nam hay năm 1956, cả nhà đi định cư tại Kinh C vùng Cái Sắn, sau đó chuyển về Sài Gòn và cậu Antôn Chương trúng tuyển vào Tiểu Chủng viện…; sau năm 1975, gia đình đi lập cư tại giáo xứ Bảo Thị - giáo phận Xuân Lộc…
Hành trình tu học của Đức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương qua tập sách được ghi lại, có dấu ấn của những người đã nâng đỡ đời sống ơn gọi cho ngài, từ người mẹ luôn lần hạt cầu nguyện cho con làm linh mục, đến vị mục tử là cha Giuse Nguyễn Thanh Đô đã hỗ trợ từ khi cậu Antôn gia nhập Tiểu Chủng viện năm 1956 đến khi chịu chức linh mục năm 1971; và cả Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, người đã gởi thầy Antôn ngày ấy đi học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt…
Tất cả những nơi Đức cha Antôn đến mục vụ, giảng dạy sau khi trở thành linh mục, rồi giám mục đều để lại những kỷ niệm đẹp với ngài và được lưu dấu qua những bức ảnh theo dòng thời gian. Cả những nơi ngài đến thăm viếng, hành hương hoặc tham dự các khóa bồi dưỡng, thường huấn… ở trong hay ngoài nước cũng đọng lại với nhiều hình ảnh khó quên. Qua những trang sách ghi dấu các nơi ngài đi qua trong cuộc đời mục tử, người xem - người đọc tìm được nhiều ảnh tư liệu về mỗi nơi ấy, như giáo phận Cần Thơ thời gian Đức cha Antôn làm linh mục; giáo phận Hưng Hóa, giáo phận Đà Lạt - nơi Đức cha làm Giám mục coi sóc một thời…
Thời điểm về hưu cũng là cột mốc đáng nhớ, thể hiện qua phần cuối sách. Ở đó không chỉ có những bức ảnh về nơi nghỉ dưỡng, sinh hoạt của vị mục tử khi bước vào tuổi hưu, mà còn có những thao thức của một người luôn muốn phục vụ, làm việc “đến hơi thở cuối cùng”. Tâm tình của một giám mục hưu từng được Đức cha Antôn Vũ Huy Chương chia sẻ với báo CGvDT, nay ngài dẫn lại qua những trang sách, với ao ước chân tình: “Tôi ao ước rằng, khi đã nghỉ hưu, mình có thể làm được những điều mà Đức Thánh Cha mong muốn và cố gắng làm theo những dự án mà mình đã định hướng, tự nhắc nhở mình tránh nói hoặc làm gì gây tổn thương những người có trách nhiệm và có thể tác hại đến việc xây dựng giáo phận mà mình đã phục vụ hoặc đường hướng chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam”…
LIÊN GIANG
Bình luận