Thắm thoát mà dì Sáu tôi mất đã một năm rồi. Ngày dì ra đi, vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, tôi không có mặt, tang lễ cũng vắng, chỉ đến thắp hương viếng dì sau đó mấy ngày.
Còn nhớ lúc đạp xe ra thăm mộ dì, gặp đứa cháu họ hỏi đúng một câu: “Sao bữa đám, cậu không vào?”. Mình đang buồn, không ngờ “hắn” nói vô tư: “Vô nhậu, đông lắm!”. Nghe có gì đó hụt hẫng… Tôi chỉ biết thở dài bảo cháu: “Tang gia rầu thúi ruột, nhậu sao vô?”.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cháu tôi không ác ý, chỉ bởi ít tuổi, không ý nhị, nói suy nghĩ thiệt lòng. Mà đúng, miệt này dịp nào cũng nhậu được. Mừng thôi nôi, sinh nhật, tốt nghiệp, thăng chức, cưới gả…, mở tiệc chiêu đãi đã đành; đằng này, tang lễ, bịnh đau… cũng nhậu tuốt, rượu vào lời ra, cười nói rôm rả.
Tôi dự nhiều tang lễ, cỗ bàn tươm tất không thua đám cưới nhà hàng hạng sang. Sau nghi thức phúng điếu, trao phong bì, thi lễ trước linh cữu, toàn tập còn lại ăn nhậu nô đùa hát xướng như hội, mà hội lớn. Nếu không có cờ tang, khách qua đường đi nhanh qua khó biết rằng đây là đám tang. Có lần tôi nghe ai đó giải thích: cần vui vẻ để làm bớt tà khí đám tang và an ủi thân chủ, rầu quá không nên…
Nghe xong, không thỏa, cứ thấy sao sao ấy. Bất luận thế nào, sinh tử là việc trọng, tâm lý buồn đau không thể nào tránh được khi một người ra đi. Tang lễ dù thường dân hay chính khách cấp cao, ở bất cứ quốc gia nào cũng có dấu hiệu buồn thương như cờ rủ, nhạc tiễn đưa…
Nhà nước chủ trương đơn giản và tiết kiệm trong tổ chức ma chay. Văn hóa lâu đời cũng ước lệ chuyện nghi thức tang lễ ra sao cho đúng phép tắc, từ trang phục khi đến chia buồn như áo trắng, đen hay sẫm màu; cho đến việc không nô đùa trong đám tang, phân ưu trịnh trọng, nghiêm cẩn…
Nghe nói trên miền núi vẫn còn lắm tục cổ, đâm trâu giết bò bán đất làm ma to. Nhưng đồng bằng vùng cuối đất mà đám tang cứ “linh đình” như kể trên thì lạ. Thậm chí có nhà đám xong, ai nấy mệt mỏi mấy ngày không làm gì được, và nếu phúng điếu không “đạt”, lại nghĩ “coi như…tiêu”!
Có điều gì đấy bất cân xứng trong phát triển, giữa văn hóa và kinh tế. Chợt thấy đắng lòng!
NGUYỄN THÀNH CÔNG
(Bạc Liêu)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.