Thứ Năm, 02 Tháng Sáu, 2022 13:29

Dành dụm

 

Độ rày, sau hơn hai năm sống cùng dịch, sinh kế khó khăn, túi tiền eo hẹp, đời sống thắt ngặt, không ít người trở nên tiết kiệm mọi thứ…

Ở nông thôn, những chị em phụ nữ tần tảo cần lao trên đồng, khéo vén trong từng buổi đi chợ, từng bữa ăn, cắt củm dành dụm từng chút cho gia đình...

Ở quê khó kiếm tiền nên dễ thấy việc để dành. Những tờ tiền dành dụm sạch sẽ, thẳng thớm khác thường, được các bà, các chị cẩn trọng cất giữ phòng khi có việc cần đến.

Tiền để dành, thường không từ cánh đàn ông, phần nhiều từ phụ nữ. Một gia đình nọ đủ ăn thôi, cả nhà có chút đất làm ruộng đắp đổi, thêm việc chèo xuồng ra chợ nổi mua hàng bông về bán theo các kênh rạch, lời lãi ít ỏi... Ấy thế nhưng tiền gom góp từ những chuyến hàng này được các chị cẩn thận để dưới chân đèn cạnh bàn thờ để cứ vài tuần hay cuối tháng, người em trai duy nhất từ trường cao đẳng sư phạm tỉnh về có chi phí tiếp tục sự học. Bao nhiêu chuyến chợ mỏi nhừ tay chèo trên sông, tích tụ tấm lòng các chị lo cho em trai. Người em ra trường, thành danh, cũng chính nhờ những tờ tiền thẳng thớm, được các chị trong nhà từng dành dụm dưới chân đèn. Chuyện cứ như từ sách của văn học tiền chiến, hay thời “lều chõng” xa xưa vậy…

Mùa dịch vừa rồi, thu nhập có nhà rơi chạm đáy, hay chỉ còn bằng 1/2 hoặc 1/3 lúc cuộc làm ăn còn thịnh, những mái nhà quê bếp vẫn đỏ lửa khi đến giờ, trẻ có sữa, người già có ấm trà, người trẻ đến trường đủ đầy sách vở và thêm chút chi tiêu quà bánh..., phải chăng nhờ nhiều vào bản tính cần kiệm, vén khéo của các chị em? Họ có những cách tính toán riêng sao cho cơm vẫn nóng đến cuối tháng, bát cơm vẫn đầy, dù tiền chợ vơi đi hoài. Những tờ tiền để dành lúc “làm ăn còn thịnh” lại được mang ra dùng lúc khó khăn, cấp bách...

 

CÔNG NGUYÊN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm