Tại phiên đấu giá Modern and Contemporary art của nhà đấu giá Sotheby’s đầu tháng 4 năm 2017, bức tranh “Ðời sống gia đình” (Family life) của danh họa Lê Phổ dự kiến giá 231.840 - 309.120 USD. Kết quả đạt mức 1.172.080 USD, giá kỷ lục tranh Việt Nam cho tới nay. Tin này làm rúng động thị trường tranh Việt Nam. Lê Phổ là ai? Bởi đâu tranh của ông có giá cao ngất ngưởng như vậy?
Ông sinh ngày 2.8.1907 tại thôn Cự Lộc, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Ðức, tỉnh Hà Ðông (nay thuộc huyện Thanh Xuân, Hà Nội). Cha của Lê Phổ là quan đại thần Lê Hoan. Tuổi thơ ông không được ấm nồng vì mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, 8 tuổi lại mất cha, người anh cả và chị dâu đùm bọc nuôi dưỡng các em. Cũng nhờ nề nếp gia phong “quyền huynh thế phụ”, anh chị lo cho các em chu đáo, Lê Phổ được học hành đến nơi đến chốn.
![]() |
Danh hoạ Lê Phổ |
Hết bậc trung học, ông thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương và là một trong 8 học viên trúng tuyển khóa đầu 1925-1930.
Năm 1928, đang là sinh viên, ông đã cùng hai bạn đồng môn là Mai Trung Thứ và Vũ Cao Ðàm tổ chức triển lãm tranh tại Hà Nội. Mấy năm sau đó, ông sang Pháp trang trí một số cuộc triển lãm ở Paris và được học bổng học tại Cao đẳng Mỹ thuật Paris, có cơ hội làm quen nhiều trường phái nghệ thuật. Trường phái ấn tượng ảnh hưởng tới ông nhiều nhất.
Năm 1933, ông về Việt Nam dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương và 2 năm sau, sang Bắc Kinh nghiên cứu nghệ thuật Trung Hoa rồi được mời về Huế vẽ chân dung Ðức vua Bảo Ðại và Hoàng hậu Nam Phương. Ðến 1937, ông lại sang Pháp, phụ trách quầy hàng Ðông Phương tại triển lãm quốc tế, sau đó định cư ở Pháp luôn, từ đó chưa một lần về lại Việt Nam. Ông lấy vợ Tây là bà Paulette Vaux, tạo lập sự nghiệp qua các sinh hoạt hội họa cho tới tuổi hưu và mất tại Pháp ngày 12.12.2001, thọ 94 tuổi. Trước khi qua đời, ông đã soạn ra 20 tác phẩm chọn lọc và gởi tặng bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để thể hiện nỗi niềm người con tha hương.
![]() |
Hai trong số các phác thảo của Lê Phổ mà linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết đã sưu tập được |
Trước sự kiện tranh của Lê Phổ được trả với mức giá cao ngất như đã nêu trên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận xét: “Ðây quả là một thông tin ấn tượng, hết sức vui mừng vì giá trị kinh tế của một bức tranh Việt Nam, thông qua giao dịch sàn đấu giá có tính chuyên nghiệp. Ðó là giá bán cao nhất của tranh Việt Nam từ trước tới nay trên thị trường quốc tế. Ðiều này cho ta thấy thị trường tranh Việt Nam đang vận hành theo hướng vươn tầm. . . ”.
Nhà phê bình nghệ thuật Pháp Waldemar George đã viết một cuốn sách về Lê Phổ, trong đó cho biết: “Lê Phổ sống ở Pháp, tiếp xúc với nhiều trường phái hội họa trên thế giới, kết hợp nhuần nhuyễn những kỹ thuật tinh xảo Ðông Tây. Giá trị tranh của Lê Phổ còn nằm ở tính thuần Việt Nam, giàu tinh thần Á Ðông. Tạo hình của ông không biến động theo thời gian mà kiên định xuyên suốt tạo nên thương hiệu, làm cho người xem thấy được quan điểm thẩm mỹ của ông, có những bức tranh sơn dầu ông vẽ gần như lụa, không xử lý khối, ánh sáng theo kiểu Âu châu”.
Một nhận định khác cho rằng phụ nữ xuyên suốt trong các tác phẩm của Lê Phổ thường mong manh, e ấp, mặt trái xoan, mày thanh tú. Ông biết dùng ánh sáng tạo hiệu ứng cho hồn tranh, toát lên sự thanh nhã, dịu dàng, duyên dáng, lịch thiệp…
Ðặc biệt, quá trình hình thành một bức tranh đối với Lê Phổ không giống các họa sĩ khác, trong khi bản phác thảo của nhiều người chỉ là vài nét chì nguệch ngoạc thì phác thảo của Lê Phổ luôn có màu gần như tranh hoàn chỉnh.
Thêm vào những điều trên, có lẽ do Lê Phổ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tuổi thơ thiếu tình thương phụ mẫu khiến ông trầm mặc, ít nói, sống nội tâm, dồn hết tâm lực vào việc nghiên cứu nghệ thuật hơn là những hoạt động trong lãnh vực khác. Bà Paulette Vaux, người bạn đời của danh họa này từng trả lời phóng viên báo Life & Time ở Paris năm 1947, cho rằng khi học trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, Lê Phổ được hiệu trưởng Tardieu rất quý, tận tình hướng dẫn và cậu sinh viên ngày ấy đã coi ông như người cha tinh thần nên có thể đã thừa kế được chút tài hoa của bậc thầy hội họa Tardieu.
Với năng khiếu cùng quá trình học tập và tác nghiệp nghiêm túc nên uy tín của Lê Phổ vững vàng cả trong nước lẫn quốc tế.
Ðược biết, năm 2014, nhà Christie’s International cũng đã bán đấu giá bức tranh “Nhìn từ đỉnh đồi” của danh họa này được 840.000 USD.
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.