Thứ Sáu, 12 Tháng Giêng, 2018 15:56

Đau đáu bảo tồn báu vật Tây Nguyên

Những báu vật của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên như chóe rượu cần, trống da voi, bộ cồng chiêng, bộ ngà voi, trang phục thổ cẩm, nhẫn bạc... được lưu giữ hàng trăm năm, gắn với nhiều câu chuyện hấp dẫn, nhưng hiện cứ ngày một vơi cạn và dần biến mất.

 

Ðược người dân giới thiệu đến với già làng Duôm Dai K’ Bá (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Ðồng), chúng tôi nghe ông kể về kho báu vật vô giá của mình. Ðó là một bộ sưu tập đồ sộ với cả trăm vật dụng đặc trưng của người K’Ho có trên hàng trăm tuổi như ché rượu cần, cồng chiêng, cà tùng, M’buốt, kèn bầu, trống da trâu, sà gạc, gùi… “Trong bộ sưu tập của tôi, giá trị nhất là bộ cồng chiêng 6 chiếc, ngày đó tôi phải đổi bằng nhiều con trâu mới có được. Những chiếc cồng chiêng được sử dụng nhiều trong các nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng như đám cưới, làm nhà mới, đưa người chết ra mồ, bỏ nhà mồ”, già Duôm Dai K’ Bá nói.

Tại buôn Con Ó thuộc huyện Ðạ Tẻh, tỉnh Lâm Ðồng, già làng K’Mế (dân tộc Mạ) là người hiếm hoi còn lưu giữ những chiếc chóe cổ, bộ cồng chiêng, trang phục thổ cẩm xưa. Ông bảo, mỗi báu vật mang một giá trị hoàn toàn khác nhau: “Ðối với tôi, đồ vật có giá trị nhất là bộ cồng chiêng 11 chiếc, không biết chúng có từ bao giờ mà chỉ biết đây là bộ cồng chiêng do cha ông từ nhiều đời để lại”. Già làng K’Mế cho biết thêm, hàng chục chiếc chóe cổ (người Mạ gọi là Ðrắp hoặc Jăng) gồm nhiều loại với nhiều màu sắc khác nhau cũng được ông cất giữ cẩn thận. Trong đó, chiếc chóe có hình con rùa ở cổ chóe (Ðrắp Cọp) được mua lại của một người dân ở Ðạ Tẻh cách nay hàng chục năm và đổi bằng 12 gùi lúa - loại gùi dài đựng gần cả tạ lúa.

Vài già làng người Mạ, K’Ho, S’Tiêng, Chu Ru... trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng cho hay, cách nay hàng chục năm về trước, nhiều người đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ khá nhiều vật dụng truyền thống dùng trong đời sống hằng ngày, thế nhưng bây giờ hiếm thấy ở nhà họ, do một thời không biết giá trị tinh thần của các món đồ này nên họ đã bán hết hoặc bảo quản không chặt chẽ.

Thực tế cho thấy, khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống người dân được nâng cao, bà con nơi đây biết sắm sửa nhiều phương tiện nghe nhìn nên cồng chiêng, bộ đàn đá, tơ rưng, M’ buốt... bị bỏ trong góc nhà bụi bặm bám đầy. Trong khi đó, giới săn đồ cổ thì lại đi lùng sục mua từng món. Nhiều người dân tộc thấy được giá, rồi lại thấy những món đồ cổ xù xì, không đẹp bằng các sản phẩm công nghiệp nên “bán tống bán tháo” đi và hầu hết, những con buôn mua lại với giá rất thấp và tay chơi bán lại cho người khác với giá cao ngất ngưởng.

Có một số ít gia đình may mắn còn sở hữu các hiện vật này, bây giờ đã hiểu ra rằng đây là vật quý của tổ tiên để lại, mang ý nghĩa và giá trị lớn nên họ cất giấu chúng rất kỹ, không ai muốn bán đi, dù được trả với giá tiền rất cao.

Mặc dù ngành văn hóa các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa Tây Nguyên như sưu tầm, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, nhà dài; phục dựng lễ hội truyền thống; truyền dạy hát kể sử thi… Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ mới bắt đầu và hiệu quả chưa cao.

THIÊN ÂN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm