Dạy ngoại ngữ sớm cho trẻ không phải dễ, nếu không muốn tiền mất tật mang và gia đình xào xáo.
Vài năm qua, phong trào học tiếng Anh từ lứa tuổi mẫu giáo tại Việt Nam đặc biệt tăng mạnh, sau khi ngày càng có nhiều bài báo đăng những báo cáo cho thấy lợi ích của việc học ngoại ngữ đối với trẻ đang học nói. Tuy nhiên, có vẻ như việc áp dụng kết quả nghiên cứu này tại Việt Nam vẫn còn không ít bất cập, với nhiều trường hợp gia đình đối mặt với cảnh dở khóc dở cười chỉ vì ráng cho con em ăn học cho bằng bạn bằng bè.
Tốt không bàn cãi
Một trong những báo cáo về chuyện học song ngữ cho trẻ mẫu giáo đã được đăng trên tờ The Telegraph UK vào năm 2014. Kết quả các cuộc nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) lần lượt xác nhận học thêm một hoặc hai ngoại ngữ ở tuổi lên 3 giúp tăng các kỹ năng tư duy, sáng tạo và linh hoạt về trí óc. Trẻ học ngoại ngữ có thành tích học tập hơn hẳn các bé đồng trang lứa không hề biết tiếng nước ngoài, đặc biệt ở các bài kiểm tra miệng và toán. Điều này cho thấy học thêm ngoại ngữ là hoạt động tăng cường nhận thức chứ không chỉ dừng ở khía cạnh âm vị. Bộ não, giống như bất cứ bó cơ nào, hoạt động tốt hơn khi được tập luyện. Học ngoại ngữ vốn bao gồm việc ghi nhớ quy tắc và từ vựng, do đó hỗ trợ củng cố cái gọi là “cơ trí não”.
Đáng thuyết phục hơn, tiến sĩ Pascual-Leone, giáo sư y khoa của Đại học Harvard, đã cung cấp bằng chứng quan trọng đầu tiên cho thấy ảnh hưởng của việc học ngoại ngữ và quá trình lão hóa của não bộ. Cuộc nghiên cứu này đã mở đường cho các báo cáo tìm hiểu mối liên hệ nhân - quả giữa việc học song ngữ và ngăn cản sự sa sút về nhận thức. Và cho con trẻ học ngoại ngữ càng sớm thì năng lực bắt chước cách phát âm và khả năng luyến láy càng giống dân bản ngữ hơn. Trẻ được tiếp xúc sớm cũng dễ dàng đồng cảm với những người đến từ nơi khác, cũng như trở nên tò mò hơn trước những nền văn hóa và các quan điểm khác biệt; từ đó chuẩn bị tốt để trở thành công dân toàn cầu trong tương lai. Đó là chưa kể cơ hội việc làm sẽ còn tăng mạnh đối với những người thông thạo ngoại ngữ.
Và bi hài chuyệnáp dụng
Sau khi Sở Giáo dục TPHCM tuyên bố thay Chương trình Tiểu học Quốc tế Cambridge ở cấp 1 thành chương trình tiếng Anh tích hợp, các ông bố bà mẹ vội vã đăng ký cho con theo chương trình mới từ lớp 1. Mỗi lớp đều có thầy cô giáo bản ngữ cùng trợ giảng người Việt, và các em được sắp xếp hầu như học cả tuần với 3 môn tiếng Anh, Khoa học, Toán. Học được vài tháng, hơn phân nửa số phụ huynh than phiền con mình chẳng biết gì cả. Thậm chí cô trợ giảng cũng gọi điện về nhà báo với từng phụ huynh rằng học trò không tiếp thu tốt trong lớp. Một số phụ huynh nghe xong rất ngạc nhiên hỏi vặn lại: “Cô à, hè tôi dạy cho cháu chỉ khoảng 20 phút buổi tối mà cháu bắt chước đọc theo rất tốt mà?”. Thế là cô ú ớ chẳng biết giải thích thế nào. Những phụ huynh còn lại chẳng còn cách nào khác lại cho con đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài, tốn thêm bộn tiền mà vẫn chưa biết kết quả tới đâu. Một phụ huynh bảo: “Tôi cho con học chương trình mới, với tiền học phí một năm mua được cả chiếc xe, thế mà đứa nhỏ dường như chẳng biết gì ráo”. Sang năm thứ hai, nghe tình hình học hành sẽ còn căng hơn nữa. Không biết con em sẽ như thế nào đây.
Nếu chương trình học cấp 1 chính khóa đã như thế, vậy chuyện dạy trẻ mới bi bô tập nói học thêm một ngoại ngữ mới thì như thế nào? Trên mạng hiện có đủ các chương trình và ứng dụng dạy trẻ học tiếng Anh, thế là các bậc cha mẹ biết ngoại ngữ lõm bõm cũng vội vàng tải xuống mở cho đứa trẻ mới mười mấy tháng tuổi xem. Ngày nào họ cũng bắt trẻ nhìn vào màn hình bấm bấm, nghe nghe. Riết rồi đứa con chưa biết có kịp giỏi tiếng Anh hay không, nhưng đã nghiện điện thoại, máy tính bảng hồi nào không hay. Đến khi phát hiện cha mẹ vội vàng bắt trẻ “cai nghiện”, nhưng 100% chẳng làm được. Trẻ ở độ tuổi này đang tập nói, học sử dụng ngôn ngữ và tương tác với thế giới bên ngoài. Thế mà chúng bị đẩy đến trước màn hình học nói với cái máy bằng một loại ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ. Năng lực phát triển tư duy, sáng tạo vấp phải rào cản lớn, khó có thể vượt qua được. Thậm chí có một số ít phụ huynh quá dư dả tiền bạc còn quẳng con vào trường quốc tế để tiếp xúc với môi trường mô phỏng bản ngữ. Hậu quả là đứa con không nói được từ tiếng Việt nào, và chỉ có bố mẹ của chúng mới giao tiếp được với trẻ ở nhà.
Cách đây vài năm, một phụ huynh sau thời gian quan sát con học thêm ngoại ngữ ở trung tâm đã viết một bức thư hết sức tâm tư nhắn nhủ các bậc cha mẹ đừng quá vội vã đẩy con vào tình thế khó khăn, nhất là khi điều kiện học tiếng Anh sớm tại Việt Nam vẫn chưa cho phép. Điều cần nhất là dạy con nói tiếng Việt cho rành, giảng giải từ khó, từ hay cho con, hướng dẫn con biết về khái niệm tùy theo độ tuổi. Nói tóm lại là chuẩn bị các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết trước khi giới thiệu cho đứa con một ngôn ngữ mới.
Y LINH
Bình luận