Bất cứ ai đã từng đi qua tuổi thơ cũng không thể nào quên được một thời đã cùng lũ bạn chung xóm chơi ô ăn quan, thảy đá, nhảy dây, lò cò, bịt mắt bắt dê, trốn tìm...
Những trò chơi dân gian này tùy theo vùng miền mà tên gọi có đôi chút khác biệt. Tuy nhiên chung quy về cách chơi thì na ná giống nhau. Chơi những trò dân gian, bắt buộc người ta phải hòa mình với thiên nhiên. Hầu hết các cuộc chơi này đều diễn ra ở một khoảng không gian mở, rộng rãi. Đó có thể là khoảng sân nhỏ trước nhà, mảnh vườn hay bãi đất trống nào đó. Dưới sự “chứng kiến” của từng ngọn cỏ, cái cây, lũ trẻ đầu trần, chân đất mặc sức đùa vui thỏa thích. Tính chất gắn kết với tự nhiên trong những trò chơi này còn thể hiện ở việc người chơi thường tận dụng vật có sẵn trong thiên nhiên (ví như trò banh đũa thì dùng chanh làm banh, bó trúc nhỏ là đũa; đi nhặt những viên đá cuội nhỏ chơi trò thảy đá...). Vật dùng có thể linh hoạt thay đổi ra sao cũng được, miễn là đáp ứng đúng quy luật của trò chơi. Tất cả các trò này đều phải chơi tập thể, tức là một nhóm khoảng 3 thành viên trở lên thì mới tổ chức được. Nếu số người tham gia đông hơn thì càng thêm phần sôi nổi. Mỗi trò có quy luật riêng, là một cá nhân góp mặt trong tập thể, người chơi phải tuân thủ đúng luật. Thứ luật “con nít”, tuy vẫn là đúng sai, thưởng phạt nhưng rất nhẹ nhàng, dễ thương (chơi trốn tìm nếu nhìn lén trong lúc bắt thì phạt thêm lượt giữ cột, đứng gần cột với khoảng cách dưới 3 bước thì phải giữ cột). Trong lúc chơi, lũ trẻ vẫn có dịp thể hiện tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau vì trong một số trò người thắng có quyền cứu kẻ thua cuộc hay nếu “bắt đừ” (thua cuộc nhiều lần liên tiếp nên không được ở vị trí người chơi) thì sẽ được tha bổng. Sâu xa, trò chơi dân gian nối một sợi dây đoàn kết, thắt chặt tình cảm của đám trẻ quê. Những tiếng cười thậm chí giận hờn, cãi vã trên sân chơi chính là mối tương tác giúp lũ trẻ cảm thấy gần gũi nhau hơn để cứ hễ vắng nhau là lại í ới, rủ rê tụ họp.
Bên cạnh trò chơi có tính vận động (trốn tìm, bịt mắt bắt dê, nhảy dây, thiên đàng hỏa ngục...), cũng có không ít trò phải vận dụng trí óc (ô ăn quan, bùm...). Có lẽ bên nhóm vận động vẫn thu hút trẻ con hơn bởi chúng luôn hiếu động, ham chạy nhảy và dồi dào năng lượng. Trò chơi dân gian cũng hết sức đa dạng và phong phú, có cả một kho tàng để con trai lẫn con gái đều tìm cho mình được niềm vui thích riêng (trai thường chơi bắn bi, đá banh trốn tìm..., con gái thì chơi nhảy dây, lò cò, banh đũa...).
Thời buổi hiện đại, trẻ con nhiều nơi không còn mặn mà hoặc không biết trò chơi truyền thống nữa. Chúng bận vùi đầu vào các lớp học hoặc nếu có giải trí thì cũng chỉ bằng laptop, đện thoại, máy tính bảng. Trẻ thu mình vào thế giới riêng, ít tiếp xúc, kết nối với bạn bè xung quanh. Cũng có một số trường mầm non nơi thành thị áp dụng phương pháp dạy học để cho trẻ chơi với vạn vật như dẫn đi công viên, hoặc tạo không gian xanh nơi trường học trong giờ ngoại khóa. Thế nhưng, càng ngày, bóng dáng của những trò chơi dân gian mờ phai dần và chỉ còn có thể nhớ về như một ký ức thân thương.
ĐỖ YÊN
Bình luận