Hằng ngày lên mạng, bạn sẽ thấy nhan nhản những clip quay người trẻ đánh nhau. Chồng đánh vợ cũng nhờ bạn quay clip để “khoe” và tệ hơn con trai đánh cha cũng quay clip… Tất cả có chung một căn bệnh: bệnh vô tư vô cảm.
Không nên đổ trách nhiệm cho nhà trường, hệ thống giáo dục hoặc …mạng internet. Hãy nhìn lại trách nhiệm của gia đình. Một đứa trẻ không dễ dàng đánh bạn hoặc một người lớn không “hở chút là gây sự” nếu từ nhỏ được gia đình gieo hạt giống nhân ái từ thuở bé thơ.
Yêu thương gia đình
Thế hệ chúng tôi thường được ba mẹ dạy dỗ cẩn thận về sự quan tâm đến những người thân thiết của mình. Nhà cô bạn hàng xóm của tôi có đến 10 anh chị em. Mẹ bạn mua hai đòn bánh tét và cắt ra làm 10 miếng rồi bảo các con cùng chia nhau ăn. Bà dạy anh chị nhường em lấy trước. Và các em không nên giành những miếng to... Nhiều lúc tôi chứng kiến các em của bạn khi được lấy trước, đã nhận hết miếng nhỏ, còn miếng to nhất chừa cho bạn. Và bạn lại đổi miếng to đó cho đứa em nhỏ nhất.
![]() |
Người cha trong nhà có mua món ngon về, cũng dạy con cái hãy đưa cho mẹ ăn vì mẹ phải giặt giũ quần áo, làm bếp núc thật vất vả. Người mẹ nấu món ngon cũng dặn con cái chừa cho ba vì ba đi làm cực khổ kiếm tiền lo cho gia đình. Khi một đứa bé biết yêu thương ba mẹ, anh chị em, tất nhiên sẽ dễ mở lòng với người khác
Gia đình khá giả hơn sẽ dạy các con nhớ ngày sinh nhật của ba mẹ và ngày sinh của nhau để chúc mừng và tặng quà. Quà không có gì “ghê gớm” hoặc đắt tiền. Một tấm thiệp, một món đồ chơi tự làm cũng đủ mang lại niềm vui cho người nhận rồi. Hành động này cũng giúp con cái một cuộc sống có chiều sâu, đơn giản và khiêm nhu. Bà Nguyễn Thị Minh, 61 tuổi (Q5) chia sẻ: “Gia đình tôi rất đông anh em, đến 12 đứa. Tôi là con giữa. Mỗi lần nấu chè hay làm bánh, mẹ tôi thường chia đầy đủ và mọi người cùng ăn vui vẻ. Như thói quen, tôi sang nhà hàng xóm chơi, được biếu cái bánh, tôi cũng mang về cho mẹ. Nếu có anh chị em nào của tôi ở nhà lúc đó thì mỗi đứa cắn một miếng cũng vui. Sau này mới biết đó là cách ba mẹ dạy chúng tôi chia sẻ, yêu thương và nhường nhịn nhau”.
Ông Lê Phúc Thọ, 67 tuổi (Bình Thạnh) kể ba mẹ thường nhắc ông thưởng khi các em được điểm tốt. Phần thưởng có thể chỉ là cây kẹo hoặc một lời khen. Ngược lại các em ông cũng được dạy chúc mừng anh khi anh đạt kết quả cao trong học hành.
Quan tâm những người xung quanh
Không nên để con trẻ nhìn nhận sai lầm về ngày nhà giáo chỉ vì thái độ và hành động của cha mẹ. Ngày này, tôi biết nhiều thầy cô rất phiền khi nhận phong bì từ những phụ huynh của các học sinh cá biệt bị họ cho điểm xấu. Họ luôn trả lại tiền để không phải khó xử cùng những học sinh khác.
Thầy cô hôm nay không ít người thực dụng, thích phong bì nặng tay. Tuy nhiên, không nên để con cái thấy điều đó hoặc phê phán thầy cô trước mặt con để vô tình khiến con bất kính, khinh thường thầy cô. Khi con xem thường thầy cô thì chuyện hỗn láo với cha mẹ chỉ là vấn đề thời gian.
Với chú bác cô dì trong họ hàng, dù có bất mãn, giận dữ cũng không thể để con cái hùa theo. Trong quan hệ bạn bè, ba mẹ không nên bênh con khi xảy ra bất hòa. Hãy tìm hiểu kỹ vấn đề và khuyên con mở lời trước, khi có sự giận hờn, mâu thuẫn. Ngày nay, các bạn trẻ thường tổ chức sinh nhật. Hãy dạy con biết chúc mừng bạn một cách chân thành hơn là một món quà đắt tiền cho bạn để chứng tỏ “ta đây”.
![]() |
Dạy con biết “cho đi”
Bà Nguyễn Thúy Anh, 60 tuổi (Q1) kể: “Ngày xưa khi gặp hành khất, ba mẹ đưa tiền bảo tôi cho họ. Và phải đưa một cách lễ phép chứ không phải kiểu bố thí”. Mỗi lần có thiên tai, lũ lụt, các phụ huynh nên khuyến khích con nhịn chút quà sáng để gởi đến các bạn trong vùng găp nạn. Như ông Phạm Văn Thanh, 65 tuổi (Q3) bộc bạch: “Ngày trước, mỗi lần nghe nhà trường thông báo quyên góp quần áo cũ, tiền bạc... cho nạn nhân thiên tai, ba mẹ tôi giúp tôi chọn lựa quần áo và khuyên tôi đập ống heo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khốn khó”.
Khi biết xót thương và có hành động cụ thể giúp đỡ người bất hạnh, chắc chắn đứa bé đó không thể tàn nhẫn đưa tay đánh bạn mình, lại còn hả hê quay phim tung lên mạng.
Không phải lúc nào sự cảm thông và cho đi đều đúng. Người ta thường nói “lòng tốt bị lợi dụng”. Nhiều linh mục cũng như thượng tọa lên tòa giảng khuyên con chiên và Phật tử không nên bố thí trước cổng chùa và nhà thờ. Tại nhiều chùa, các Phật tử còn được khuyên không nên mua chim phóng sinh. Bởi nạn chăn dắt người già và trẻ em từ các tỉnh vào thành phố tạo nên một đội ngũ ăn xin để nuôi một bộ phận người lười nhác làm việc. Cũng như những con chim vừa được phóng sinh sẽ bị bắt lại để tiếp tục rao bán. Những hành động trên được gọi chính xác là kinh doanh từ thiện. Đồng tiền và lòng tốt ở đây đã bị lợi dụng!
Ba mẹ cần phân biệt cho con cái trường hợp nào cần giúp và hoàn cảnh nào cần “ngó lơ”.
Cha mẹ nên làm gương
Người cha không thể dạy con yêu thương khi người cha đó có cuộc sống ích kỷ như nhởn nhơ ngồi xem đá banh trên truyền hình trong lúc vợ sau giờ đi làm về phải “đánh vật” cùng với bếp núc để lo cơm chiều cho gia đình. Người mẹ không thể đòi hỏi con cái yêu thương ông bà khi bản thân mình không hề quan tâm đến chữ hiếu với ba mẹ mình.
Dạy con cái yêu thương nhau, phụ huynh cũng phải công bằng trong cư xử với con cái. Không nên thiên vị đứa con này và xử bất công với đứa con khác. Như thế vô tình ba mẹ tạo khoảng cách giữa những đứa con và tệ hơn khiến chúng ganh ghét, thù hằn nhau. Tương tự, dạy con hòa nhã cùng người trong gia tộc và hàng xóm láng giềng thì chính ba mẹ không nên nói xấu, hay gây xích mích, mâu thuẫn cùng mọi người.
Muốn gieo vào lòng con cái hạt giống nhân ái thì tấm lòng ba mẹ cũng cần có sẵn mầm yêu thương đã đâm hoa kết trái.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.