Trước bàn học của con mình, thầy Hưng không dán Thời gian biểu hoặc những điều ghi nhớ hay bất kỳ một châm ngôn nào về sự học, mà chỉ có chút nước trong cái chai đậy nắp, góc phòng thì dựng cây thuổng dài cạnh cái bao xơ dứa còn mới.
Hai con của thầy đều học giỏi, tự giác học và có thực lực. Chia sẻ về kinh nghiệm dạy con chịu học, thầy Hưng chỉ vào hai “biểu tượng” ngay góc học tập: Tôi nói với con khi chúng còn nhỏ rằng trong cái chai này chỉ là nước, thứ rất bình thường, rất rẻ, rất phổ biến đến nỗi trừ những tình huống đặc biệt (trong tù, chết khát trên sa mạc hay lênh đênh trên biển dài ngày), còn thì người ta có thể kiếm hớp nước ở bất cứ đâu, xin bất cứ ai, ngay cả người sắp chết vẫn có thể gắng nhỏm dậy uống một ngụm nước. Chuyện đơn giản thế thôi, ấy vậy mà, nếu con không vận động, không chịu với tay nhấc lấy cái chai, mở nắp ra và dốc vào miệng con thì 1 năm nữa, 10 năm nữa, thậm chí 100 năm nữa, cái chai đựng nước vẫn nằm ở đó. Huống hồ là sự học, nếu con không chịu vận động, tự mình đọc, viết, làm bài thì kiến thức khổng lồ cả nghìn năm trong những cuốn sách chẳng có cách gì có thể vào đầu con được cả. Cho nên đừng nói là học qua quýt đại khái, lười học mà vẫn giỏi được.
![]() |
Nếu con không chịu học, thấy học hành chẳng ích gì cho mình thì đây, hãy vác cái bao xơ dứa lên vai, tay cầm cái thuổng, kiếm trong bãi rác xem có cái gì có thể đưa vào miệng và đừng trách ai cả.
Chuyện như đùa, nhưng hai đứa con của thầy Hưng đều hiểu rằng cha nó không đùa. Cả hai không đợi cha mẹ phải giục, phải nhắc, phải thưởng mới ngồi vào bàn học. Khi chúng đã đỗ đạt và rời khỏi nhà thì cái chai đựng hớp nước vặn chặt ấy vẫn còn trên giá sách như một lời nhắc nhở và chiếc bao xơ dứa vẫn... chưa dùng lần nào!
*
Với tiếng tăm dạy môn Hóa rất chắc, thầy Hưng được nhiều bậc cha mẹ mời dạy kèm con mình cho kỳ các luyện thi. Lần đó thầy đến nhà một đại gia có con vừa rớt Ðại học, gia đình muốn cho cậu học lên một cách đường đường chính chính, chứ không phải chạy chọt hay mua điểm.
Người cha gần như quỳ xuống nói với con mình: “Vì gia đình, vì tương lai của cái nhà này, con hãy hy sinh một năm để luyện thi...”; thầy Hưng cắt ngang: “Anh đứng dậy đi, anh nói vậy tôi làm sao dạy được cháu. Anh dùng từ “hy sinh” là không chính xác. Nó đã làm được gì cho ai đâu, kể cả tự lo cho chính mình, mà chính là mọi người đang hy sinh để nó được đi học đấy chứ: cha mẹ hy sinh công sức tiền bạc đầu tư cho con, thầy cô hy sinh thời giờ vun bồi kiến thức cho nó, cộng đồng cũng chưa nhận được ở nó một sự đóng góp nào. Sau này có học Ðại học thì nó cũng chưa hy sinh cái gì cho ai cả, mà mọi người còn phải tiếp tục đầu tư cho nó nữa cơ, từ cái ăn cái mặc đến mọi thứ phục vụ cho việc sinh hoạt, học tập. Xưa nay nhiều người cùng lứa tuổi nó đã không tiếc tuổi thanh xuân và cả mạng sống mình vì mục đích lớn lao (mà họ còn không nghĩ là mình đang hy sinh), họ chỉ nghĩ đó là việc phải làm, là trọng trách với dân tộc, là nghĩa vụ, thậm chí là niềm vui, niềm tự hào. Chừng nào nó chưa hiểu được và chưa thấy cần phải học thì chẳng ông thầy nào có thể giúp được nó cả, không khéo nó còn bảo “em hy sinh giấc ngủ để học với thầy”, “em hy sinh ván game để làm bài tập”…”
Chuyện khá dài, nhưng sau đó cậu trai đã đỗ vào trường Bách khoa với 9 điểm Hóa và điểm mấy môn còn lại cũng không thua kém.
*
Việc học trước hết người học phải muốn học, chuyên cần, lặng lẽ âm thầm mà học, không cần phải có nhiều tiền, chức tước, quyền hành hay giở thói “đầu trâu mặt ngựa”. Khi có kiến thức thì không ai có thể cướp được, mua được, kể cả chặt đầu người có học thì cũng không thể lấy được hiểu biết của họ. Một trong những nhà khai quốc Hoa kỳ, người được in hình chân dung trên tờ tiền 100 đô la Mỹ - Benjamin Franklin đã phát biểu: “Nếu một người đổ hết ví vào đầu, không ai có thể cướp được nó khỏi anh ta”.
Và khi chết, mọi sự tích lũy trong đầu của một người thông thái bị xóa sạch về con số 0, đời con đời cháu lại khổ luyện từ đầu. Nhân loại cứ phải học đi học lại mãi. Ðó là sự đẹp đẽ và tuyệt vời của sự học.
Ths-Bs Lan Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.