Trên các phương tiện truyền thông, dạy thêm, học thêm có lẽ là một trong những đề tài thường xuất hiện nhất ở mục giáo dục, vì nhiều lý do. Là một giáo viên về hưu đã 5 năm, tôi xin có vài dòng về vấn đề này
Học sinh muốn đượchọc thêm
Nếu nói học sinh (HS) không cần học thêm là không đúng. Vấn đề đặt ra là đối tượng nào cần học thêm. Năm tôi học đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) tôi nhận thấy mình mất căn bản môn Toán. Tôi muốn tìm chỗ học thêm nhưng thuở đó (trước năm 1975) hiếm có thầy cô nào dạy thêm. Tâm sự với một người bạn cùng lớp, bạn tôi chịu khó tầm sư học đạo và giới thiệu tôi đến một căn nhà nhỏ, trong một con hẻm nhỏ trên đường Lý Thái Tổ hiện nay. Thầy đã về hưu và học phí rất ngộ. Thầy hỏi có khả năng đóng tiền học bao nhiêu và ba má có cho tiền đóng không? Tôi nói tôi nhịn tiền ăn sáng để đóng tiền học. Thế là thầy bảo cứ học xong buổi học trả thầy 2 đồng. Thầy nói lẽ ra thầy miễn phí cho tôi nhưng sợ tôi mặc cảm sau khi hỏi tôi đi học được mẹ cho tiền sáng là bao nhiêu. Tôi nói 5 đồng. Thầy dạy lại căn bản và sau khi tôi đã vững chương trình lớp 8 thuở đó thầy bảo tôi hãy nghỉ học để nhường chỗ cho bạn khác.
Cũng năm lớp 8 một bạn của tôi rất yếu môn Lý Hóa và cô giáo Lê Thị Nhứt Hoa đã bảo bạn đến nhà cô để cô dạy kèm không lấy tiền. Hai câu chuyện trên cho thấy đã đi học thì bất cứ ai cũng có thể mất căn bản một môn học nào đó và cần học thêm.
Giáo viên có nhu cầudạy thêm
Lúc còn đi dạy, là giáo viên Anh Văn nên tôi chỉ “chạy sô” ở các trung tâm đã đủ giờ rồi. Một lần, tôi thử không xài tiền dạy tại các trung tâm mà chỉ xài lương tại trường trung học phổ thông. Quả thật, lương chỉ đủ 15 ngày! Tôi phải xài tiền dạy thêm dù tôi là một người độc thân chỉ chi tiêu cho bản thân mình.
Vì vậy, để bảo đảm cuộc sống cho mình và gia đình, giáo viên (GV) phải dạy thêm. Tuy nhiên, tiêu cực phát sinh bởi có những GV vì đồng tiền mà dùng điểm số ép HS học. Cô cháu gọi tôi bằng dì từng khổ sở với thầy dạy Hóa tại trường. Con bé than trong lớp thầy giảng không hiểu, học thêm thầy cũng vậy nên tìm một nơi khác học. Thế là vào lớp nó bị thầy quay như quay dế, hớ chút là cho 0 điểm đến độ bạn nó khuyên: “Mày đóng 50 ngàn mỗi tháng cho rồi (thời giá thập niên 1980)!”.
Nó đóng học phí nhưng không học và cũng từ đó nó không còn bị quay cho đến hết năm. Chính nhu cầu bức bách cuộc sống khiến một số GV không còn giữ được nhân cách của mình trước học trò. Đây là điều rất đáng buồn!
Phụ huynh muốn conhọc thêm
Nhiều phụ huynh (PH) cứ tìm chỗ cho con mình học thêm dù chính con họ không có nhu cầu. Lúc còn dạy ở trung tâm Anh ngữ thiếu nhi, tôi thật khổ sở với nhiều phụ huynh cứ nài nỉ tôi đến dạy con họ Anh Văn dù môn Anh Văn trong lớp của các cháu luôn đạt điểm 10! Cháu còn rất giỏi Toán và từng đạt giải thưởng ở môn này. Có nhiều PH là nô lệ của thành tích do mình tự đặt ra. Họ cứ muốn con phải giỏi toàn diện dù con họ đã đoạt giải quốc gia một môn rồi. Họ luôn muốn con phải vào được trường chuyên lớp chọn dù sức học của cháu có giới hạn hoặc cháu chỉ có năng khiếu một môn. Thấy con người ta có bằng TOEFL, họ muốn con phải có bằng đó dù đứa trẻ còn quá nhỏ và hoàn toàn không có năng khiếu Anh Văn. Có PH ép con phải học Toán giỏi để vào được đại học Bách Khoa trong khi con họ chỉ có năng khiếu ngoại ngữ và Văn. Vì vậy, có thể nói, nhiều phụ huynh đã góp phần không nhỏ vào tình trạng học hành quá tải của con em mình. Có cung ắt có cầu, họ cũng thúc đẩy việc dạy thêm, học thêm trở nên tràn lan.
Ngoài ra, những tiêu cực phát sinh từ chuyện dạy thêm còn có lỗi của những PH không dám tranh đấu với các GV muốn ép con em họ học thêm, dùng điểm số để trù dập các em. Nhiều PH có kiến thức có thể kèm con ở nhà nhưng phải đóng hụi chết cho GV trong lớp vì sợ họ đì con mình. Chỉ khi báo chí lên tiếng họ mới hùa theo. Chúng ta nên tỏ ra cứng rắn với những GV dùng điểm số trù dập hoặc cố tình dạy sơ sài trong lớp để ép HS học thêm.
Về chuyện dạy thêm, học thêm, cấm đoán chỉ giải quyết được phần ngọn. Để giải quyết thật sự vấn đề, điều cần làm là giảm tải chương trình GD và trả lương xứng đáng cho GV. Về phía PH, cần mạnh dạn tranh đấu với tiêu cực phát sinh trong vấn đề này và bản thân PH đừng cố ép con thực hiện những khát vọng mà mình không đạt được khi còn nhỏ hoặc đơn giản chỉ để tranh đua với đồng nghiệp hay hàng xóm. Đừng nên đổ hết lỗi cho GV khi mà cả PH cũng có lỗi vì muốn con mình trở thành thiên tài dù con chỉ là đứa trẻ bình thường.
HOÀNG HẠC
Bình luận