Thứ Bảy, 18 Tháng Sáu, 2022 16:10

Ðể bước vào hôn nhân

 

Sự chuẩn bị của các cặp vợ chồng cho cuộc sống hôn nhân là một trong những chủ đề tại các hội thảo chính mà Ðại hội Gia đình Thế giới sẽ diễn ra tại Rome (Ý) từ ngày 22 - 26.6. Vậy, trước bước ngoặt quan trọng này, sự chuẩn bị của nhiều người sẽ nên như thế nào, muôn hình muôn vẻ ra sao?

 


Ý THỨC ĐÚNG ĐẮN VỀ LỰA CHỌN

Chị Huỳnh Thị My (Bình Dương): Hôn nhân là một cam kết cũng như là quyết định chọn lựa của chính bản thân, cho nên muốn hạnh phúc thì phải vun trồng. Một điều không thể thiếu là tìm hiểu thật kỹ người bạn đời của mình. Hãy dành thời gian để hiểu nhau trước khi bước vào cuộc sống gia đình. Tìm hiểu sở thích của nhau, thói hư tật xấu của nhau…, biết để đón nhận hay để xem liệu mình có thể đón nhận. Ai cũng sẽ có giai đoạn tìm hiểu trước hôn nhân để chuẩn bị cho đời sống gia đình, mọi người nên tận dụng nó thật tốt. Cả hai cùng nhau vạch ra một kế hoạch nho nhỏ nào đó trong tương lai để phấn đấu, tin tưởng. Hành trình phía trước rất dài nên dù sẽ có những chuyện không như ý nhưng chắc chắn giúp hai vợ chồng biết được phương hướng để đi tới.


MỘT HÀNH TRANG ĐẦY ĐẶN

Anh Trần Xuân Âu (TP Thủ Đức): Không phải chỉ phụ nữ mới cần sẵn sàng hay chuẩn bị trước khi lập gia đình mà với phía nam giới cũng vậy. Có thể mỗi giới lại có mối lo khác nhau nhưng chắc chắn cũng nhiều điểm chung khi dựng tổ ấm mới. Kinh nghiệm của cá nhân tôi là hai người sẽ nói chuyện với nhau nhiều để hiểu về các thành viên trong gia đình hai bên. Có những gì cần lưu ý đặc biệt không, cũng như sở thích, tính cách... Là chồng, tôi còn tìm hiểu những trường hợp có thể xảy ra khi vợ giận và cách làm hòa hợp tình nhất. Là người Công giáo, tôi cố gắng duy trì giờ kinh tối gia đình dù có ngày cãi nhau hay giận dỗi. Tôi cảm thấy khi cùng nhau đọc kinh, cảm xúc và tâm hồn hai bên dễ cân bằng, nhẹ nhàng hơn nên cũng mau làm hòa. Tôi còn chọn cho mình một người đáng tin cũng như đủ hiểu biết để xin lời khuyên mỗi khi gặp khúc mắc khó hòa giải. Một chỗ dựa tinh thần, theo tôi đó là điều quan trọng vô cùng khi bước vào hôn nhân gia đình.


CHUẨN BỊ TÂM LÝ

Chị Nguyễn Kiều Trinh (Đà Nẵng): Có trăm ngàn điều cần chuẩn bị khi bước vào đời sống hôn nhân, trong đó, chuẩn bị tâm lý có lẽ quan trọng nhất. Lập kế hoạch tài chính, điều chỉnh quản lý từ tài chính cá nhân nay sẽ thành tài chính gia đình. Rất nhiều cặp đôi đã tan vỡ vì không tìm được tiếng nói chung trong chi tiêu. Trước khi kết hôn, tôi đã tìm những gia đình để học cách giải quyết những bất đồng nếu có, học cách tranh luận cùng nhau, học cách cân bằng giữa đời sống hôn nhân với biết bao thứ khác từng có trước khi kết hôn, học cả kinh nghiệm về sự tha thứ cho nhau từ những cặp đôi có thời gian gắn bó thật dài. Tôi nghĩ mình sẽ bớt đi những lo lắng và tích cực hơn khi được sự chuẩn bị tinh thần, tâm lý, kỹ năng đầy đủ hơn.


NHỮNG KỸ NĂNG MỀM

Chị Lê Thị Hồng Yến (TP Thủ Đức): Nhớ lại những ngày chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, vợ chồng đã thân quen từ trước nên những áp lực về các mối quan hệ là không có. Có điều, để sẵn sàng cho đời sống gia đình, ngày đó tôi đã cố gắng tập tành nữ công gia chánh nhiều hơn, đồng thời cũng đọc thêm nhiều sách vở về hôn nhân rồi hỏi kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ và gia đình từ các chị gái, từ mẹ. Các lớp học tiền hôn nhân ngày nay được mở khá nhiều cũng sẽ giúp ích cho cả hai phái, có cả kiến thức và tâm lý chuẩn bị cho cuộc sống mới. Chuẩn bị sẵn sàng có em bé sẽ như thế nào cũng là điều cần thiết vì sẽ giảm được sự bỡ ngỡ, căng thẳng. Nhìn lại cả hành trình đã qua, tôi nghiệm ra vợ chồng khó tránh khỏi các mâu thuẫn muôn hình muôn vẻ của cuộc sống gia đình, nhưng để đi cùng nhau xa thì cần đôi bên đều có sự tôn trọng, chia sẻ, thấu hiểu.


ĐỂ AN TÂM CHO CUỘC SỐNG MỚI

Anh Nguyễn Phương Duy (Bà Rịa): Người đàn ông trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân có đầy mối lo, đặc biệt về vấn đề tài chính. Tài chính ổn định theo tôi rất quan trọng vì hôn nhân phải có tình yêu nhưng cũng cần điều kiện vật chất ổn định để có thể an tâm xây dựng cuộc sống mới. Về phần tôi, vì vợ là người tân tòng nên còn phải giúp vợ hiểu thêm về kiến thức, thói quen, nếp sinh hoạt đạo đức, niềm tin của người Công giáo để có thể chia sẻ và dễ hòa hợp với nhau hơn trong cuộc sống. Điều này quan trọng khi hai người vốn trước đây không có điểm chung về đức tin cũng như thói quen sinh hoạt đạo đức khác nhau. Ngoài ra, tôi vốn không biết nấu ăn nhưng khi lập gia đình cũng đã phải chuẩn bị thêm chút ít khả năng nội trợ, phòng khi vợ sinh con hoặc vợ bận công việc khác. Chia sẻ bếp núc luôn tạo nhiều niềm vui hơn cho nhau. 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm