Thứ Sáu, 25 Tháng Chín, 2020 13:46

Để người già an vui

 

Khi tuổi già ập đến, bất cứ ai cũng cần có người thân cận bên cạnh chăm sóc, tựa nương. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn được con cháu đỡ đần. Ngoài kia, có rất nhiều cụ già neo đơn cần lắm tình thương, tình thân của mọi người quanh mình. Ðức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Giáo hội nhìn đến người già bằng “lòng trìu mến, lòng biết ơn và lòng kính trọng lớn lao”.  Vì thế, đâu đó vẫn có những cá nhân, đoàn thể tìm mọi phương cách nâng đỡ người cao tuổi.

 

 

CẦN NHẤT TÌNH THƯƠNG

Nữ tu Maria Nguyễn Thới Kim Chi (dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm): Tôi cùng ba chị em đang phục vụ ở cộng đoàn Tân Qui, Hóc Môn. Các năm trước, bên cạnh việc giúp xứ, chị em còn nhận nuôi dạy trẻ, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trường đóng cửa. Theo đó, nhà dòng cũng muốn chị em chuyển hướng phục vụ ra ngoài xã hội, đi thăm hỏi bệnh nhân, những người già cả, neo đơn liệt lào. Vì thế, mỗi sáng từ thứ Hai đến thứ Năm, bắt đầu từ 9 giờ là chị em lại chở nhau đến từng nhà viếng thăm các cụ. Mỗi lần đi đều có người trong xứ đưa đi chứ địa bàn họ đạo rộng, tự đi thì không biết đường, không biết nhà, thêm nữa ban đầu họ cũng chưa biết mình là ai. Mình đi tới người ta mừng lắm. Tuổi già đâu cần nhu cầu gì nhiều, ăn uống cũng chẳng được bao nhiêu, nên họ cần nhất là tình thương và sự quan tâm hỏi han ân cần của con cháu. Nhưng những hoàn cảnh mà chúng tôi đến thăm thì không được như vậy. Có cụ chẳng có người thân thích bên cạnh, mỗi mình đơn chiếc chịu đựng tuổi già và những đớn đau của bệnh tật. Không đi thì thôi, đi rồi tôi mới thấy họ đáng thương quá sức, từ lâu ít ai lui tới, nên có người đến thăm, họ rất mừng. Mình đến hỏi han bệnh tình, cụ nào đau nhức thì mình xoa tay, bóp chân, kể chuyện cho nghe. Họ vui lắm, không muốn cho mình về, có cụ còn nắm tay mình thơm hôn mà thấy nghẹn lòng. Tôi hỏi thăm các cụ cần cái gì? Các cụ bảo buồn thôi, vì không có người nói chuyện. Cụ nào là tín hữu Công giáo thì lần hạt Mân Côi, cụ nào là Phật tử thì tụng kinh. Có lẽ đó là chiếc neo cuối cùng họ bám vào để chờ ngày trở về cõi linh thiêng.

 

KHÔNG ÐỂ NGƯỜI GIÀ BỊ HẮT HỦI

Bà Ðặng Thị Nụ (giáo họ Thụ Ðiền, GP Thái Bình): Mái ấm Têrêsa của tôi hiện có một cụ cao tuổi nhất là 95 tuổi, còn lại các cụ trên dưới 60 tuổi. Cũng đã 10 năm mái ấm được thành lập, số người đến đông hơn trước nhưng mái ấm lại khá nhỏ và chật chội, sân lợp tôn cũng đã tận dụng làm thành chỗ kê giường ngủ hết rồi. Nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi là lo sao cho có chốn ăn ngủ, sinh hoạt tử tế rộng rãi để các cụ thoải mái hơn. Nhưng công việc còn dang dở đến nay vẫn chưa thực hiện được. Quả là cơ sở vật chất ở đây còn thiếu thốn đủ bề, nhưng tôi không bao giờ để cho các cụ cảm thấy mình không được yêu thương, vì người già sợ nhất là sự hắt hủi. Bằng tất cả tình thương và sự tận tụy của mình, tôi cố gắng bù đắp hết sức có thể, để ít nhất về tinh thần các cụ cảm thấy được bình an, được đón nhận săn sóc như người thân trong gia đình.

 

LẤY PHỤC VỤ LÀM NIỀM VUI TUỔI XẾ CHIỀU

Bà Trương Thị Thu (Gx Hà Ðông, TGP TPHCM): Giờ đây, tôi không đi được nhiều nữa những chuyến bác ái xa, nên ước mong có hoạt động nào đó cho mình làm ngay tại giáo xứ. Thật may vì được sự ủng hộ và tạo điều kiện của cha chánh xứ G.B Vũ Mạnh Hùng, ngài cho mượn một căn phòng nhỏ bên hông nhà thờ để mở cửa hàng bán các sản phẩm do người Công giáo làm gồm có áo lễ của các cha, bánh lễ, nến, bột ngũ cốc, bánh tráng mè, mật ong… Tất cả các sản phẩm này tôi tự liên hệ, lấy hàng và tự đứng ra chịu vốn. Sản phẩm nào lấy về bán, tôi đều ghi vào sổ sách rõ ràng, khách hàng nào mua món gì cũng ghi lại để đảm bảo tính minh bạch. Mục đích của cửa hàng không phải kinh doanh, mà bán để gây quỹ cho ban Caritas của giáo xứ, nên tiền lời thu được và tiền của các thành viên trong ban Caritas ủng hộ thì tôi bỏ hết vào quỹ, dành để phục vụ cho công tác thiện nguyện của xứ mình. Lớn tuổi rồi, con cháu cũng e ngại tôi đứng ra làm như vậy sẽ cực nhọc nên muốn mình lui về an hưởng tuổi già, nhưng tôi lại thấy già rồi mà Chúa ban cho còn sức làm việc, còn phục vụ tha nhân được thì đó là một niềm an ủi lớn, hơn là nằm một chỗ, trở thành gánh nặng cho người thân. Dường như càng làm việc, càng cho đi thì tôi lại thấy trong người khỏe ra, nhiều người gặp nói trông bà vẫn khỏe mạnh minh mẫn như năm nào, tôi thấy an ủi lắm, xin Chúa ban cho mình sức khỏe để có thể tiếp tục cống hiến, phục vụ tha nhân đến hơi thở cuối cùng.

 

KHÔNG LÃNG QUÊN NGƯỜI CAO NIÊN

Ông Nguyễn Văn Nâng (Ðoàn trưởng Gia đình phạt tạ Thánh Tâm Gx Chợ Cầu, TGP TPHCM): Trong hội Gia đình phạt tạ Thánh Tâm của giáo xứ có nhóm chăm sóc bệnh nhân. Nhóm này nỗ lực trong việc tổ chức phục vụ, giúp đỡ các bệnh nhân già cả liệt lào trong xứ và mở rộng đến các vùng lân cận, thực hiện nhiều giờ kinh cầu nguyện tại gia, có tháng lên đến hơn trăm lượt. Ngoài ra, nhóm cũng tổ chức chia phiên trực nhật ngày đêm để giúp đỡ những trường hợp hấp hối, cũng như tang lễ, cho đến lúc đưa người quá vãng đến nơi an nghỉ trong Chúa. Riêng vào dịp Giáng sinh, Tết, xứ đoàn đều có những phần quà, tiền mặt hỗ trợ cho các cụ khó khăn ngặt nghèo trong hội. Bệnh cạnh đó, ở các giáo khu, mỗi sáng Chúa nhật, ban Hội đồng Mục vụ sẽ chở các thầy giúp xứ đi trao Mình Thánh Chúa cho các cụ già đau yếu không thể đến nhà thờ, còn mỗi thứ Sáu đầu tháng thì cha xứ tới tận nhà để giải tội. Mong sao những hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất của Gia đình Phạt tạ, của giáo xứ sẽ phần nào giúp các cụ cảm thấy được nâng đỡ, không bị lãng quên.

 

CHỐN YÊN HÀN CHO CỤ GIÀ NÁU THÂN

Ông Phan Văn Hạnh (Phụ trách Mái ấm Ðức Ái, GP Mỹ Tho): Mái ấm Ðức Ái ở Long An hiện nay là cơ sở thứ hai của mái ấm Camillo (quận 8) do bà giáo Lê Thị Kính thành lập. Hiện bà đã mất được gần hai năm nay rồi. Tôi đồng hành với bà chăm sóc các cụ già neo đơn những ngày còn ở Camillo, đến nay các cụ đã được chuyển về mái ấm Ðức Ái để tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng. Vào các ngày thứ Tư, Năm, Sáu, Bảy, tôi ở đây lo quán xuyến các công việc. Ðức Ái có cơ sở khang trang với dãy nhà 8 phòng, nơi nương tựa của 20 cụ già neo đơn. Dãy nhà được xây dựng từ lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. Ngày mái ấm được khánh thành, Ðức Giám mục giáo phận Mỹ Tho đến làm phép nhà và dâng lễ tạ ơn. Mỗi sáng thứ Bảy cũng đều có linh mục đến dâng lễ cầu nguyện cho mọi người. Trải qua một chặng đường hơn 20 năm, từ căn nhà tạm bợ ở quận 8 với biết bao nhọc nhằn thiếu thốn, không ai ngờ đến nay mái ấm Ðức Ái có thể tồn tại và phát triển như vậy. Có lẽ bà Kính cũng cảm thấy được an lòng. Còn các cụ cũng cảm thấy ấm áp vì có chốn yên hàn nương náu tới cuối đời.

 

Ngọc Lan (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm