Thực tế là có không ít tín hữu còn mơ hồ, chưa hiểu biết nhiều về giáo phận mình đã và đang gắn bó. Ðiều đó dường như cũng khiến cho sự gắn kết giữa họ với địa phận trở nên mỏng manh và có khả năng bị cắt đứt theo thời gian. Cùng đọc, suy nghĩ một vài tâm sự của các độc giả CGvDT để tìm ra phương cách giúp mối thân tình trên càng thêm bền chặt.
CỦNG CỐ LÒNG MẾN
Ông Lê Văn Toán (Gx Tân Hưng, TGP TPHCM): Trước đây, khi tôi còn sống tại một giáo phận ngoài miền Trung, vì chưa có nhiều điều kiện nên việc tìm hiểu những thông tin về giáo phận nhà rất hạn chế. Sau này đời sống đi lên, vào Sài Gòn lập nghiệp, có nhiều thời giờ, lại được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đã giúp tôi biết thêm nhiều về giáo phận nơi mình đang sinh sống, về giáo phận quê hương, cũng như nhiều nơi khác. Việc có những thông tin như vậy, lại được tham gia vào các sinh hoạt phong phú do Tổng Giáo phận TPHCM tổ chức, đã giúp tôi cảm thấy mình đang được gắn bó mật thiết với mảnh đất này, từ đó củng cố thêm niềm tin cũng như lòng mến của bản thân.
ÐỂ KHÔNG THÀNH XA LẠ
Chị Tống Thanh Huyền (Gx Bùi Chu, GP Xuân Lộc): Thực ra, nếu đòi hỏi người giáo dân phải hiểu rõ về nguồn gốc, lịch sử hình thành, phát triển của giáo phận mình thì cũng không phải là điều dễ dàng. Mỗi người trong cuộc sống của bản thân có quá nhiều mối bận tâm nên đôi lúc không thể biết được những kiến thức có thể coi là nền tảng, gắn bó với nhịp sống đạo của mình như thế. Rất may là vào những dịp lễ lớn hay những sự kiện quan trọng thì ở nhà thờ, cha sở đều thông tin rộng rãi đến toàn thể cộng đoàn. Thêm nữa, nhờ mạng lưới internet rộng khắp, các website, Fanpage của giáo phận với đầy đủ thông tin được cập nhật thường xuyên cũng tạo thuận lợi rất nhiều cho những ai muốn tìm hiểu. Chính vì thế mà dường như khoảng cách giữa người với người đã được xóa mờ và các Kitô hữu không trở nên xa lạ với chính địa phận họ sinh sống. Tuy vậy, tôi cảm thấy cần có những chương trình, phương pháp cụ thể làm cho mối liên kết giữa mỗi tín hữu với giáo phận khăng khít hơn nữa để mỗi người biết yêu và biết cố gắng chung tay dựng xây giáo phận ngày càng phát triển.
THIẾU MỐI LIÊN HỆ
Anh Trần Xuân Thịnh (Gx Long Hương, GP Phan Thiết): Thực sự từ khi vào Sài Gòn làm việc và đi lễ ở nhiều nhà thờ khác nhau, tôi mới bắt đầu đặt câu hỏi cho mình về xứ đạo cũng như giáo phận quê nhà. Tôi đã hiểu biết những gì về lịch sử thành lập và dựng xây giáo xứ, giáo phận mình? Nếu ai đó hỏi tôi nói về nét đặc biệt ở xứ mình là gì, liệu tôi biết được bao nhiêu mà giới thiệu cho họ? Thú thật là tôi chưa được nghe người lớn trong gia đình nói về giáo xứ hay giáo phận của mình. Tôi chỉ còn nhớ xứ mình mừng kỷ niệm hơn 60 năm gần đây. Những dữ liệu như nguồn gốc, thành phần giáo dân trong xứ, số giáo dân, ngôi thánh đường xây dựng có gì đặc biệt... thì hoàn toàn không rõ. Có thể trong những dịp lễ kỷ niệm, giáo xứ có nhắc về lịch sử, nhưng nhiều người trẻ như tôi chưa quan tâm. Còn nói về những sinh hoạt hiện tại, tôi cũng không được nắm lắm vì đi làm xa nhà và mối dây liên hệ giữa người xa quê và các giáo xứ cũng như giáo phận ở quê chưa được bền chặt.
MIỄN LÀ LỢI ÍCH CHO MỌI NGƯỜI
Anh Nguyễn Văn Luân (Gx Kim An, GP Long Xuyên):Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng quê Cái Sắn, một nơi giàu truyền thống đạo nghĩa, có lòng yêu Chúa tha thiết. Từ nhỏ, những câu chuyện về lịch sử giáo xứ, sự thăng trầm của bà con trong đời sống và đức tin, những đổi thay của giáo phận Long Xuyên, tôi đã ít nhiều được nghe. Khi lớn lên, sống trong giáo phận nên tôi cũng để ý các sinh hoạt chung, những diễn biến mới. Tôi thấy mình có trách nhiệm với cộng đoàn đức tin của mình. Trước tiên là góp sức nơi chính giáo xứ, giáo phận. Còn nếu do cuộc sống, công việc phải đi làm ăn xa thì tham gia cộng đoàn nào đó nhiệt tình cũng là dấn thân xây dựng Giáo hội, miễn là có lòng yêu mến và hy sinh phục vụ. Bây giờ, dù bận rộn, ít khi về quê, nhưng các thông tin của giáo phận nhà tôi cũng hay xem, nhất là những sự kiện lớn. Qua các phương tiện truyền thông, báo chí Công giáo, việc cập nhật tin tức càng dễ hơn nữa. Vì thế, dù đi xa mà lòng không xa. Dù không trực tiếp hát ca đoàn hay là thành viên của hội đoàn nào ở xứ nhà, nhưng tích cực nơi cộng đoàn mình đang sống và sống yêu thương, bác ái, làm theo Lời Chúa dạy thì tốt rồi.
TỪ THƯ MỤC VỤ HẰNG THÁNG
Anh Nguyễn Phi Hùng (Gx Bến Hải, TGP TPHCM):Tôi thấy các Ðức Giám mục giáo phận thường xuyên có thư mục vụ đến cộng đoàn Dân Chúa. Trong đó, các ngài đưa ra những hướng dẫn cụ thể để các Kitô hữu sống đời sống đức tin cũng như thông tin về hiện tình giáo phận. Những bức thư đó thường được rao tại nhà thờ vào các thánh lễ Chúa nhật để mọi người nắm rõ. Song, cũng vẫn có nhiều người chưa biết, nên tôi nghĩ rằng các cha sở nên xây dựng chương trình hoạt động cụ thể lấy cảm hứng từ thư chung của chủ chăn giáo phận và gởi đến từng gia đình, như một cách để giúp giáo dân dễ dàng sống đạo hơn. Qua đó, các tín hữu sẽ biết, hiểu về địa phận của mình và cảm nghiệm được mối liên kết chặt chẽ với địa phận.
Bình luận