Thứ Tư, 21 Tháng Mười Hai, 2022 16:31

Ðể trẻ em an toàn trên môi trường mạng

 

Việt Nam có khoảng 24 triệu trẻ dưới 16 tuổi, đa số các em tuổi vị thành niên đều có điện thoại thông minh được cha mẹ sắm.

Các bậc cha mẹ thường chỉ nhắc nhở các em hạn chế truy cập, dành thời gian học tập chứ không có việc kiểm soát các em. Có những thăm dò cho thấy, đa phần phụ huynh không thực sự có thông tin và kiến thức cụ thể trong việc cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh. Phụ huynh không biết thời lượng mà trẻ được phép sử dụng bao nhiêu mỗi ngày, mỗi tuần là hợp lý. Các trường học cũng chỉ dạy về công nghệ thông tin chứ không dạy các em về văn hóa mạng… Cũng từ đây, trẻ em, nhất là lứa tuổi vị thành niên, dễ trở thành đối tượng bị lợi dụng như xâm hại tình dục, bán thẻ chơi game, tham gia diễn đàn không lành mạnh…

Hiểm họa luôn rình rập trẻ trên không gian mạng - Cách nào để an toàn?

 

Về mặt tâm lý, các em ở tuổi này còn yếu về kỹ năng, kiến thức phòng vệ với “rác mạng”. Nhiều em bị rơi vào tình trạng nghiện internet. Một số em sa vào lối sống ảo, bỏ quên học hành. Số khác bị phụ thuộc bởi tâm lý đám đông trong trang mạng. Nhiều em lại rơi vào trầm cảm bởi việc “ném đá”, khủng bố tinh thần của một nhóm nào đó mà em đã tham gia… Những diễn biến này rất âm thầm, chỉ đến khi các em có biểu hiện bất thường phụ huynh mới vỡ lẽ vì những hành vi lệch lạc của các em liên quan đến internet.

Phụ huynh không thể cấm trẻ em lướt mạng, bởi vì nhiều nguồn thông tin trên mạng cũng ích lợi cho việc trau dồi kiến thức, kỹ năng. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần tự trang bị kiến thức và kỹ năng để đồng hành với con em khi chúng sử dụng mạng, gợi mở cho con cái biết đón nhận những giá trị tích cực và loại bỏ những điều tiêu cực.

Về phía các cơ quan chức năng, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các kênh thông tin, các diễn đàn trên mạng xã hội với những loại thông tin giật gân, các phát ngôn lệch chuẩn, những hành vi gây sốc…

Nhìn chung, để trẻ an toàn trên môi trường mạng, ngoài nỗ lực của các em, sự định hướng của phụ huynh, nhà trường, cũng rất cần sự vào cuộc thực sự của ngành chức năng.

 

Ngô Quốc Ðông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm