Tình trạng ấm lên toàn cầu có thể đảo ngược bằng cách tái đông lạnh hai cực Bắc - Nam, theo nghiên cứu mới được đăng tải trên chuyên san Environmental Research Communications.
Cực Bắc và Cực Nam của Địa cầu đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu. Trên thực tế, những đợt sóng nhiệt kỷ lục được ghi nhận hồi đầu năm nay đều diễn ra ở Bắc Cực và Nam Cực. Tình trạng băng tan và sự sụp đổ của các sông băng trên những dãy núi cao đã và đang khiến mực nước biển dâng lên trên khắp thế giới. Để ngăn chặn băng tan ở hai cực, đội ngũ chuyên gia của Đại học Yale (Mỹ) đã đưa ra đề xuất gây nhiều tranh luận, mà theo họ có thể thực hiện với chi phí chấp nhận được, theo báo cáo đăng trên chuyên san Environmental Research Communications.
![]() |
Ý tưởng khôi phục băng tầng lưỡng cực
Tác giả Wake Smith của Đại học Yale cho rằng việc phục hồi băng tầng ở Cực Bắc và Cực Nam có thể thực hiện được nếu nghĩ ra cách chặn ánh sáng mặt trời chiếu xuống hai khu vực này, từ đó duy trì được các mô hình thời tiết như bình thường. Nhóm của ông đề xuất sử dụng biện pháp tiêm khí dung vào tầng bình lưu (SAI), nhưng chỉ gói gọn ở phạm vi hai vùng cực chứ không áp dụng trên bình diện toàn cầu.
Theo kế hoạch, cần đến phi đội khổng lồ gồm 125 máy bay tiếp liệu trên không của quân đội để rải các hạt sulphur dioxide siêu nhỏ vào không khí ở độ cao 13.000m cách mặt đất và tại vĩ độ 60 ở cả hai bán cầu. Vị trí này tương đương với phạm vi của quần đảo Shetland ở phía bắc và quần đảo Falklands / Malvinas ở phía nam. Chỉ cần rải ở đây, các đám mây hạt sẽ chậm rãi trôi dạt đến hai vùng cực và phủ bóng mát cho phần bên dưới.
Các chuyên gia Mỹ tính toán được chỉ cần rải hơn 13 triệu tấn hạt vào mùa xuân và mùa hè là đủ hạ nhiệt độ ở vùng cực khoảng 2 độ C. “Mô hình của chúng tôi ước tính chi phí triển khai chương trình cấy mây ở vùng cực là 11 tỷ USD vào năm 2022”, theo ông 2022. Đề xuất trước đó là rải mây trên toàn cầu, dẫn đến chi phí tăng vọt. “Con số này chưa bằng 1/3 dự toán 36 tỷ USD nếu muốn giảm 2 độ C trên toàn cầu”, chuyên gia Mỹ cho biết.
![]() |
Bắc Cực và Nam Cực đang bị đe dọa
Tác giả Smith nêu lên một tình hình thực tế: “Bắc Cực đang đối mặt mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đến từ biến đổi khí hậu, theo đó khu vực này đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi mức trung bình của toàn cầu”. “Bắc Cực hiện là ‘điểm nóng’ của tình trạng ấm lên toàn cầu”, Physorg dẫn lời ông Jason Box, chuyên gia băng hà học của Viện Khảo sát Địa chấn Đan Mạch và Greenland.
Trong chưa đầy nửa thế kỷ, từ năm 1971 đến năm 2019, nhiệt độ trung bình hằng năm tại Bắc Cực đã tăng 3,1 độ C so với mức 1 độ C trên toàn hành tinh. Diện tích phủ băng vào tháng 9 từ năm 2010 đến 2019 bị thu hẹp 40% so với giai đoạn 1979 đến 1988. “Đến giữa thế kỷ, thậm chí có thể sớm hơn, biển băng mùa hè của Bắc Cực sẽ hoàn toàn biến mất, đủ sức gieo rắc những hậu quả thảm khốc đối với khí hậu trên toàn cầu”, chuyên gia Smith cảnh báo.
Cùng lúc, Nam Cực cũng ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với mức trung bình trên toàn Trái đất và băng đang tan ở mức độ có thể chạm đến cái gọi là “điểm tới hạn”. Đây là ranh giới của sự đổ vỡ mọi thứ mà không thể quay lại được. Để dễ so sánh, nếu vượt qua điểm tới hạn, rừng nhiệt đới Amazon có thể biến thành thảo nguyên trơ trụi. Còn khu vực băng tầng vĩnh cửu của Địa cầu, nơi đang “ngậm” khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao gấp đôi so với lượng khí đã hiện diện trong khí quyển, sẽ phóng thích khí phát thải quay lại không khí.
Chuyên gia Smith cũng lưu ý đề xuất của nhóm ông không phải dùng để thay thế các chiến lược khác nhằm ngăn chặn nhiệt độ trên toàn cầu gia tăng. Ông cảnh báo kế hoạch trên chỉ có thể “điều trị” nhất thời triệu chứng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, chứ không không chữa được tận gốc mà phải dùng những biện pháp khác. “Nó giống như là thuốc aspirin, chứ không phải là penicillin. Đây không phải là phương án có thể thay thế cho nỗ lực khử carbon khỏi không khí”, theo chuyên gia Mỹ.
![]() |
Siêu bão ở Mỹ, Nhật đều liên quan biến đổi khí hậu
Những tuần qua, Mỹ và Nhật Bản đối mặt với siêu bão, gây tổn thất trên diện rộng ở những nơi mà cuồng phong quét qua. Tất cả siêu bão này đều có liên hệ với tình trạng biến đổi khí hậu, theo Axios. Tại Puerto Rico, bão Fiona ập đến vào ngày 18.9, gây mất điện trên toàn hòn đảo. Còn tại Nhật Bản, siêu bão Nanmadol, cơn bão mạnh thứ tư từng đổ bộ nước này trong lịch sử, mang đến lượng mưa kỷ lục và dẫn đến mất điện trên diện rộng. Nhật Bản đã sớm di tản 8 triệu dân trước khi bão đổ bộ.
|
ĐINH NGUYỄN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.