Tiền nhân chúng ta nếu viết sách, làm thơ bằng chữ Hán (chúng ta đọc âm Hán - Việt, người Hoa đọc tiếng Hoa), người Hoa nhìn vào thơ sách chữ Hán là họ hiểu ráo trọi, hiểu ngay lập tức. Còn khi chúng ta viết chữ Nôm, người Hoa nhìn vào bản văn chữ Nôm của người Việt (bề mặt nhìn giống chữ Hán hết sức), người Hoa sẽ... khỏi hiểu luôn.
Vì sao?
Vì chữ Nôm ghi lại Nam âm (quốc âm) của người Việt chúng ta!
![]() |
1. Đây, bốn câu thơ mở đầu truyện Kiều viết bằng chữ Nôm (ghi trong ngoặc):
Trăm năm trong cõi người ta (𤾓 𢆥 𥪞 𡎝 𠊛 些)
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (𡦂才 𡦂 命 窖 𪜀 恄 饒)
Trải qua một cuộc bể dâu (𣦆 戈 没 局 𣷭 橷)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (仍 調 𪿄 𧡊 麻 𤴬 疸 𢚸)
1a) Trong 28 ký tự của bốn câu thơ mở đầu, đã có đến 16 chữ Nôm KHÔNG CÓ trong Hán tự.
Đây là những chữ do người Việt chế tác bằng cách lắp ghép 2-3 chữ Hán dính chùm với nhau thành một, người Trung Hoa nhìn vào không đọc được, vì đâu có trong Hán tự mà đòi đọc.
16 chữ này đọc theo Nam âm (quốc âm, ghi bằng chữ in hoa):
𤾓 TRĂM, 𢆥 NĂM, 𥪞 TRONG, 𡎝 CÕI, 𠊛 NGƯỜI, 𡦂 CHỮ (ký tự này dùng 2 lần trong bốn câu thơ), 𪜀 LÀ, 恄 GHÉT, 𣦆 TRẢI, 𣷭 BỂ, 橷 DÂU, 𪿄 TRÔNG, 𧡊 THẤY, 𤴬 ĐAU, 𢚸 LÒNG.
![]() |
1b) Có 10 chữ mượn nguyên dạng chữ Hán, nhưng nghĩa khác hẳn. Người Trung Hoa nhìn vào từng chữ tưởng hiểu, nhưng khi xem toàn câu, toàn bài thì không hiểu (vì đâu mang cái nghĩa trong chữ Hán):
窖 (“diếu”, nghĩa là sâu xa)=> đọc thành âm thuần Việt là “KHÉO” (trong “khéo là ghét nhau”);
饒 (“nhiêu” nghĩa là đầy đủ) => đọc âm thuần Việt là “NHAU” (trong “khéo là ghét nhau”);
局 (“cục” nghĩa là một bộ phận) => đọc là “CUỘC” (trong “một cuộc bể dâu”);
仍 (“nhưng” nghĩa là noi theo) => đọc thành “NHỮNG” (trong “những điều...”);
麻 (“ma” nghĩa là cây gai) => đọc thành âm thuần Việt “MÀ” (trong “mà đau đớn...”);
疸 (“đản”, nghĩa là một chứng bệnh ngoài da)=> đọc thành “ĐỚN” (trong “... đau đớn lòng”).
些 (“ta”, nghĩa là ít ỏi) => đọc thành âm “TA” và mang nghĩa trong “người ta”;
戈 (“qua”, nghĩa là cây mác) => đọc thành “QUA” với nghĩa khác (trong “trải qua”);
没 (“một”, nghĩa là chìm mất) => đọc “MỘT” với nghĩa khác (trong “trải qua một cuộc...”);
調 (“điều”, nghĩa là thay đổi, điều chỉnh”) => đọc “ĐIỀU” vói nghĩa khác (trong “những điều trông thấy”).
1c) Như vậy, chỉ còn vỏn vẹn 2 chữ: 才 (“tài”), 命 (“mệnh”) thì người Trung Hoa nhìn vào và hiểu đúng nghĩa vốn có của hai chữ này mà thôi.
2. Xưa có những người hô hào chỉ trở về chữ Hán nhưng lờ đi chữ Nôm, không biết đến chữ Nôm, xin mời họ đọc bốn câu thơ mở đầu Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm. Ắt họ sẽ y chang người Trung Hoa: chỉ đọc hiểu - đúng - nghĩa vỏn vẹn có 2 chữ “tài” và “mệnh” mà thôi.
Nghe họ hô hào “gìn giữ di sản”, nhưng chỉ cần giở danh tác Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, họ không tài nào đọc được. Vậy gìn giữ di sản gì nổi. Họ “gìn giữ di sản” kiểu nào khi chỉ chăm bẳm chữ Hán và không ngó ngàng đến chữ Nôm?
3. Làm cách nào mà những người nghiên cứu đời nay chỉ biết chữ Hán mà vẫn đọc được Truyện Kiều nguyên bản?
Nếu không nhờ công sức các vị tiền bối đã chuyển - dạng - ký - tự từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, lấy gì họ biết đọc được “Trăm năm trong cõi người ta...”?
Các giáo sĩ dòng Tên có công lập ra chữ Quốc ngữ, họ HỌC CHỮ NÔM, vì chỉ trong chữ Nôm mới có Nam âm (thuần Việt) và gồm luôn âm Hán - Việt, trong khi chữ Hán thì gạt bỏ Nam âm của tiếng Việt chúng ta.
Có chữ Quốc ngữ, mọi sự trở nên dễ dàng.
NGUYỄN CHƯƠNG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.