Thứ Tư, 15 Tháng Bảy, 2020 15:43

Đọc Thư Chung 1980, nghĩ về đường hướng của báo Công giáo và Dân tộc

 

Không chỉ mọi bối cảnh quốc tế và trong nước thời điểm sau năm 1975 tác động đến sự ra đời của Thư Chung 1980, mà sự xuất hiện của bức thư đặc biệt này còn bắt nguồn từ những chuyển đổi mạnh mẽ trong lòng Giáo hội Công giáo Việt Nam từ thời điểm trước đó.

 

Ở vị thế của Công giáo miền Nam sau 1975 thì sự đối thoại với với những người cách mạng là hành động cần thiết hơn là sự thụ động hoặc đối đầu. Lúc này, việc thích ứng với hoàn cảnh mới là một đòi hỏi đặt ra cho những vị lãnh đạo Giáo hội. Sự đối thoại có thể giải tỏa đi sự băn khoăn của nhiều người Công giáo Việt Nam tại miền Nam. Về mặt tâm lý chung của nhiều người Công giáo, sự e ngại với Cộng sản và sự hòa nhập ban đầu vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong thư chúc Tết Bính Thìn, Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình thổ lộ: “Tất nhiên có những khó khăn phát sinh hoặc cho những điểm không thích hợp với xã  hội mới, hoặc là cho sự hiểu lầm giữa anh chị em trong Giáo hội, hoặc do nội bộ chúng ta chưa canh tân đúng mức”1.

Giáo hội Miền Bắc dưới thời cộng sản từ 1954 đến nay (kỳ IV ...

Gần 8 tháng sau sự kiện 30/4, khóa họp thường niên của các giám mục miền Nam mới được triển khai (từ 15 - 20/12/1975). Khóa họp được tổ chức sau khi hai miền Nam - Bắc đã hiệp thương thống nhất chứng tỏ sự thận trọng của các giám mục miền Nam. Kết quả sau hội nghị này là một thông cáo thay vì thư mục vụ như thường lệ. Ðiều này phản ánh sự cân nhắc kỹ của các giám mục trước khi đi đến quyết định quan trọng về đường hướng mục vụ của Giáo hội. Ðáng chú ý là cuộc họp thường niên này của Hội đồng Giám mục đã mở rộng cả các thành phần tham dự, đặc biệt là sự có mặt các linh mục, trí thức Công giáo “cấp tiến”. Xem ra các giám mục căn cứ vào tình hình thực tại của Giáo hội miền Nam để tìm ra các giải pháp phù hợp cho Giáo hội khi hòa nhập với hoàn cảnh mới. Các vị muốn lắng nghe nhiều luồng ý kiến trước khi ra quyết định. Cuộc họp này chuẩn bị cho kỳ họp tới vào năm 1976 và nhắc lại nhu cầu cần thiết phải canh tân Giáo hội. Một thông cáo được soạn thảo tại đây, và được phổ biến ngày 22.12.1975. Tiếp theo một bức điện được gởi tới Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI bày tỏ sự hiệp thông. Cuối cùng là một điện văn tới Ðức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Như Khuê chào mừng Giáo hội miền Bắc và mong ngày đoàn tụ.

Thời gian bốn năm từ Thư Chung 1976 đến Thư Chung 1980 là giai đoạn tiếp xúc và hội nhập hơn giữa những người Cộng sản và Công giáo. Ðiểm ưu trội giai đoạn này chính là các hoạt động dấn thân của Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Nhìn chung các văn kiện của các giám mục Việt Nam thời kỳ này phản ánh rằng: trong giai đoạn sau 30.4.1975 đến Thư Chung 1980, hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam quyết tâm tìm một đường hướng để sống đạo với dân tộc, với cách mạng và những người Cộng sản trên quê hương Việt Nam.

Những người Công giáo miền Nam hòa nhập với dân tộc sau 30.4.1975 không phải quá khó, bởi họ đều có tiền đề cơ bản trước đó là: 1. Quan điểm các Giám mục về hòa bình, hòa giải trước 1975; 2. Tinh thần Công đồng Vatican II vẫn rất mạnh; 3. Phong trào Công giáo “cấp tiến” trước 1975; 4. Ðất nước thống nhất, tạo môi trường thực sự cho hòa giải; 5. Chủ trương đoàn kết tôn giáo dân tộc của Nhà nước.

Cuối cùng, điều mong ước của cả hai phía Nhà nước và Giáo hội cũng đến. Từ ngày 24.4  - 1.5.1980 tại Hà Nội, đã diễn ra Ðại hội Giám mục Việt Nam lần I, với sự tham gia đầy đủ của Ðức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn và tất cả giám mục trong toàn quốc. Sau một tuần làm việc, Ðại hội đã thành lập Ban Thường vụ gồm 10 thành viên và có một Thư Chung gởi toàn thể giáo dân, giáo sĩ. Ðó chính là bức Thư Chung lịch sử 1980.

Thư Chung 1980 là kết quả của một quá trình đổi mới mang tính chủ động của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ðó không phải là một giải pháp xu thời ứng phó mà thực sự là đường hướng canh tân hòa giải của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ở đây Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đặt ra lý thuyết giải quyết hai vấn đề gai góc của Công giáo với Dân tộc là: Ðồng hành cùng dân tộc và hội nhập với văn hóa dân tộc. Nhìn từ bối cảnh lịch sử bức Thư Chung này, sẽ nhận ra không thể có hòa bình nếu không có hòa giải, và hòa giải chỉ trở thành hiện thực khi có cuộc sống hòa hợp giữa các thành phần dân tộc.

Ý nghĩa quan trọng của Thư Chung 1980 là đã tạo ra những thay đổi về mặt tư duy và hành động của Giáo hội, và đó mới là cốt lõi để Công giáo hòa nhập với dân tộc. Giáo hội đã nhận ra rằng chính mình là trung tâm của cuộc cải cách. Về mặt lập trường, Giáo hội đã trút bỏ đi các “di sản” nặng nề của quá khứ và năng động trong việc thích hợp với bối cảnh của các điều kiện xã hội mới, trong một đất nước đã hoàn toàn độc lập. Chúng ta trở lại nhận xét gần đây nhất của một Giám mục đã từng tham gia sự kiện trọng đại này - Ðức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần: “Thư Chung 1980 có một tầm quan trọng rất đáng kể. Bởi vì nó đã thay đổi được một não trạng không hợp thời trong Giáo hội Việt Nam lúc đó. Lúc đó, não trạng “không đội trời chung với Cộng sản” là rất phổ biến...”2

Có thể nói, giai đoạn từ sau 1975 - 1980 các Giám mục Việt Nam đã chuyển sang lựa chọn dấn thân phục vụ, quyết định lựa chọn đường hướng mục vụ đồng hành cùng dân tộc như Thư Chung 1980 đã khẳng định. Và, Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình có vai trò đặc biệt trong việc kiến tạo kết quả này.

Với tất cả những điều vừa trình bày ở trên, đối chiếu với cách thể hiện nội dung của tờ báo Công giáo và Dân tộc mà tôi là độc giả nhiều năm nay, tôi nghĩ những người chủ trương đã thấm nhuần được tinh thần của Hàng Giáo phẩm Việt Nam, đặc biệt là kim chỉ nam “Thư Chung 1980”.

 

Tiến sĩ Ngô Quốc Ðông - Viện Nghiên cứu Tôn giáo

_______________________________________________

1. Báo Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt tháng 04/1986, tr.24.

2 . Xem bài trả lời phỏng vấn của Giám mục Bùi Tuần trên Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 184, tháng 04 năm 2010. tr. 74-75.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm