Thứ Ba, 30 Tháng Mười Một, 2021 11:01

Ðón chờ Chúa đến trong thời Covid-19

 

Năm nay, mùa Vọng đến giữa lúc cả xã hội đã và đang phải chịu nhiều mất mát từ dịch Covid-19. Giữa bối cảnh này, người Công giáo chuẩn bị chờ đón Chúa như thế nào?

 

Với các Kitô hữu, Giáng Sinh là một trong những ngày lễ quan trọng, vui nhất và đặc biệt mang tính quốc tế. Có người đã nghe nhạc Noel từ tháng 10. Có gia đình rục rịch trang hoàng Giáng Sinh cũng từ tháng 10. Ðó là những thời điểm chuẩn bị đón chờ Chúa đến trong tâm thế rộn ràng, nôn nao cho dù có khó khăn kinh tế hoặc thiên tai, bão lũ trong nước hay trên thế giới. Thế nhưng, năm nay, dịch bệnh Covid-19 bao phủ toàn cầu, quốc gia nào cũng bị tổn thất từ kinh tế đến nhân mạng, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì thế, không khí của mùa Vọng này chắc chắn sẽ khác với những năm trước.

Mùa Vọng đến trong trầm lắng khi nhiều người nghĩ đến sự sẻ chia với mất mát của anh chị em trong mùa Covid

Khi nghe chúng tôi hỏi sao cuối tháng 11 rồi vẫn chưa nghe mở nhạc Noel cũng như chưa trang hoàng nhà cửa đón Giáng Sinh, bà Phạm Thị Loan, 68 tuổi (Q.3, TPHCM) nói: “Năm nay dịch bùng phát trầm trọng quá, hàng ngàn người mất việc, xe cộ không lưu thông được, trên 23 ngàn người chết… Cái chết vì Covid đã quá đỗi sốc đối với từng người. Ngay trong hẻm hàng xóm đã có 3 gia đình mang tang. Tính luôn các hẻm chung quanh, số người chết không nhỏ. Hỏi ra toàn người quen biết, thậm chí khá thân… Giáng Sinh là mừng Chúa sinh ra, tuy là niềm vui nhưng trong bầu khí mất mát đó, mình mở nhạc, trang hoàng nhà cửa, ăn uống linh đình... thấy thật sự không phù hợp”.

Suy nghĩ của bà Loan thật thiết thực và tế nhị. Hầu như ngóc ngách nào của Sài Gòn cũng có mất mát: mất thu nhập, mất người thân… Không khí trầm lắng hẳn xuống. Có những gia đình chỉ dự định ăn một bữa đơn giản trong dịp lễ Noel sắp tới. Bà Nguyễn Thị Huệ, 60 tuổi (Q.5, TPHCM) cho biết, bà và gia đình con gái sẽ chỉ nấu một bữa cơm ngon hơn ngày thường, mua một ổ bánh bông lan bé cho đêm Giáng Sinh năm nay. Thay vì bỏ ra hơn 500 ngàn đồng cho bữa tiệc đêm như mọi năm, bà sẽ dành số tiền đó cùng giáo xứ và giáo phận lo Giáng Sinh cho những gia đình nghèo, góp quà cho trẻ mồ côi vì Covid vừa qua. “Ðón Giáng Sinh không có bánh buche như mọi năm, tôi nghĩ Chúa không buồn đâu. Trái lại Ngài rất vui vì con cái Ngài đã biết chia sẻ với người bất hạnh hơn”, bà Huệ tâm tình.

Tiết kiệm cho mùa Giáng Sinh này là kế hoạch của phần lớn các gia đình. Bởi họ cũng không biết dịch có bùng lên lần thứ 5 không, không biết có phải giãn cách nữa không... Nhà ông Mai Phú Thọ (Q.3) cũng có suy nghĩ này. Họ muốn dành tiền để chuẩn bị những thực phẩm thiết yếu cho gia đình, chứ không bày vẽ ăn uống linh đình. Ông Thọ bảo: “Nếu dịch bùng phát lần nữa, phải giãn cách thì trong nhà vẫn có cái ăn, không phải là gánh nặng cho xã hội. Nếu có cứu trợ thì phần mình dành cho người khó khăn hơn. Tại sao phải mừng lễ “huy hoàng” để rồi lúc khó khăn, cả nhà phải điêu đứng?”.

Con người hơn nhau ở cuộc sống nội tâm và không vô cảm trước nỗi đau và mất mát của người khác. Chỉ còn không bao lâu nữa là đến Giáng Sinh, mọi người như lắng đọng trước đêm tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid ngày 19 tháng 11 vừa qua, để rồi người ta nhắc tới lễ Noel như một dịp nghĩ về nhau, quan tâm và chăm sóc nhau thay cho những mua sắm rộn ràng như một Giáng Sinh bình thường những năm trước. Có không ít gia đình nghĩ ngay đến sự mất mát của những người thân quen. Họ biết nhiều người mất người thân, Giáng Sinh là ngày sum họp, chắc chắn sẽ không tránh khỏi nỗi buồn và sự trống trải. Vì thế, có người còn suy nghĩ, muốn làm gì đó để xoa dịu nỗi đau này. Họ có kế hoạch không phải thuần vật chất mà là tinh thần, như chia sẻ của gia đình ông bà Lê Ngọc Sơn (huyện Bình Chánh, TPHCM): “Vợ đồng nghiệp của tôi đã mất vì Covid. Anh không được thấy mặt vợ lần cuối, con gái anh chỉ 5 tuổi đã mất mẹ. Là đồng nghiệp khá thân (tuy anh rất trẻ so với chúng tôi) nên Giáng Sinh này, gia đình tôi cũng muốn làm điều gì đó mang lại niềm vui cho cha con anh. Chúng tôi dự định sẽ làm gà và sang nhà anh cùng mừng lễ. Tôi muốn động viên người đồng nghiệp của mình để anh có thể vơi đi bớt sự buồn đau”. Ông Vũ Tuấn (Q.1, TPHCM) thì nhắc đến hai vợ chồng người bạn học của mình đã ra đi vì Covid, để lại đứa con 14 tuổi. Dù còn ông bà và địa phương cũng hỗ trợ, giúp đỡ về mặt vật chất, song ông Tuấn nghĩ, con gái của bạn mình sẽ thấy rất buồn trong đêm Giáng Sinh. Ông dự định ngày 23.12 sẽ mang xe qua quận 8 rước hai ông bà và cháu về nhà mình ở mấy ngày mừng Chúa ra đời. “Ở nhà, nhìn cảnh cũ sẽ khiến họ đau lòng, không còn sức mừng Noel. Thôi thì, kinh tế nhà tôi không khá gì nhưng cũng đủ mang lại một Giáng Sinh ấm cúng cho ông bà và cháu”, ông Tuấn nói thêm. Ông cười khi nghe chúng tôi hỏi liệu ông bà nội và cháu gái có ngại đến với gia đình ông trong dịp Giáng Sinh không: “Chúng tôi trước đây năm nào cũng tổ chức đi Ðà Lạt, Nha Trang, thậm chí ra Hà Nội, Sapa hay qua tận Thái Lan, Singapore… Chúng tôi từng ở chung nhau, nhất là gia đình họ từng ngủ đêm ở nhà tôi để tiện đón xe đi du lịch trong nước hoặc ra sân bay nếu đi nước ngoài. Chẳng có gì ngại ngùng cả. Chỉ sợ họ nhìn chúng tôi nhớ bạn tôi mà khóc thôi. Mình cũng muốn an ủi họ phần nào...

Noel, ngày lễ vui, mùa sum họp gia đình, ngày sống cho ký ức, cho kỷ niệm. Và quanh chúng ta, những gia đình Công giáo chắc hẳn cũng muốn hy sinh chút vật chất, thời gian và thậm chí tiết chế cả niềm vui…để chia sẻ cùng mọi người thông điệp Giáng Sinh ý nghĩa nhất trong đại dịch toàn cầu này.

 

Nguyễn Ngọc Hà

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm