Trao đổi, mua đi bán lại những món đồ đã qua sử dụng đang trở thành trào lưu được nhiều người quan tâm. Ðặc biệt, khi các hoạt động cổ vũ lối sống xanh được lan tỏa mạnh thì xu hướng mua bán, thanh lý đồ cũ càng thu hút sự chú ý của nhiều người.
NGƯỜI CHÁN ÐEM BÁN, NGƯỜI CẦN TRANH MUA
Ngày nay, không khó để người ta đăng thông tin bán lại những món đồ không dùng tới, cũng như rất dễ dàng có thể “săn” lại những món hàng đã qua sử dụng nhưng còn mới của người khác. Thực tế các website có những mục thanh lý đồ cũ vốn đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, gần đây thì xu hướng này được ủng hộ và các hoạt động mua bán trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Ðáp ứng lại cách tiêu dùng này, nhiều kênh thanh lý, buôn bán hay các hội chợ đồ cũ được mở ra ngày một nhiều, đặc biệt trên “mảnh đất màu mỡ” là mạng xã hội.
Các bạn trẻ sắp xếp lại các món hàng cần thanh lý chuẩn bị cho gian hàng chợ đồ cũ |
Người bán, kẻ mua tấp nập qua lại, trao đổi những tin nhắn ngả giá, những hình ảnh, thắc mắc về món hàng được chào mời là câu chuyện quen thuộc ở những trang chuyên thanh lý. Với ưu điểm là giá cả hợp lý, thêm nữa vì là đồ đã qua sử dụng nên tình trạng cũ mới, chất lượng và giá cả từng mặt hàng đều được người bán miêu tả rõ ràng, ai thấy hợp lý thì mua, và nếu có mặc cả giá thì cũng không đến mức quá gay gắt. Nhờ vậy người có nhu cầu mua bán ở đây phần lớn đều cảm thấy dễ chịu. Không ít người còn thông báo luôn số đo, chiều cao, cân nặng cụ thể để những người có vóc dáng vừa tầm vào lựa đồ cho dễ. Và dù là bán lại đồ đã dùng với giá rẻ nhưng hầu như các món hàng được rao bán đều ít nhiều được chăm chút khi mời chào. Ðảo quanh các “gian hàng” ở chợ thanh lý online, dễ bắt gặp những mẩu “thương thuyết” tỉ mỉ của cả hai phía người mua, kẻ bán. Rất nhiều những chiếc áo, quần, váy, giày, dép, túi... được mua bán chỉ với giá vài chục ngàn đồng và cả “người dọn tủ” lẫn người có được món đồ mới đều cảm thấy vui.
Rất say mê các món đồ có thương hiệu, anh Hoàng Long (Q. Bình Thạnh, TPHCM) cũng thường xuyên theo dõi nhiều nhóm mua bán lại quần áo, giày, túi... Chia sẻ về “thú vui” của mình, anh kể: “Nhiều người rất có gu ăn mặc, lại là tín đồ hàng hiệu nhưng vì mua nhiều quá hoặc mau chán nên thỉnh thoảng họ sẽ đem thanh lý. Ðồ còn rất mới, lại xịn, trong khi giá bán giờ chỉ bằng một phần ba, thậm chí có khi còn thấp hơn nữa, hỏi sao mình không thích cho được...”. Cũng theo anh bạn này bật mí thì vì là mua đồ của các thương hiệu nổi tiếng nên cũng phải biết thêm bí kíp “soi” hàng thật giả. “Từ kinh nghiệm bản thân cũng như sự tin tưởng với người bán, mình đã mua được nhiều món giá siêu mềm mà diện lên thì nhìn vô cùng chất. Và dĩ nhiên, mình cũng sẽ đăng bán lại những món mình không cần dùng đến nữa”, Long tiết lộ.
Cô gái trẻ có nickname Cindy Trần thỉnh thoảng dọn lại đồ cũ thường rao bán quần áo, túi xách không có nhu cầu sử dụng trên trang cá nhân hoặc nhóm hội thanh lý. Ðể các món đồ mau chóng tìm được chủ mới, cô bạn này sẽ chăm chút ủi phẳng quần áo và chụp hình lại chúng. Ngoài ra, theo cô, với hàng hiệu muốn bán lại được giá phải chú ý chụp mác, tem thương hiệu trên sản phẩm. “Vì biết mình sẽ bán lại nên khi dùng cũng khá kỹ lưỡng, chỉ giặt quần áo bằng tay. Thậm chí nhiều món mình giữ lại hộp, túi để món hàng có giá trị hơn”, cô nói.
Những hình ảnh chụp lại món hàng hay thậm chí những đoạn phim phát “nguội” hoặc phát trực tiếp để rao bán cũng thường xuyên được người bán tận dụng. Một món hàng sẽ được giá hơn khi khách hàng nhìn rõ được tem, mác, chất liệu, kèm những miêu tả chính xác của người bán. “Trung thực, chăm chút đồ và không mang tâm lý tiếc rẻ, so sánh khi nghĩ đến giá lúc mua là điều tôi rút ra được khi nhiều lần dọn tủ”, chị Yến Thư (Q7, TPHCM) bày tỏ.
ÐẰNG SAU MỘT TRÀO LƯU
Ngay ở những dòng quảng cáo của các “chợ đồ cũ trực tuyến” đã có thể khiến người đọc rục rịch suy tính chuyện bán mua bởi chúng đánh trúng tâm lý mọi người. Chẳng hạn như câu chào: “Giúp bạn kéo dài dòng đời sản phẩm và tiết kiệm phí chi tiêu”. Hay những lời phân tích kiểu: “Bạn muốn bán những món lỡ mua mà không ưng ý, bạn chán vì tủ quần áo đồng chất?”. Trên tinh thần cũ người mới ta, người mua không có tâm lý e ngại vì mua lại đồ cũ. Họ cho rằng đây là một cách chi tiêu tiết kiệm, hợp lý mà vẫn giữ được niềm vui mua sắm. Bạn Trường Dung (26 tuổi ngụ Q4, TPHCM) cho biết: “Nhờ siêng lướt vào các nhóm bán hàng thanh lý mà mình có thể thay đổi nhiều trang phục đa dạng, trong khi không phải tốn quá nhiều tiền. Phần lớn còn rất mới vì nhiều người chỉ mặc vài ba lần. Cũng có khi mình mua được đồ 100% mới”. Theo Dung, sở dĩ cô chọn cách mua sắm này cũng một phần vì công việc cần thay đổi nhiều quần áo, và đây là “chiêu” giúp tiết kiệm được một khoản không ít.
Các hội nhóm chuyên thanh lý đồ đã qua sử dụng thu hút đông người quan tâm
|
Rất thích triết lý về sống tối giản và chú ý đến các hoạt động vì môi trường, chị Nhật Hạnh (32 tuổi, Q. Gò Vấp, TPHCM) là khách hàng thân thiết của các trang bán hàng cũ. Ngoài ra, chị cũng thường tham gia mở các gian hàng thanh lý quần áo, giày dép đã dùng tại các hội chợ sống xanh. “Thanh lý chúng cho những người có nhu cầu là cách hợp lý nhất để vừa không lãng phí đồ, vừa giúp bạn rủng rỉnh hầu bao hơn để mua sắm các món cần thiết khác”, chị quan niệm. Vài tháng một lần, chị cũng kết hợp với một nhóm bạn phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Vòng đời của những món như quần áo nhờ vậy được dài hơi hơn. Số tiền thu lại được ở các món hàng thanh lý chỉ là một trong những lợi ích mà người bán nhắm đến, bên cạnh yếu tố tránh lãng phí.
Có dịp đến một vài hội chợ Xanh với nhiều hoạt động hướng đến môi trường, sẽ dễ thấy rằng các gian hàng mua bán, trao đổi quần áo cũ được quan tâm nhiều. Người ra vào lựa chọn khá đông vui không chỉ bởi giá mềm mà còn do những thông điệp sống xanh, vì cộng đồng được đề cập tới. Dù được trao đổi, mua bán thông qua hình thức trực tiếp như ở hội chợ hay trên các website, mạng xã hội, xu hướng về cách tiêu dùng đồ cũ ít nhiều đã mang lại nhiều suy nghĩ tích cực.
MINH HẢI
Bình luận