Khi một nhóm các nhà nghiên cứu cố gắng cảnh báo về vai trò của biến đổi khí hậu khi nước Anh bị mưa kỷ lục vào năm 2015, mọi người cho rằng báo cáo của họ hoàn toàn “phi khoa học”.
Đến năm 2021, trong bối cảnh cái nóng khủng khiếp ám ảnh Bắc Mỹ, cũng nhóm khoa học gia ấy - đến từ Tổ chức Quy kết trách nhiệm về thời tiết thế giới (WWA) - đưa ra kết luận rằng, tình trạng nhiệt độ tăng kỷ lục sẽ “không thể nào xảy ra” nếu thiếu biến đổi khí hậu do con người tạo ra. Và lần này, lời nói của họ thu hút sự chú ý của mọi người.
![]() |
Dùng khoa học chứng minh
Phát hiện trên trở thành đầu đề của những bài báo khắp thế giới. Các bản tin đã thay thế những thông tin mù mờ bằng các số liệu chính xác, phản ảnh bằng chứng không thể chối cãi về tình trạng ấm lên toàn cầu và sự liên hệ với thời tiết cực đoan. Ðó chính là ý tưởng của WWA, mạng lưới các nhà khoa học muốn thay đổi sự hiểu biết của con người về cách thức biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến thế giới thực như thế nào.
“Chúng tôi muốn thay đổi nội dung cuộc đối thoại về vấn đề trên, nhưng chúng tôi không ngờ cách tiếp cận này thành công đến thế”, Hãng tin AFP dẫn lời nhà khoa học khí hậu Friederike Otto nhận định. Bà là người đã thai nghén thành lập WWA với đồng nghiệp là nhà khoa học Geert Jan van Oldenborgh của Hà Lan vào năm 2014.
![]() |
Tháng 9.2021, bà Otto và ông van Oldenborgh, từng làm việc cho Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan (KNMI), nằm trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí TIME bình chọn năm 2021. Nhờ vào công trình nghiên cứu của họ, con người khi đọc về những bài báo về thiên tai đã nắm được thông tin quan trọng nhất cần được chuyển tải: Thảm họa đang ập đến, theo nhận định của Tạp chí TIME.
Một tháng sau, ông van Oldenborgh qua đời vì bệnh ung thư, trước khi bước qua tuổi 60. Tuy nhiên, vào thời điểm nhận được lời chúc mừng của TIME, nhà khoa học Hà Lan phản ứng đầy khiêm tốn. “Chúng tôi chưa bao giờ muốn trở thành những người có ảnh hưởng, mà chỉ muốn đưa ra những câu trả lời dựa trên khoa học trước những câu hỏi về cách thức biến đổi khí hậu tác động đến thời tiết cực đoan”, ông van Oldenborgh trình bày trên Twitter.
Bà Otto cho biết đồng nghiệp quá cố của mình luôn tuân thủ thước đo đạo đức nghiêm ngặt. Ông tin rằng cần phải làm khoa học vì mục đích xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, đặc biệt phục vụ cho những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. “Tôi nghĩ là ít người cùng thế hệ có thể đóng góp cho thế giới như ông đã làm được, và quan trọng hơn nữa là bằng công cụ khoa học”, theo bà Otto, một trong những tác giả chính của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của LHQ (IPCC).
![]() |
Cách tiếp cận bước ngoặt
Cách tiếp cận mang tính cách mạng của WWA cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên thành lập mối liên hệ giữa một sự kiện thời tiết cực đoan với tình trạng biến đổi khí hậu do con người tạo ra. Sự khởi đầu của việc quy trách nhiệm về thời tiết cực đoan có thể lần ngược về năm 2004. Khi đó, một báo cáo của Anh đăng trên chuyên san Nature phát hiện cơn sốc nhiệt càn quét châu Âu một năm trước nhiều khả năng do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, dạng nghiên cứu này mới qua được khâu bình duyệt để xuất bản, hoặc bị gác lại. Vì thế, khi đối diện một đợt sóng nhiệt hoặc cơn bão khủng khiếp, các nhà khoa học và giới truyền thông thường do dự trong việc quy trách nhiệm những sự kiện dạng này do con người tạo ra. “Ðiều đó khiến chúng tôi vô cùng bực bội”, bà Otto nhớ lại.
![]() |
Một trong các báo cáo đầu tiên của WWA, các nhà nghiên cứu tìm hiểu lượng mưa kỷ lục ở Anh vào thời điểm bão Desmond năm 2015. Họ phát hiện biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng hơn nguy cơ đến từ lũ quét. Thế nhưng, báo cáo của họ bị bác vào thời điểm đăng ký với một chuyên san khoa học. “Nhiều thành viên trong cộng đồng khoa học nói rằng như thế quá nhanh, hoàn toàn phi khoa học”, nhà khoa học nữ cho biết. Phải mất vài năm sau tạp chí mới đồng ý đăng bài nghiên cứu đó.
Ðể điều tra vai trò của biến đổi khí hậu trong một sự kiện thời tiết, WWA so sánh tình trạng khí hậu có thể xảy ra ngày nay (nóng hơn 1,2 độ C từ giữa thập niên 1800), với mô hình không bị tăng nhiệt độ. Họ cũng làm việc với các chuyên gia địa phương để tiếp cận những thông tin như nguy cơ cho dân cư, các đối tượng bị ảnh hưởng nhất, những quyết định của giới hữu trách như lệnh sơ tán.
Ban đầu, WWA hợp tác với Hội Chữ Thập Ðỏ và tổ chức khoa học Trung tâm Khí hậu (trụ sở tại Mỹ). Giờ đây, WWA đã có thể xuất bản các cách tiếp cận cho phép bình duyệt, phản ảnh những sự kiện cụ thể một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, ngôi làng Lytton của Canada gần như bị phá hủy hoàn toàn trong các vụ cháy rừng hồi tháng 6. Lúc ấy, nhiệt độ tại đây tăng lên mức kỷ lục là 49,6 độ C. WWA kết luận rằng, trong điều kiện khí hậu hiện tại, con người đã chứng kiến sự kiện “ngàn năm có một” tại Lytton.
![]() |
Hai nhà khoa học được tạp chí TIME bình chọn |
Với các sự kiện thời tiết cực đoan tiếp tục gia tăng, đội ngũ WWA khẳng định họ sẽ tiếp tục miệt mài nghiên cứu. “Ai nấy đều biết rằng chúng ta đang đối mặt với một khoảng cách lớn. Thế nhưng mọi người đều sẵn sàng nỗ lực để hàn gắn khoảng cách đó”, theo một nhà khoa học của WWA.
BẠCH LINH
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.