Thứ Tư, 14 Tháng Mười, 2020 16:49

Đưa con về quê thăm ông bà...

 

Nhiều gia đình trẻ do nhu cầu cuộc sống phải lập nghiệp ở xa quê, việc tiếp xúc giữa ông bà nội, ngoại và các cháu trở nên ít ỏi. Ðể duy trì mối liên hệ thân thiết giữa các thế hệ trong nhà, không ít đôi vợ chồng đã tranh thủ những thời điểm Tết, lễ, hè hoặc nghỉ phép để đưa con về quê thăm ông bà, cha mẹ.

 

Ðây không chỉ là dịp gia đình quây quần bên mâm cơm, mà còn là lúc để các trẻ trải nghiệm những thú vui ở đồng quê. Ở thành phố đôi khi chỉ quẩn quanh trong nhà nên khi về quê với ông bà là một sự háo hức. Người lớn sẽ chỉ dẫn cho các bé những nông cụ sản xuất, tên các loại trái cây, con vật mà bé chỉ thường thấy trên tivi, hình ảnh… Biết được những hoạt động thường niên ở quê hương, góp nhặt cho trẻ thêm tình cảm gắn bó với ông bà, theo góc nhìn của một số cha mẹ, đó là hành trang cho sự khôn lớn của các con sau này. Ðiều quan trọng hơn khi cho trẻ về quê cùng ông bà, còn là cho các bé trở về nguồn cội, nơi đó có họ hàng người thân, những người giữ linh hồn cho gia tộc.

Đại gia đình nhà anh Huỳnh Dương khi tụ họp về nhà ông bà trong dịp Tết lễ

Quê chồng cách Sài Gòn không quá 50 km nên những dịp cuối tuần, lễ Tết, chị Nguyễn Thị Mai (Q.9) thường đưa Bin, cậu con trai 8 tuổi về thăm ông bà nội. Do ở quê thường dậy sớm, nên ban đầu cậu bé thấy khó chịu, nhưng rồi cũng quen dần. “Thường dịp cuối tuần mình hay để con ngủ nướng vì không phải đi học, nhưng khi về quê thì khác, ông bà nội thường bảo cháu dậy sớm, ban đầu nhóc con cũng khó chịu nhưng khi nghe ông giải thích là dậy sớm rèn luyện sức khỏe và có thể cùng ông đi câu cá, ra đồng…Ðiều này cũng giúp con tạo được thói quen tốt nên mình cũng rất vui”, chị Mai chia sẻ. Cu Bin nhà chị vào bữa cơm thường vừa ăn vừa xem phim, nhưng từ khi được ông bà nói cho nghe về cái lợi của việc tập trung ăn và thói quen không tốt khi vừa ăn vừa dán mắt vào tivi hay điện thoại thì cậu nhóc cảm thấy hứng thú và chú tâm hơn trong giờ cơm cùng gia đình nội và ba mẹ. Ðến bữa ăn, Bin tự giác hơn, không lề mề như trước và ý thức nhất chính là ngồi nghiêm túc, khoanh chân như người lớn. Khi ăn xong cu cậu còn biết phụ mẹ dọn bàn.

Mỗi tối trước khi đi ngủ, hai ông cháu thường nằm nghe đài, sau đó Bin kể chuyện ở trường, ở lớp cho ông nghe. Bà nội thì hay kể chuyện ba và các cô chú lúc còn nhỏ, nghịch như thế nào, bị ông nội đánh ra sao… Cứ thế, Bin chìm vào giấc ngủ, không còn phải nghịch điện thoại, máy tính bảng… như ở thành phố.

Theo bà nội đi chợ cũng là một trải nghiệm thú vị, qua đó chị Mai cảm thấy con mình trưởng thành hơn rất nhiều. Cậu bé 8 tuổi cũng trở nên “mồm mép” hơn chứ không còn rụt rè như trước, gặp người lớn là luôn niềm nở chào hỏi, ai hỏi thì nhanh nhảu trả lời. “Bây giờ, tuần nào vợ chồng mình cũng cho cháu về quê. Nếu bận việc thì mình chỉ đưa con về nội, cháu có thể tự chơi mà không phải sợ xa ba mẹ như trước”, chị Mai cười tươi khoe.

Niềm vui của con trai chị Mai mỗi khi về quê nội là được ra đồng chơi, được đi câu cá...

Việc trẻ tiếp xúc cuộc sống thường nhật ở quê sẽ tạo được tính tự lập rất tốt, với những việc làm không tên đơn giản, nhất là dịp mùa màng bận rộn, trẻ không chỉ giúp đỡ cho ông bà trong khả năng mà còn hiểu được thế nào là thành quả lao động. Như sau kỳ nghỉ hè vừa rồi, con gái anh Phạm Thanh Xuân (Q. 7, TPHCM) đã tỏ ra khá giỏi giang hơn các bạn cùng trang lứa bởi được ông bà ở quê hướng dẫn nhiều việc. Bé có thể phụ nhặt rau mà không cần mẹ bảo, tự rửa bát khi ăn xong, thậm chí là quét nhà vào mỗi sáng sớm.

Anh Huỳnh Dương (Bình Dương) cũng hân hoan khi nhắc đến chuyện đại gia đình quây quần mỗi khi về quê. Lấy vợ tận Quảng Ngãi nên mỗi năm anh chị chỉ sắp xếp được vài lần về quê vào những dịp lễ tết có kỳ nghỉ dài. Mỗi lần như thế, ba mẹ vợ còn đóng gói nhiều đồ ăn, rau sạch để cho vợ chồng anh đem vào Bình Dương. Những món ăn dân dã quê nhà như mật ong, nải chuối, rau xanh, con gà…, vậy mà quý, không những giúp vợ chồng anh đỡ phải đi chợ vài buổi mà còn là nguồn thực phẩm xanh, sạch, an toàn. Ban đầu anh cũng hơi ngại và thấy phiền phức vì đem theo trên xe tốn chỗ, chật chội. Nhưng khi nghe mẹ tâm sự, anh cảm thấy trân trọng hơn những món quà quê ấy. Với cha mẹ anh, ở quê không có gì quý giá ngoài những món dân dã đó, và quan trọng là “toàn là thức ăn sạch, đồ nhà trồng nên không sợ hóa chất. Nếu không ăn hết, con có thể biếu bà con, bạn bè xóm giềng, quà quê vậy mà họ quý lắm, các con à”, như lời mẹ vợ anh nói. Anh Dương cho biết thêm, bây giờ mỗi khi về quê, ba mẹ cho cái gì anh cũng lấy, đấy là cách anh cảm ơn, cũng như trân quý những món quà quê bình dị.

Tình thương yêu ông bà với con cháu là cả quá trình chắt chiu vun đắp. Trẻ không thể thương yêu ông bà nếu như mẹ cha không dạy bảo và làm gương trong mối quan hệ thiêng liêng ấy. Nhiều đôi vợ chồng đi làm ăn xa, cả mấy năm trời mới về thăm quê, thăm đấng sinh thành một lần. Ngày giỗ chạp hay sinh nhật ông bà, ngày tu tảo mồ mả gia tộc, họ thậm chí còn chẳng nhớ…, thì thử hỏi làm sao con trẻ có thể yêu ông bà cho được? Các nhà tâm lý học đã chứng minh, trẻ con yêu thương ông bà sẽ phát triển tâm lý tốt hơn. Vì vậy, giáo dục cho con biết yêu thương và kính trọng ông bà là một yếu tố quan trọng trong quá trình giáo dục tính cách, tình cảm, tâm hồn, đạo đức cho con trẻ.

 

VÕ HỒNG TUẤN

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm