Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2019 15:13

Ðưa tiết đọc sách vào trường học...

 

Ðây là một trong những kiến nghị nổi bật được nêu lên trong cuộc tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?”, diễn ra sáng ngày 19.4.2019 tại TPHCM.

 

Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động của thành phố hướng tới Ngày sách Việt Nam 21.4, do Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện. Có 9 tham luận được trình bày trong tổng số 22 tham luận gởi về trước đó cho Ban tổ chức. Tạo thói quen đọc sách cho trẻ là cả quá trình được hình thành từ gia đình và trường học. Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, các nhà giáo dục đề cập trước đến những giải pháp từ phía nhà trường.

Nếu được đầu tư đúng mức, thư viện sẽ thu hút đông đảo bạn đọc nhỏ, góp phần gieo tinh thần yêu sách nơi các em - ảnh: Liên Giang

Hầu hết các tham luận đều cho thấy việc xây dựng thói quen đọc sách cho một người từ tấm bé là góp phần chính vào vấn đề phát triển văn hóa đọc, bởi nếu không đến với sách từ nhỏ thì khi lớn khó tạo lập thói quen này, nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại tọa đàm: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chỉ suốt ngày quen cắm mắt vào game trên máy tính, bắt em đọc, vì những lý do cao cả ‘khám phá kho báu tri thức’ hay ‘nâng cao văn hóa đọc’ như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không…”.

Học sinh trải qua một ngày với phần lớn thời gian ở trường học, vì thế những tiết đọc sách trong lớp được nhiều người nêu lên như một trong những giải pháp. Hiện các tiết này không được Bộ cũng như Sở Giáo dục và Ðào tạo bố trí vào khung giờ giảng dạy chính thức, song một số trường đã linh hoạt tự tạo và sắp xếp với nhiều khung giờ khác nhau. Có trường dùng 30 phút đầu giờ mỗi ngày tại lớp học; có trường biến tiết tự học thành tiết đọc sách (2 tiết/tuần); tổ chức tiết đọc sách trong giờ Ngữ văn ở thư viện hay lớp học… Một vài kinh nghiệm từ trường của mình đã được các nhà giáo Hoàng Thị Diễm Trang (trường THCS - THPT Ðinh Thiện Lý, TPHCM), Trần Thụy Ngọc Trân (trường THCS Nguyễn Hiền, TPHCM), Ðỗ Thị Hoàng Mai (trường Tiểu học Trần Văn Ơn, TPHCM), Phạm Thị Chinh (trường Tiểu học Ðông Hòa B, Bình Dương)… chia sẻ để người tham dự có cái nhìn thực tế hơn.

Hoạt động thư viện ở trường học cũng được nhắc đến nhiều trong những bài trình bày và phát biểu. Các tham luận cho thấy còn nhiều khó khăn và hạn chế trong hoạt động thư viện, như sự quan tâm chưa đúng mức của các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn sách bổ sung thiếu thốn, cán bộ thư viện có nơi chỉ là giáo viên kiêm thêm việc chứ không có chuyên môn... Và phần lớn tại các trường học, thư viện vẫn chỉ là “phần phụ” chứ chưa được xem là chính yếu, trong khi nơi đây, nếu được đầu tư với nhiều hoạt động sáng tạo, sẽ thu hút đông đảo học sinh, góp phần gieo sự đam mê và tình yêu sách cho các em. Làm sao để thư viện trở nên “trái tim của trường học” cũng là thao thức của những người quan tâm đến việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ môi trường này.

Ban tổ chức cho biết, sau cuộc tọa đàm, sẽ tập hợp lại các vấn đề và kiến nghị với lãnh đạo UBND thành phố, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các cơ quan chức năng để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại khó khăn hiện nay của thư viện trường học; cũng như xây dựng chương trình học có tiết đọc sách trong khung giờ dạy chính thức cho tất cả các trường tiểu học, phổ thông trong cả nước…

 

LIÊN GIANG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm