Thứ Sáu, 31 Tháng Mười Hai, 2021 14:00

Ðừng để Trái đất mất kiên nhẫn

 

Nếu tính cả Hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh) hồi tháng 11.2021, các thế hệ lãnh đạo của thế giới đã gặp nhau suốt 29 năm qua trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, và trong thời gian đó, Trái đất trở nên nóng và chết chóc hơn.

 

Hàng ngàn tỷ tấn băng đã biến mất trong lúc các nhà lãnh đạo bận rộn tranh cãi và điều đình trên bàn đàm phán gần 3 thập niên. Suốt thời gian này, thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch tiếp tục thải hàng tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển, và hàng trăm ngàn người thiệt mạng vì hệ lụy khi Trái đất nóng lên. Bên cạnh đó, những đợt thiên tai do biến đổi khí hậu gieo rắc thảm cảnh trên toàn cầu.

Hội nghị năm 1992


Khởi đầu ở Rio de Janeiro

Năm 1992, hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã gặp nhau tại TP Rio de Janeiro của Brazil. Họ tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED), với tên gọi phổ biến hơn là Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất. Kéo dài từ ngày 3-14.6, những người có mặt cảm thấy cần phải làm gì đó để gìn giữ hành tinh Xanh trước tình trạng tàn phá ngày càng nặng nề. Bảo vệ Trái đất chính là bảo vệ nhân loại. “Lúc ấy, chúng ta còn hy vọng”, theo cụ Oren Lyons, một trong những đại diện của thổ dân da đỏ Mỹ tại hội nghị năm đó.

Giờ đây, nhà hoạt động cao niên, hiện đã 91 tuổi, tỏ ra rất bi quan, “niềm hy vọng đó đã tan thành mây khói”. “Băng đang tan. Mọi thứ trở nên xấu đi… Ba mươi năm của sự tàn phá và xuống dốc”, cụ Lyons ngậm ngùi. Dữ liệu do Hãng tin AP phân tích dựa trên số liệu của các chính phủ và những báo cáo khoa học cho thấy “nhân loại đã đánh mất Trái đất nhiều đến mức nào”, theo ông William K. Reilly, cựu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Ông Reilly là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia UNCED cách đây gần 30 năm.

Băng tan ngày càng nhanh

 

Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất đã thiết lập quy trình thương thuyết quốc tế về đề tài khí hậu. Kết quả là thế giới đạt đến Hiệp định Paris tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu năm 2015 (COP21) ở thủ đô Pháp và gần đây là COP26 tại Glasgow. Trở lại thời điểm năm 1992, lúc đó mọi người đều biết rằng biến đổi khí hậu là vấn đề “mang đến những tác động và ảnh hưởng đáng kể cho sự sống và sinh kế của con người trong tương lai”, theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói trước khi COP26 diễn ra. “Tương lai đó chính là hiện tại và con người đang không còn thời gian để hành động”, ông cảnh báo.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã đạt được 2 thỏa thuận nhằm đối phó tình trạng biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị Kyoto (Nhật Bản) năm 1997, Nghị định thư Kyoto về Biến đổi Khí hậu ra đời, theo đó nêu rõ các nước phát triển cần thực thi những nghĩa vụ cụ thể để cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Thế nhưng, đến năm 2005, nghị định này mới chính thức có hiệu lực vì chờ các bên phê chuẩn. Năm 2015, Hiệp định Paris bắt buộc tất cả các quốc gia trên thế giới phải ấn định mục tiêu đạt đến trung hòa khí thải carbon. Chẳng hạn, Vatican đã đặt ra mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, nghĩa là đến thời điểm đó, lượng khí thải nhà kính do các hoạt động của con người sẽ bằng với lượng khí CO2 bị hấp thụ (chẳng hạn trong quá trình quang hợp của các loài thực vật).

Trong cả hai trường hợp, Mỹ, quốc gia phát thải carbon hàng đầu thế giới, luôn tham gia quá trình thương thuyết dẫn đến thỏa thuận. Sau đó nước này rút khỏi quy trình đàm phán dưới thời Tổng thống Donald Trump trước khi quay lại trong năm nay.

Ấn Độ khô hạn


Thế giới đang hứng chịu hậu quả

Kể từ năm 1992, nhiệt độ toàn cầu hằng năm đã tăng thêm gần 0,6 độ C, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Ðại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Trong 29 năm qua, thế giới nóng lên với tốc độ cao hơn so với cách đây 110 năm. Từ năm 1992, thế giới đã 8 lần phá kỷ lục nóng nhất trong năm. Tại bang Alaska của Mỹ, nhiệt độ trung bình đã tăng 1,4 độ C từ năm 1992, NOAA ghi chép. Trước đây, Bắc Cực ấm lên nhanh gấp 2 lần so với toàn cầu, nhưng giờ đây đã tăng nhanh gấp 3 lần, theo Chương trình Theo dõi và Phân tích Bắc Cực (trụ sở tại Na Uy).

Sự gia tăng nhiệt độ trên đang làm tan băng toàn cầu. Từ năm 1992, Trái đất thất thoát 36.000 tỷ tấn băng, theo tính toán của nhà khoa học về khí hậu Andrew Shepherd thuộc Ðại học Leeds (Anh). Con số này bao gồm các biển băng ở Bắc và Nam Cực, Greenland và các sông băng trên núi. Dù vậy, chuyên gia Michael Zemp, người đang quản lý Dịch vụ Theo dõi Băng tầng Thế giới, cho rằng số liệu của ông Shepherd có lẽ thấp hơn thực tế. Tính toán của ông Zemp phát hiện, từ năm 1992, các sông băng và băng tầng của thế giới đã bốc hơi hơn 9.500 tỷ tấn băng so với con số của chuyên gia Shepherd.

Báo cáo của Ðại học Colorado (Mỹ) ghi nhận mực nước biển trung bình của thế giới đã tăng thêm 95mm kể từ năm 1992. Nghe qua có vẻ như không đáng kể, nhưng lượng nước này đủ sức nhấn chìm Mỹ dưới độ sâu 3,5 m. Trong khi đó, số vụ cháy rừng ở Mỹ tăng hơn gấp đôi. Từ năm 1983 đến 1992, trung bình khoảng 1,09 triệu hécta rừng bị cháy rụi mỗi năm. Ðến giai đoạn từ 2011-2020, Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia của Mỹ cho biết con số này tăng lên 3,03 triệu hécta/năm.

Cháy rừng ở California

 

Bên cạnh đó, từ năm 1992, Mỹ trải qua 265 đợt thiên tai có quy mô thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD (điều chỉnh theo thời giá 2021). Tổng cộng 11.991 người đã thiệt mạng, và tổn thất kinh tế lên đến 1.800 tỉ USD. Từ năm 1980 đến 1992, mỗi năm Mỹ trung bình ghi nhận khoảng 3 đợt thiên tai với quy mô trên. Từ năm 1993, con số này tăng lên 9.

Trên thế giới, các nước đối mặt gần 8.000 thiên tai liên quan đến khí hậu, nước và thời tiết, giết chết 563.735 người, dựa trên cơ sở dữ liệu thiên tai EMDAT. Thế nhưng, những con số này vẫn chưa phản ánh số lượng thiệt hại trên thực tế. Theo tính toán, trong 29 năm, mỗi năm lại có khoảng 100.000 cái chết do biến đổi khí hậu gây ra. Giới chức WHO cảnh báo con số này có thể tăng lên 250.000 trong thập niên 2020.

“Sự lựa chọn không lành mạnh đang giết chết hành tinh của chúng ta, và con người cũng không thoát khỏi”, theo tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc chương trình về môi trường, biến đổi khí hậu và y tế của Tổ chức Y tế Thế giới. Và cụ Lyons, nhà hoạt động môi trường đại diện thổ dân Mỹ, nhấn mạnh: “COP26 đánh dấu cho cơ hội cuối cùng của Trái đất”.

 

HỒNG HOANG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm