Thứ Tư, 13 Tháng Sáu, 2018 09:47

Ðừng “tiền tệ hóa” mọi sự…

Một tờ báo mới đây kể chuyện cô giáo nọ đang dạy cấp hai ở Sài Gòn có thói quen “thưởng nóng” cho học sinh làm bài đạt 6,5 điểm trở lên khiến nhiều người trăn trở.

Cô này cho biết cô thưởng tiền cho học trò là để khuyến khích chúng học tập và nền nếp, ngoài ra cũng có phạt những em vi phạm, bằng cách tương tự là thu tiền.

Nhận xét về hình thức thưởng - phạt này, một giảng viên Đại học Sư phạm nói đây có thể coi là một trong những cách thúc đẩy động cơ học tập, nhưng phương pháp cô chọn không phải là tối ưu vì chỉ nhắm tác động vào động cơ bên ngoài của học sinh, mà loại động cơ này không giúp chúng duy trì lâu dài hứng thú học tập của bản thân, thậm chí đôi khi còn đem lại căng thẳng rất lớn… (báo Người Lao Động ngày 4.6.2018).

Ảnh cắt từ clip

Đó là cách lý giải trên phương diện lý thuyết tâm lý học của một nhà chuyên môn, còn với phần đông phụ huynh, chuyện “quy ra thóc” trong giáo dục nhà trường, nhất là ở lứa tuổi thiếu niên như thế này còn có điều gì đó không ổn và gây ít nhiều lo lắng. 

Thực vậy, thử hình dung, một đứa trẻ biếng nhác, lại ỷ vào khả năng tài chánh của gia đình, sẽ tương tác với các quy định của cô giáo ra sao ? Rất có thể chúng sẽ tiếp tục lười học, phá phách…, chỉ vì suy nghĩ “bất quá thì đóng tiền phạt”. Do đó, cũng theo vị giảng viên kể trên, điều tốt nhất giáo viên có thể làm là giúp học sinh nhận thấy kiến thức rất hấp dẫn và cần thiết trong cuộc sống, để chúng yêu thích và tự giác học, chứ không phải thực hiện bởi một áp lực nào.

Nói đến chuyện thưởng tiền, những năm gần đây, có lẽ để… tiện lợi, hoặc nghĩ học trò thời nay thích tiền, hay vì một lý do, quan niệm… nào đó mà một số thầy cô và Hội phụ huynh đã trao phần thưởng cuối năm học là các phong bì, chẳng hạn học sinh giỏi 70 ngàn, tiên tiến thì 50… Học trò được thưởng sẽ chớp mắt xài hết tiền và quên phéng. Đứa khá cũng sẽ khó có động cơ phấn đấu lên giỏi vì nghĩ chỉ “lãnh” hơn vài chục ngàn, thôi để xin cha mẹ. Buồn hơn là tất cả chúng rồi sẽ không còn một dấu ấn kỷ niệm nào về quãng đời học trò, kiểu như cây viết là phần thưởng hồi lớp 6, bộ truyện được thưởng năm lớp 8, cục chặn giấy là quà tặng lúc ra trường cấp 3… 

Thời hiện tại, đã có quá nhiều giá trị bị quy thành tiền, vậy nên ước mong ở lãnh vực giáo dục, nơi ươm những nhận thức cho thế hệ trẻ, sẽ không bị “quy ra thóc” toàn bộ các hoạt động.   

Công giáo và Dân tộc

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm