Thứ Ba, 19 Tháng Sáu, 2018 14:34

Dưỡng nuôi hạnh phúc từ bữa cơm nhà

 

“Bữa cơm thiên đường - Dưỡng nuôi hạnh phúc” là chủ đề của Chương trình chuyên đề giáo dục (Ban mục vụ gia đình TGP.TPHCM), diễn ra tại Trung tâm mục vụ ngày 9.6.2018, quy tụ gần 400 tham dự viên là các bậc phụ huynh và con trẻ đến từ nhiều gia đình.

 

Sau vũ khúc “Bữa cơm gia đình” mở màn do các bạn trẻ trình diễn, người tham dự đã được nghe nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế - đặc trách Chương trình, nói về thực trạng bữa ăn gia đình ngày nay. Theo chị, sự phát triển của xã hội bây giờ làm cho đời sống vật chất sung túc hơn, thực phẩm dồi dào hơn nhưng con người lại trở nên bận rộn hơn. Cha mẹ đi làm, con cái đi học, khi về đến nhà, mỗi người lại dán mắt vào iphone, ipad…, ít dành thời gian cho nhau. Các bữa ăn thân tình trong nhà thưa thớt dần. Bức tranh gia đình vì thế trở nên tẻ nhạt, ảm đạm! Sự rời xa bữa ăn gia đình tưởng chừng vô hại, nhưng lại là sự khởi đầu cho sự tan vỡ hạnh phúc gia đình… Nữ tu Maria cũng đưa ra con số thông kê mới đây cho thấy tại các đô thị lớn, có trên 1/3 gia đình thường xuyên có người không ăn cơm ở nhà, có người vì công tác xa chỉ ăn cơm với gia đình mỗi tuần một lần, chưa kể chất lượng trong các bữa ăn như thế nào; ngoài ra còn có nhà ăn theo kiểu mỗi người một tô, ngồi một góc xem tivi, nghe điện thoại… Rồi có những bữa cơm mà khi cả nhà ngồi vào bàn ăn, có người càu nhàu vì không thích món này món kia; có lúc người mẹ vất vả nấu, dọn lên nhưng gọi mấy lần, con cái vẫn cứ ở trong phòng nói không ăn hoặc có ra ăn cũng để cha mẹ phải chờ mãi… Đề cập đến gia đình Công giáo, nữ tu Maria nhìn nhận rằng có nhiều nhà đã không nhớ cầu nguyện trước lúc ăn và cũng quên tạ ơn Chúa sau khi dùng bữa, có khi chỉ làm dấu hoặc đọc kinh Lạy Cha một cách vội vàng, hời hợt…

Vở kịch của nhóm Hướng Dương gởi gắm ước mong về một bữa ăn đầm ấm trong gia đình - ảnh: LG

Qua bài thuyết trình, nữ tu đặc trách Chương trình mời gọi các bạn trẻ, những người con hãy yêu thương, trân trọng từng giờ phút bên gia đình, trong đó, giờ cơm là thời gian vô cùng quý báu… Để bữa cơm mang lại giá trị tâm linh và xây dựng hạnh phúc gia đình, sơ Maria đã đúc kết lại những điều nên và không nên khi ăn: “Chúng ta cố gắng không nên ăn thức ăn nhanh, không xem tivi hay nghe điện thoại, không nói lời tiêu cực hay chỉ trích nhau; và nên cầu nguyện trước - sau bữa ăn, tự nấu cho nhau những món ngon, nói lời tích cực, khen ngợi, động viên nhau”.

Đan xen giữa bài nói chuyện là vở kịch ngắn của nhóm Hướng Dương, cũng diễn tả thực trạng bữa ăn ở một gia đình trong bối cảnh ngày nay và gởi gắm ước mong về một bữa cơm đầm ấm với đầy đủ các thành viên bên nhau.

Hiện diện như một người đồng hành với chương trình, linh mục GB Nguyễn Quang Tuyến, chánh xứ Nam Thái (TGP.TPHCM) đã chia sẻ đề tài “Bữa ăn thần linh”. Ngài nhắc lại bữa tiệc Vượt Qua trong Cựu Ước, bữa tiệc của dân Do Thái lột tả tất cả giá trị tâm linh, giá trị của bữa ăn khi đặt trong mối liên kết với Thiên Chúa. Rồi đến bữa tiệc ly trong Tân Ước, nơi Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể, nổi bật với 3 ý nghĩa: là một hy tế thập giá, bữa ăn hiệp thông và có sự hiện diện thực sự của Chúa. Cha cũng cho thấy bữa tiệc thần linh có mối liên kết, soi sáng cho bữa ăn gia đình. Bởi nếu chúng ta đón nhận hy lễ thập giá thì cũng sẽ thấy được sự hy sinh vất vả của cha mẹ để nuôi gia đình, sự hy sinh của các thành viên trong nhà để làm nên bữa ăn; Bữa cơm gia đình cũng là bữa ăn hiệp thông khi mọi người cùng trò chuyện, chia sẻ buồn vui; Sự hiện diện của tình thương, đồng cảm là cơ hội để cha mẹ giáo dục nhân bản, đức tin cho con cái. Việc cầu nguyện, tạ ơn Chúa trước và sau bữa ăn giúp mỗi Kitô hữu ý thức trên mình có một đấng tối cao, ban cho ta nhiều ơn…

Tham dự viên có một khoảng thời gian được chia thành 3 nhóm (phụ huynh, trẻ trên 10 tuổi và trẻ dưới 10 tuổi) ở 3 khu vực khác nhau và được hướng dẫn bởi các chuyên gia. Trong khi chuyên gia Nguyễn Phùng Phong gặp gỡ các phụ huynh để chia sẻ những trải nghiệm trong việc kiến tạo sự bình an và hạnh phúc cho gia đình thì diễn giả Nguyễn Võ Minh Tâm lại giúp các bạn nhỏ hiểu được giá trị của bữa ăn gia đình để hợp tác với cha mẹ…

Buổi trưa, mọi người đã có một bữa cơm thật ngon tại sảnh của Học viện mục vụ. Trong bàn ăn, các gia đình đã cùng cầu nguyện và tạ ơn Chúa. Một bữa ăn đúng nghĩa của bữa cơm nhà với bầu khí quây quần ấm áp!

Chia sẻ cảm nghiệm vào đầu giờ chiều, nhiều người đã bày tỏ niềm xúc động vì qua đây đã được nhắc nhớ ý nghĩa của bữa ăn gia đình, như lời anh Nguyễn Tiến Dũng, đến từ giáo xứ Sơn Lộc (Củ Chi): “Chương trình đã đánh thức tôi rất nhiều, có những khoảnh khắc xúc động để làm mình ý thức hơn về đời sống gia đình, chăm lo cho mái ấm, dành thời gian cho con cái, đặc biệt là bữa cơm nhà, vốn là nơi rất thiêng liêng mà Chúa đã ban cho mình…”. Các tham dự viên nhí cũng được đánh động về trách nhiệm làm con, có em thừa nhận trước đây mình quá vô tâm với mẹ cha, đến đây mới hiểu gia đình là thế nào và bữa cơm nhà quan trọng ra sao…

Đức Giám mục phụ tá Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban mục vụ gia đình TGP.TPHCM hiện diện trong bữa cơm trưa và buổi chiều để khích lệ chương trình. Cuối buổi, ngài đã góp một tay với ban tổ chức chuyền những túi gạo nhỏ đến người tham dự như một quà tặng với ước mong “bữa cơm thiên đường” không chỉ dừng lại ở đây mà còn duy trì mãi nơi mái ấm gia đình.

LIÊN GIANG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm