Hiện nay tâm điểm của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tập trung ở tỉnh Hải Dương, nơi mà tất cả các huyện đều có ca nhiễm. Do đó, tâm lý chung của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ là rất “đề phòng” những người đến từ Hải Dương. Sự cẩn trọng được nâng cao nhưng đã ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh này. Hải Dương còn 4.087ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ. Hiện Hải Dương đang thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, nên xảy ra tình trạng nông sản không kịp thu mua, dẫn đến quá hạn, giảm giá hoặc mất trắng. Sự nỗ lực của chính quyền đã phần nào đưa ra những giải pháp tình thế để hỗ trợ nông dân thu hoạch hoa màu, nhưng điều đó là chưa đủ để bao tiêu nông sản. Trước khi có quyết định xét nghiệm Covid -19 cho các tài xế chở hàng đến từ Hải Dương, nhiều xe vận tải cà rốt đã bị ngừng trệ khi đi ra cảng Hải Phòng để bảo đảm công tác phòng dịch. Không ít sản phẩm được đưa ra tỉnh khác nhưng đôi chỗ xe chở nông sản đã phải “quay đầu” để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh. Bởi vậy Hà Nội mấy ngày qua được xem như là điểm sáng trong việc “giải cứu hàng nông sản cho Hải Dương”. Nhiều tấn rau, củ quả đã được đưa lên Thủ đô để tiêu thụ. Nhưng so với nguồn cung cấp đang tồn đọng tại đồng ruộng, hành động này tuy có ý nghĩa nhưng chỉ như “muối bỏ bể”, vì nguồn hàng còn quá nhiều.
![]() |
Câu chuyện đứt gẫy các chuỗi liên kết kinh tế giữa các địa phương từ câu chuyện hiện tại của Hải Dương đã đặt ra cho chức năng về hiệu quả của mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa bảo đảm duy trì phát triển kinh tế đang gặp không ít khó khăn. Nó cũng đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ xa hơn về chuỗi cung ứng được thiết lập lâu nay vẫn có thể bị đứt gãy nếu như gặp đại dịch. Tình huống này cũng đặt ra bài học cho các cụm kinh tế khác nhau của cả nước những tình huống ứng phó và bảo đảm lưu thông kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Có thể trong tương lai, khi những đợt vaccin phòng Covid-19 đầu tiên về tới Việt Nam, đối tượng ưu tiên cũng cần tính cả tới các lực lượng vận tải, kiểm soát thông quan hàng hóa ở bến cảng, ga tầu, sân bay, nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng cũng là những chốt quan trọng để bảo đảm việc thông thương hàng hóa.
Việc giải cứu nông sản là việc làm nhân văn, ý nghĩa, nhưng cũng không được lơ là trong công tác phòng dịch. Các xe nông sản đưa vào dân sinh tiêu thụ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống dịch bệnh. Cũng tránh mọi tình trạng lợi dụng trục lợi và gia tăng nguy cơ bệnh tật. Suy cho cùng giải cứu là việc “cực chẳng đã”. Một nền kinh tế mà thường xuyên có “tình huống giải cứu” cũng đặt ra sự đánh giá về hiệu quả của chính sách trong các tình huống khẩn cấp cho đến việc bảo đảm an ninh lương thực, khâu chế biến tại chỗ và khả năng tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa.
![]() |
Có thể diễn biến phức tạp của Covid-19 còn diễn ra trong năm 2021. Do vậy việc thực hiện “mục tiêu kép” cho các địa phương - vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng nhưng vẫn duy trì ổn định nền kinh tế - là điều đáng quan tâm.
Ngô Quốc Ðông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.