Hồi bà ngoại qua đời, tôi chỉ bé xíu. Trốn một góc sau nhà thút thít, nghe ai đó đi phúng điếu nói chuyện qua điện thoại: “Đang đi đám ma bà Ba..., chút về!”. Giọng lớn mà khàn khàn, chắc là của người trưởng thành. Tôi chợt nghĩ, bà tôi vừa mất, có phải là ma đâu! Người chết thì sẽ ra ma sao?
Từ ngày ngoại mất, mỗi năm chỉ đôi ba lần dòng họ có cơ hội đoàn tụ với nhau. Lễ giỗ, mùng 2 Tết hoặc những ngày đầu của tháng Các Đẳng. Vì bận công ăn việc làm, điều kiện xa xôi, có khi còn vắng mặt người này, người kia nhưng tôi biết ở đâu đó, các thành viên vẫn luôn hướng về cội nguồn, về ngoại. Trong mỗi dịp gặp gỡ, sau nghi thức cầu hồn, con cháu trong nhà quây quần bên mâm cỗ, kể cho nhau nghe chuyện làm ăn; rồi người lớn bảo ban, khuyên răn tụi nhỏ học hành. Cái thiêng liêng của tình cảm gia đình tuy không nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận mồn một, nó hiện diện thâm sâu trong mỗi người. Đã qua rồi giây phút các dì không thể kìm nén nỗi đau, khóc đến ngất đi như muốn kéo bà tôi ở lại. Phải, không ai muốn chia ly dù mỗi người đều biết đời là một cuộc hợp rồi tan. Ngày trước, ngoại nói với tôi sẽ về bên Chúa, ở cùng Chúa mỗi ngày. Tôi đinh ninh như thế, vậy mà khi bà mất, chẳng hiểu sao nước mắt cứ rơi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi khóc vì yêu thương. Đám giỗ là một nét đẹp truyền thống. Nó không còn là nơi khơi gợi thương đau mà là chốn để kỷ niệm ùa về, là sợi giây kết nối tình thân giữa những người còn trên dương thế. Và hôm nay, lòng tôi thấy ấm. Tôi tin, bà đã ở cùng Chúa mãi mãi. Bởi “sự sống không mất, nhưng chỉ đổi thay…!”. Sách Khôn Ngoan cũng viết “Người công chính ở trong tay Chúa…!”.
![]() |
Những ngày cuối tháng mười, trời bắt đầu se lạnh. Gió từ phương Bắc nhè nhẹ phả vào mặt người cái hơi chan chát của rừng núi bạt ngàn. Sáng, trên con đường đi làm tôi thấy đoàn xe rất đông. Toàn màu trắng! Phía trước, nhóm nhạc công cất khúc kèn nghe ai oán não nề. Mấy anh thanh niên lao vội qua đường trước khi đoàn tới. Đứng bên lề, cô giáo rối rít chuẩn bị cho học sinh băng theo đột nhiên nghiêm trang cúi đầu. Cô khoát tay, rồi các em cũng lặng lẽ nghiêng mình về dòng người đưa linh. Một chị lạ mặt hỏi: “Cô có họ hàng hay quen biết sao?”. Người phụ nữ mỉm cười: “Dạ, không!”. Tôi thầm nghĩ, cô giáo vừa dạy cho các em bài học rất quý. Làm người, trước tiên cần phải có lễ độ, với những người đã khuất dù chẳng biết họ là ai. Người ta yêu quý nhau thì khó nhưng lại dễ dàng ghen ghét, thù nghịch. Đôi lần, chúng ta vì quyền lợi cá nhân, sẵn sàng nguyền rủa anh em “quỷ tha, ma bắt!”, “cô hồn”... để rồi khi mất đi mới nhận ra không còn cơ hội để trao cho nhau lời nói ngọt ngào.
Mấy lần đi viếng bà ngoại, tôi thấy bọn trẻ con và cả thanh niên trong xóm ngồi xổm trên mộ người khác. Mấy lần đi đưa linh tôi cũng thấy vài anh chị áo quần tươm tất giẫm lên mồ kế bên tạo dáng chụp hình. Họ muốn ghi lại mãi mãi, khoảnh khắc bên người thân nhưng cũng vô tình để ấn tượng không phai về một hình ảnh không mấy phù hợp.
Tháng 11 về, tôi lại nhớ đến bà. Tôi cầu nguyện cho ngoại cùng những tín hữu đã qua đời. Sẽ tổn thương biết chừng nào, nếu ai đó ngồi lên mộ bà tôi. Và tôi nghĩ bất kỳ ai đó cũng sẽ khó chịu rất nhiều khi thấy người khác giẫm lên mồ người thân của mình.
Chạy xe qua đoàn người áo trắng, tâm hồn tôi xao xuyến đến lạ. Sau lưng, đám học trò kề vai, gọi nhau í ới tiến vào cổng trường.
Anh Nguyên
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.