Thứ Năm, 07 Tháng Tư, 2022 14:58

Gặp trong tro tàn

 

Một

Khi thành phố chính thức mở cửa trở lại sau hơn bốn tháng giãn cách, tôi xách cái xe đạp chạy ra khu trung tâm và gọi một ly cà phê ở quán K., ngồi nhâm nhi. Chưa bao giờ ly cà phê lại ngon như vậy, dù trong suốt hơn bốn tháng liền, tôi đều đặn pha cà phê vào mỗi sáng.

Tôi thấy con người đi lại trên đường. Những hàng rào phong tỏa đã được gỡ bỏ. Tôi nghe tiếng xe cộ đảo qua đảo về, tiếng cười nói. Tôi thấy ánh mắt rạng ngời của những người biết mình còn sống, còn nện bước trên vỉa hè, còn ngược xuôi trên những nẻo đường. Tôi thấy những người cha, người mẹ dắt con trai đi dạo trong công viên sau những ngày tháng dài loay hoay trong bốn bức tường, sống chung với hoang mang lo sợ.

Và tôi nghĩ về hơn hai chục ngàn con người đã biến mất chóng vánh, trong đó có những người quen, những “nợ nần” liên đới mà mình chưa kịp giải quyết...

Buổi sáng đó, khi đạp xe qua một ngôi nhà thờ hướng mặt ra bờ Kinh Tẻ phía quận 7, tôi thấy một người thanh niên đứng gục đầu, cài hai tay vào cánh cổng sắt đóng kín. Thỉnh thoảng, anh ta ngước lên, vươn đôi mắt buồn bã về phía cây thánh giá thấp thoáng sau những song sắt. Tôi dừng lại, từ xa, quan sát cái cách đối thoại của một người anh em sầu muộn với cây thánh giá trên đầu. Anh nói với cây thánh giá về những mất mát của mình chăng? Anh cám ơn thánh giá vì đã neo mình lại trên đời sau cơn ba đào tan tác? Hay anh ta đang nguyện cầu thánh giá xoa dịu những mất mát để tiếp tục sống đời sống mong manh cơ khổ này? Cũng có thể người đàn ông cơ khổ ấy đang thở than và oán trách thánh giá đã lấy đi những gì tốt lành nhất và biến anh thành kẻ cơ khổ, yếu thế trước cuộc đời?

Những truy vấn day dứt khiến tôi như khoác vào mình bi kịch người anh em xa lạ.

Những bi kịch mà tôi đọc thấy, nghe thấy, những mất mát chóng vánh xảy đến với người thân, bạn bè... trở lại trong tôi, dẫn tôi vào một khoảng ký ức tăm tối, che mờ buổi bình minh của hy vọng hồi sinh nơi thành phố này.


Hai

Tôi còn nhớ buổi hẹn đầu tiên với anh.

Chúng tôi ngồi ở ban công một quán cà phê trên đường Nguyễn Du, nhìn về phía nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn. Hôm đó là Chúa nhật. Sở dĩ tôi nhớ chi tiết ngày Chúa nhật bởi vì chính tôi đã theo thói quen, mà hỏi rằng anh đi lễ chưa. Ðưa tay gãi gãi cái đầu đinh hai phần muối một phần tiêu, anh cười cái cười bạt mạng của sắm vai con chiên ngầu: “Ê, bộ nhìn tôi có cái bản mặt của đứa siêng đi lễ Chủ nhật lắm sao cha nội?”. Tôi cười và thấy thích cái giọng điệu “ngang tàng khí chất”. Nó giống với thằng “chiên ngầu” (hay tỏ ra ngầu) bên trong mình. Một thứ gì đó bông phèng trước khuôn phép là điều mà những tay “giang hồ cơm sôi” (Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà - Phạm Hữu Quang) như lũ chúng tôi ưa chứng tỏ.

Tôi và anh khá hợp khi thao thao lý thuyết về những chuyện kinh doanh. Cũng khá “ăn rơ” với những chuyện về phụ nữ (nói điều này xin các độc giả nữ đừng bỏ đọc giữa chừng, cánh đàn ông tự cho mình đào hoa lãng xẹt thì thường “vô hại” lắm!). Rồi chúng tôi kể về những chuyến đi trong cuộc đời mình. Những chuyến đi phong sương gió bụi ở nơi này nơi khác, trải nghiệm món này món khác. Thiệt không biết chán. Xong thì lại đổi chủ đề sách vở và âm nhạc. Rồi vòng vòng thế nào đó, lại nói chuyện... các em xinh đẹp đã đi qua đời mình (và mình trót đi qua) như những dòng sông nhỏ. Thế rồi càng sa đà, tôi càng nhận ra chúng tôi là những thằng đàn ông gặp nhau ở khía cạnh phô trương sự cô đơn và trôi nổi.

Khi chúng tôi đang trò chuyện thì chuông nhà thờ đổ. Chúng tôi không ai bảo ai, ngồi lặng nhìn ra hai tháp chuông trỗi lên trên dàn khung sắt của ngôi giáo đường đang được trùng tu để lắng nghe nhịp chuông ngân vang như một khúc nhạc thanh tẩy giữa những thanh âm đô thị huyên náo.

Lần gặp đó chúng tôi đẻ ra một dự định công việc chung. Và dự định đó được thực hiện sớm.

Mọi việc trôi chảy tốt đẹp, cho đến một ngày, cũng vì những hiểu lầm, anh chủ động cắt đứt liên lạc. Tôi vẫn thấy anh xuất hiện ở những đám đông, trong vai một người đàn ông thành đạt, hào hoa, trí tuệ và được nhiều người trẻ ái mộ. Tôi vẫn âm thầm cất giữ những ý nghĩ thẳng thắn về anh sau các lấn cấn trong mối quan hệ, và dự định khi nguôi ngoai sẽ hẹn anh ở quán cà phê cũ, giải bày rõ ràng đâu ra đó.

Tôi treo cuộc hẹn trong tưởng tượng và nấn ná chờ, vì tôi cũng nghĩ anh cần thời gian để những gay gắt suy diễn có thể được tự hóa giải phần nào.

Thế rồi thành phố đóng cửa. Mỗi người tự lo lấy cuộc sinh tồn của mình và gia đình. Tôi hạn chế dùng Facebook, cắt bớt những tương tác trên mạng để cuộc sống được tĩnh lặng, trong trẻo hơn. Cho đến một ngày, khi trở lại thế giới mạng xã hội, tôi hay tin từng người bạn của mình lần lượt ra đi. Trong cao điểm của đại dịch, có lúc cả tuần liền, tôi liên tiếp hay tin bạn bè mình biến mất. Anh trong số đó. Một người học trò của anh đã cho tôi hay rằng, anh mất khi đang nằm một mình trong phòng cấp cứu với dây nhợ cắm khắp mình. Trên người độc một manh tã. Lũ virus đã khiến anh tiều tụy và rút kiệt sức sống của anh trong đơn độc.

“Gia đình không ai bên cạnh ổng sao?”, tôi hỏi.

“Thầy sống một mình nhiều năm rồi. Các con đi học xa. Vợ chồng thầy ai đường nấy từ lâu. Thầy chỉ có các học trò và bạn bè...”, học trò anh vừa nói vừa khóc qua điện thoại.

Phía sau mẫu hình thành đạt, danh vọng, trí tuệ và hào hoa là nỗi cô đơn bị khỏa lấp. Phía sau sự hào sảng ngỗ ngược của một kẻ từng trải lịch lãm là đứa bé thơ với manh tã đón nhận cái chết.

Tôi nhớ đến những buổi cà phê về sau mà chúng tôi bàn về công việc, khi nhắc đến con cái và cha mẹ, anh rơi nước mắt. Dù câu chuyện không có gì cảm động đến mức đáng để một người đàn ông lúc nào cũng tỏ ra bặm trợn phải khóc. Những lúc ấy, tôi chỉ biết lái chủ đề sang âm nhạc Leonard Cohen. Chúng tôi gặp gỡ nhau trong thứ âm nhạc vượt thoát trên cằn cỗi nhân gian, đầy thi tính của trải nghiệm. Khi nhắc đến Leonard Cohen, chúng tôi cảm giác được những thiên thần Chúa tìm đến và xoa dịu, hòa giải và nối kết con người cô đơn của mình với đời sống trong sự thuần khiết vô bờ.

Vậy mà tôi không nghĩ rằng có một buổi sáng, tôi nhận ra mình không kịp nữa. Tôi bật laptop lên để dự thánh lễ online đưa tiễn anh. Tên thánh anh được cha chủ tế xướng lên chìm lẫn trong vài người khác mới qua đời cùng tên thánh và trong hàng chục cái tên thánh khác của buổi dâng lễ cầu hồn ban sáng. Cung thánh nhà thờ hiện lên những đường nét gothic sáng và tối sao mà lạnh lẽo vậy.

Vị linh mục bước ra khỏi góc màn hình, trả lại một màn đen thăm thẳm.

Trong căn phòng của mình, tôi nhắm mắt và tưởng tượng một hồi chuông cất lên. Hồi chuông dài như buổi sáng đầu tiên chúng tôi gặp nhau.


Ba

Cùng với Chúa, gương mặt con người thống khổ bước ra từ tro tàn của một thế giới trầm kha khủng hoảng.

Khi cuộc chiến vào hồi khốc liệt, trên tờ New York Times có đăng bức ảnh những cư dân của thành phố Lyiv (Ukraine) đang khiêng một bức tượng Chúa chịu nạn ra khỏi một ngôi nhà nguyện đổ nát để di chuyển vào một kho chứa. Họ bảo vệ bức tượng thờ là di sản từ thời Trung cổ. Lớn lao hơn, họ bảo tồn một đức tin đang chịu khổ nạn từ trong thế giới bất định, đổ nát và tai ương.

Họ cứu Ðấng Cứu thế hiện diện bên trong mình với đầy đủ chiều kích khổ đau. Ðấng Cứu Thế trong bức ảnh cũng cô đơn, dang hai tay chới với.

Và trên người cũng chỉ độc một manh tã, không hơn.

 

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm