* “Công trạng chữ Quốc ngữ” của giáo sĩ dòng Tên Alexander Rhodius đã bị nhà cầm quyền thuộc địa nhận vơ cho Pháp; nhiều thế hệ người Việt Nam sau này cũng tưởng như vậy.
* Từ điển đầu tiên “Bồ - Latinh” (ghi chú: tiếng Pháp không trở thành chủ lưu trong giai đoạn truyền giảng đạo Công giáo vào thế kỷ 17…).
Giáo sĩ Alexander Rhodius (Đắc Lộ) với công việc rao giảng Tin Mừng bằng chữ Quốc ngữ |
1.
Nếu như có ai viết “Nhân vật Thạch Duông sinh ra tại Sài Gòn vào cuối thế kỷ 16”, từ đó rút ra nhận xét, “Thạch Duông sinh tại Sài Gòn, thành thử Thạch Duông là người nước Việt”, sẽ có tới mấy cái SAI như sau:
- Cuối thế kỷ 16, không có tên gọi “Sài Gòn” (tiếng Việt), mà lúc đó nơi này còn mang tên là “Prei Nokor” (theo tiếng Khmer);
- “Prei Nokor” bấy giờ là lãnh thổ của Chân Lạp (Khmer), không phải nước Việt;
- Thành thử Thạch Duông sinh tại Prei Nokor đâu phải người nước Việt, mà là người Khmer.
Quê hương Avenio của giáo sĩ Alexander Rhodius thuộc Giáo tông quốc (Papal State), mãi sau này sáp nhập vào Pháp mà có tên Avignon |
2.
Liên hệ với câu chuyện của vị giáo sĩ quen ghi là Alexandre de Rhodes (sinh năm 1593, mất năm 1660). Có mấy điểm cần phân định rõ rành:
- Lúc sinh thời, quê hương của vị giáo sĩ dòng Tên này không có tên gọi “Avignon” (tiếng Pháp), mà thời đó nơi đây mang tên “Avenio” (theo tiếng Latin);
- “Avenio” bấy giờ là lãnh thổ của quốc gia mang tên “Quốc gia Hội thánh” (Status Ecclesiasticus, còn gọi là “Quốc gia Giáo tông”, “Quốc gia của sứ đồ” - “Apostolorum statum”), không phải nước Pháp.
- Vị giáo sĩ dòng Tên sinh ra tại Avenio, do đó, theo cách hiểu ở số (1) thì đâu phải người Pháp, mà là người “Sứ đồ quốc” / “Giáo tông quốc”.
Ngôn ngữ sử dụng chính thức là tiếng Latin (không phải tiếng Pháp). Tên của vị giáo sĩ này viết bằng tiếng Latin là Alexander Rhodius (còn cái tên “Alexandre de Rhodes” là do chuyển dịch qua tiếng Pháp nên gọi như thế).
Từ điển Việt - Bồ - La |
3.
Sau khi giáo sĩ Đắc Lộ qua đời (1660) thì mãi hơn một thế kỷ sau đó Avenio mới sáp nhập vào nước Pháp (vào năm 1791, rồi đổi tên thành “Avignon”).
3a) Mượn lại ví dụ ở mục (1), đâu phải vì “Prei Nokor” sau này trở thành “Sài Gòn” của nước Việt thì mọi cư dân sinh ra nơi vùng đất này từ những thế kỷ trước cũng... hóa thành người Việt? Nếu khẳng định “người Việt”, là sai trật!
Cũng vậy, đâu phải vì “Avenio” sau này trở thành “Avignon” của nước Pháp thì vị giáo sĩ dòng Tên sinh sống ở Avenio (trước khi sáp nhập vào nước Pháp) cũng ... hóa thành người Pháp? Việc khẳng định là “người Pháp” là thiếu chuẩn xác. Thử một giả định lịch sử như vầy: nếu Avenio sáp nhập vào một quốc gia nào khác, chẳng hạn Ý, ắt bây giờ sẽ cho rằng giáo sĩ Đắc Lộ quê ở nước Ý hay sao?
3b) Có một dữ kiện, xin bạn đọc chú ý: vị giáo sĩ dòng Tên này soạn ra bộ “Từ điển Việt - Bồ - La” (năm 1651), có tiếng BỒ và tiếng LATIN là ngôn ngữ của các vị giáo sĩ người nước Bồ Đào Nha và nước “Giáo tông quốc” (Papal State).
Sao không viết tiếng Pháp? Bởi vì, rất đơn giản, giáo sĩ Đắc Lộ (Alexander Rhodius) không phải công dân nước Pháp.
3c) Thực dân Pháp đặt sự cai trị lên nước Việt từ cuối thế kỷ 19. Cũng bởi vào thời điểm này, Avignon đã thuộc nước Pháp, thành thử người Việt khi đọc tiểu sử “Alexandre de Rhodes quê quán tại Avignon” đã nghĩ ông là người Pháp.
Riêng trong vấn đề này, phải nói thẳng là nhà cầm quyền thuộc địa đã có sự khôn khéo chánh trị là nhận vơ “công trạng đặt nền móng chữ Quốc ngữ” cho Pháp, bằng cách tạo ấn tượng giáo sĩ Đắc Lộ là “người Pháp”. Trong khi đó, theo đúng những dữ kiện lịch sử khách quan, công trạng tiên phong là phải kể hàng giáo sĩ Bồ Đào Nha (Francisco de Pina, và cộng sự) trước nhứt!
Và nhìn nhận giáo sĩ Alexander Rhodius (Đắc Lộ) đóng góp tâm huyết trong hoàn thành bộ “Tự điển Việt - Bồ - La”, là trong tư cách công dân của “Quốc gia Giáo tông” (Papal State).
NGUYỄN CHƯƠNG
Bình luận