Chuyện cũ kể lại: Ôi, phết với phẩy!

Ðây là chuyện về việc ngắt câu với dấu phẩy (tức dấu phết) chứ không phải bàn tới chuyện người ta “phết phẩy” để ăn chia với nhau trong một hợp đồng lắm tiền nặng bạc nào đó.

1.

Ðọc chữ Nho (tức chữ Hán) không thể phân biệt được các danh từ riêng vì không có quy ước viết hoa. Ðã vậy, ngày xưa các văn bản không có dấu ngắt câu (gọi là bạch văn 白文: Chinese texts without punctuation), mỗi người tùy cách hiểu của mình mà tự ngắt câu (gọi là cú đậu 句讀: traditional method of punctuation used in ancient Chinese texts). Ngắt câu sai thì hiểu sai văn bản; bởi thế, học giả đời Thanh là Du Việt 俞樾 (1821-1907) nhắc nhở rằng khi đọc cổ văn phải nhớ ba điều, mà điều ông nêu lên trước tiên là cú đậu (trích): “Ðộc cổ nhân thư, bất ngoại hồ chính cú đậu…” 讀古人書不外乎正句讀 . . . (Ðọc sách người xưa không ngoài ngắt câu cho đúng ...)

Du Việt (1821 - 1907)

Chẳng hạn, dưới đây là một trang Ðạo đức kinh (Chương 1) viết theo kiểu chân phương (khải thư 楷書) rất đẹp, không hề có một dấu ngắt câu, và không “viết hoa” hai chữ 老子 (Lão Tử) ở hàng dọc đầu tiên từ phải đọc qua trái.

Chính vì hai đặc điểm nói trên (không có quy ước viết hoa, không dấu ngắt câu), dân gian lưu truyền câu chuyện chỉ bởi mấy dấu phẩy (dấu phết) nhỏ xíu mà có kẻ vuột mất trọn gia tài, và có kẻ thu hồi được trọn gia tài ấy. Chuyện kể như sau:

Phú ông kia chỉ sinh được con gái duy nhất nên khi gả chồng thì bắt rể. Tuy tuổi cao, vẫn thèm con trai nối dõi tông đường, ông bèn cưới hầu non, may thay lại sanh một quý tử, đặt tên là Phi. Ông rất mừng vui mà lại thầm lo sợ con trai còn nhỏ, khi ông chết đi thì mẹ nó cô thế, ắt con rể tham lam sẽ hãm hại tên Phi để đoạt mất gia tài. Toan tính đủ cách, cuối cùng ông gọi con rể tới bên cạnh, kín đáo tâm sự:

- Con à, cha bảy mươi tuổi, sức yếu rồi mà hầu thiếp lại sinh con thì bụng cha ngờ lắm. Vậy, gia tài cha giao hết cho con. Nhưng mong con hãy bao dung cho mẹ con thằng bé được yên ấm trong nhà này thì nơi chín suối cha cũng hưởng chút phước đức.

Ðể con rể tin lời, ông lấy di chúc (viết chữ Nho, không “viết hoa”, không dấu ngắt câu) và đưa con rể xem:

餘今七十歲生得一男非吾子也其家財交與婿外人不得侵爭

Ông vừa đọc vừa tự ngắt câu cho con rể nghe:

- Dư kim thất thập tuế, sinh đắc nhất nam, phi ngô tử dã. Kỳ gia tài giao dữ tế. Ngoại nhân bất đắc xâm tranh.

Chữ “phi” 非 được hiểu là “không phải”, như “phi lý” (không có lý, vô lý), hay “phi thường” (khác thường, chẳng phải tầm thường); “phi ngô tử” 非吾子 nghĩa là chẳng phải con của tôi; “dã” 也 là trợ từ (grammatical particle) đặt ở cuối câu để khẳng định cái ý vừa nói ngay trước chữ này.

Phú ông giảng nghĩa:

- Tôi nay bảy mươi tuổi, sinh được một trai, chẳng phải con tôi đâu. Gia tài giao cho con rể. Người ngoài không được xâm chiếm tranh giành.

Nghe rõ và thấy rõ di chúc như thế, con rể quá yên tâm, nên làm đúng lời bố vợ ký thác.

Ðến khi cậu Phi trưởng thành, mẹ đẻ của cậu mới đem di chúc ra công đường xin quan xét xử. Theo lời chồng mật truyền lúc còn sống, bà đọc và tự ngắt câu lại như sau:

- Dư kim thất thập tuế, sinh đắc nhất nam. Phi, ngô tử dã. Kỳ gia tài giao dữ. Tế, ngoại nhân, bất đắc xâm tranh.

Chữ “Phi” 非 lúc này được hiểu là tên của cậu con trai. “Kỳ” 其 là tính từ sở hữu (possessive adjective), nghĩa là “của người ấy” (như his, her, their trong tiếng Anh). “Kỳ gia tài” 其家財 là gia tài của nó (his patrimony). “Giao dữ” 交與 là giao cho (handing over), có thể không cần nói rõ là giao cho ai trong câu.

Nghe bà mẹ đọc như thế, viên quan hiểu di chúc theo nghĩa như sau:

“Tôi nay bảy mươi tuổi, sinh được một trai. Phi là con trai tôi đấy. Gia tài của nó thì giao cho nó. Con rể là người ngoài thì không được xâm chiếm tranh giành.”

Thế là lệnh quan buộc con rể phải trả lại gia tài cho con đẻ của phú ông.

2.

Cũng bởi văn bản chữ Nho không ngắt câu sẵn mà ngày xưa có người học rất giỏi lại thi rớt oan uổng chỉ vì giám khảo đọc vội đọc vàng tự ngắt câu trật lất, hiểu sai ý sĩ tử.

Ðời Lê trung hưng ở xã Cổ Ðô, huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây (ngày nay Cổ Ðô thuộc huyện Ba Vì, phía tây bắc thành phố Hà Nội) có danh sĩ Nguyễn Công Hoàn, học vấn uyên thâm mà lận đận về khoa cử, thi mãi chẳng đỗ đạt gì bởi cái tật viết văn cầu kỳ, giám khảo chấm bài không có dư thời gian nghiền ngẫm cho thấu đáo, bèn đánh hỏng. Rốt cuộc, ông Hoàn cả đời chỉ làm thầy đồ và dạy học rất giỏi. Ông dạy con đẻ là Nguyễn Bá Lân (1700?-1785?) rất thành công, nên con ông thi đậu tiến sĩ năm 1731, đời vua Lê Thuần Tông (bấy giờ nhiếp chính là Chúa Trịnh Giang).

Tương truyền, khi ông Lân được triều đình bổ làm quan chủ khảo một khoa thi thì bố ông lại làm sĩ tử ứng thí, và con đánh trượt bố mà không biết (vì bài thi được rọc phách trước khi chấm).

Khoa ấy thí sinh phải làm bài phú với đầu đề là “Tây bá trị Kỳ Sơn” 西伯治岐山, lấy tích Cơ Xương (1152-1056 trước Công nguyên) được vua Trụ nhà Thương phong tước Tây bá, và ông chiêu hiền đãi sĩ, khéo dùng đức độ cai trị Kỳ Sơn là đất do cha ông là Cơ Quý Lịch gầy dựng. Con ông là Cơ Phát dấy binh diệt xong vua Trụ, xưng Vũ vương, khai sáng nhà Chu, truy tôn cha là Chu Văn vương.

Ðể dễ hiểu chuyện làm bài thi của ông Nguyễn Công Hoàn, cần tóm tắt quá trình dựng nước của cha con Tây bá như sau:

Nhà Chu ban sơ là một bộ tộc khởi nghiệp từ đất Thai 邰 (nay là phần đất thuộc tỉnh Thiểm Tây). Khi đã phát triển lớn mạnh hơn, họ di cư về đất Bân 邠 (nay là huyện Bân 彬 thuộc tỉnh Thiểm Tây). Sau đó họ lập đô tại đất Kỳ hay Kỳ Sơn (nay là một huyện phía tây tỉnh Thiểm Tây). Ðời Tây bá Cơ Xương, ông lập đô ở đất Phong 豐 (nay là phần đất thuộc Trường An, tỉnh Thiểm Tây). Năm 1126 trước Công nguyên, Cơ Phát dời đô từ đất Phong về đất Cảo 鎬 (nay là phần đất phía tây nam thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây). Như vậy, nhà Chu dựng đế nghiệp trong phạm vi tỉnh Thiểm Tây ngày nay, lần lượt từ đất Thai, Bân, Kỳ, Phong, sau cùng đóng đô ở Cảo.

Trở lại chuyện bố con ông Hoàn. Khi việc trường thi đâu đấy xong xuôi, ông Lân về thăm nhà. Sốt ruột, bố hỏi:

- Khoa này có được bài nào khá không?

Con đáp:

- Có một bài khá, chỉ vì đặt câu thất niêm, không thể chấm cho đậu.

Chột dạ, bố liền hỏi:

- Câu ấy thế nào? Có nhớ không?

Vốn thông minh, trí nhớ tốt, nên ông con đọc ngay, dĩ nhiên tự ngắt câu theo cách ông hiểu:

“Lưu hành chi hóa tự Tây Ðông, Nam Bắc vô tư bất phục.

Thành tựu chi công tự Cảo Bân, Kỳ Phong hữu khải tất tiên.” (1)

Ông con tỏ ý tiếc rẻ:

- Giá như câu dưới đổi hai chữ “Cảo Bân” thành “Bân Cảo” cho đúng niêm luật thì đã được chấm đậu rồi.

Nghe xong, ông bố lập tức xách gậy đánh con, mắng nhiếc, và thề không bao giờ đi thi nữa, vì té ra giám khảo quá kém cỏi. Bấy giờ ông con mới biết hai câu đó của bố cũng là thầy giáo của mình viết ra:

流行之化自西東南北無思不服

成就之功自鎬邠岐豐有啟必先

Theo ý ông bố, để đúng trình tự lập quốc của nhà Chu, phải ngắt câu như sau:

“Lưu hành chi hóa tự Tây; Ðông, Nam, Bắc vô tư bất phục.

Thành tựu chi công tự Cảo; Bân, Kỳ, Phong hữu khải tất tiên.”

Nghĩa là:

Ðức giáo hóa lan truyền đi từ hướng Tây; ba hướng Ðông, Nam, Bắc đâu đâu cũng nghĩ tới mà phục tùng theo.

Công thành tựu từ đất Cảo, ắt trước tiên có sự khởi đầu ở đất Bân, đất Kỳ, đất Phong.

Chuyện này chả biết hư thực thế nào. Rất có thể là các thầy đồ ngày xưa “sáng tác” trong lúc trà dư tửu hậu để răn dạy học trò làm bài thi chớ nên viết văn cầu kỳ, khó hiểu, đánh đố giám khảo, vì lẽ giám khảo đâu có rảnh rang mà vắt óc tìm cho ra ý tứ cao thâm ẩn áo trong lúc đang còn phải chấm cho xong biết bao nhiêu bài thi (xưa gọi là quyển 卷, vì gồm nhiều tờ, sĩ tử phải tự đóng lại thành tập).

3.

Người học ngữ pháp tiếng Anh từng dùng sách A Comprehensive English Grammar (in lần đầu vào tháng 6-1960) ắt còn nhớ một chuyện hài hước mà hai tác giả C.E. Eckersley và J.M. Eckersley dùng để minh họa cho cách dùng dấu phẩy. Chuyện là một chức sắc ở địa phương nọ vừa được giáo hội thăng phẩm cấp. Tờ báo trong vùng bèn cử phóng viên tới phỏng vấn xem hôm làm lễ thụ phong ngài sẽ mặc phẩm phục ra sao. Vốn là người đạo đức, khiêm tốn, luôn hòa mình với giáo dân, vị ấy nhũn nhặn trả lời:

I will wear nothing which distinguishes me from others.

(Tôi sẽ không mặc thứ gì làm tôi khác biệt với những người khác.)

Phóng viên chép đúng từng chữ đã nghe, nhưng khi đăng báo thì lại có thêm một dấu phẩy như sau:

I will wear nothing, which distinguishes me from others.

Cái dấu phẩy nhỏ xíu đó có nghĩa là đại từ liên hệ (relative pronoun) which thay thế cho cả mệnh đề “I will wear nothing”. Thế thì, câu trả lời của vị chức sắc khả kính bị xuyên tạc thành lời nói thô lỗ: Tôi sẽ không mặc gì hết (trần như nhộng), điều này làm tôi khác biệt với những người khác.

4.

Bên Mỹ từng lưu truyền chuyện này:

Luật thuế xuất nhập khẩu ban hành ngày 6-6-1872 của Mỹ có một khoản quy định miễn thuế chỉ riêng cho các loại cây ăn quả (fruit plants) nhập về từ các nước nhiệt đới và bán nhiệt đới nhằm mục đích nhân giống hay trồng trọt. Lẽ ra chỉ viết: “… fruit plants, tropical and semi-tropical for the purpose of propagation or cultivation”. Nhưng người soạn văn bản sơ ý, lỡ thêm dấu phẩy giữa “fruit” “plants”, thành thử phạm vi miễn thuế vô tình mở rộng ra, bao gồm luôn các thứ hoa quả (fruit) và đủ mọi loại cây (plants).

Tới khi luật ấy được tu chính để hủy bỏ dấu phẩy quá đỗi tai hại thì ngân sách Mỹ đã thất thu khoảng một triệu Mỹ kim tiền thuế (an estimated $1 million in revenues).

5.

Sau đây là chuyện chữ Hán không dấu ngắt câu liên quan Ðạo đức kinh. Giáo sĩ James Legge (1815-1897), người Tô Cách Lan, ngắt câu thứ ba, đầu Chương 1, như sau:

無名天地之始; 有名萬物之母.

(Vô danh thiên địa chi thủy; hữu danh vạn vật chi mẫu.)

Ông dịch:

(Conceived of as) having no name, it is the Originator of heaven and earth; (conceived of as) having a name, it is the Mother of all things.

(Không tên là khởi thủy của trời đất; có tên là mẹ của muôn vật.)

Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014) dịch xuôi như sau:

Không tên là gốc của trời đất; có tên là mẹ của muôn vật.

Ông còn khéo dịch thành hai câu lục bát thế này:

Không tên sáng tạo thế gian / Có tên là mẹ muôn vàn thụ sinh.

Nhiều người khác cũng dịch tương tự như trên. Theo đó, các vị hiểu “vô danh” và “hữu danh” là hai từ đối lập nhau.

Tuy nhiên, Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) ngắt câu và dịch như sau:

Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu.

“Không”, là gọi cái bản thủy của trời đất; “có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật.

Như vậy, ông Hiến Lê xem “vô” và “hữu” là hai từ đối lập, một cặp nhị nguyên đối đãi. Chữ “danh” bây giờ dùng như động từ với nghĩa là “gọi tên” (to name), cũng giống chữ “danh” thứ hai trong câu 2, Chương 1: Danh khả danh phi thường danh. (Legge: The name that can be named is not the enduring and unchanging name.)

*

Qua vài trường hợp kể lại như trên, tuy chưa gom trọn hết các “chứng cớ” có rất nhiều trong văn học các nước, cũng đủ thấy rằng chỉ thêm hay bớt, hoặc đổi vị trí một dấu phẩy (dấu phết), thì ý nghĩa câu văn hoàn toàn thay đổi. Giả dụ một bài nói chuyện được ghi âm rồi sau đó có người viết lại thành văn bản, nếu diễn giả không đích thân kiểm tra cẩn thận trước khi cho phép phổ biến, mà cứ phó thác cho người ấy tùy ý ngắt câu theo cách hiểu và khả năng ngữ pháp của họ, thì dễ có ngày diễn giả đành phải dở khóc dở cười.

Huệ Khải

_______________________________________

1 Có dị bản là “Thành tựu chi công tự Cảo Mân, . . .” Mân 閩 thuộc tỉnh Phúc Kiến ngày nay; biệt danh của Phúc Kiến cũng là Mân.

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Chữ và nghĩa: Tấc lòng tấc dạ
Chữ và nghĩa: Tấc lòng tấc dạ
Không những nói “tấm lòng”, người Việt còn nói “tấc lòng”. Đây là lối nói văn vẻ, thường thấy trong văn học.
Câu chuyện liên tôn: Đạo Chúa có ảnh hưởng tới đạo Cao Đài không?
Câu chuyện liên tôn: Đạo Chúa có ảnh hưởng tới đạo Cao Đài không?
Học giả nước ngoài quen gọi đạo Cao Đài là “syncretic religion” tức là “tôn giáo dung hợp” mà trong đó họ thấy yếu tố chủ đạo không gì khác hơn Tam Giáo. Chính yếu tố chủ đạo của Tam Giáo dường như che khuất yếu tố rất riêng của...
Chuyện cũ kể lại:  GIỮA HAI MIỆNG CỌP
Chuyện cũ kể lại: GIỮA HAI MIỆNG CỌP
Trong lúc đi qua cánh đồng, anh chàng kia thình lình nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng một con cọp từ xa. Sợ hãi, anh liền vắt giò lên cổ chạy trối chết. Con cọp đuổi theo tức thì. Chẳng mấy chốc anh phải vội dừng chân vì trước mặt...
Chữ và nghĩa: Tấc lòng tấc dạ
Chữ và nghĩa: Tấc lòng tấc dạ
Không những nói “tấm lòng”, người Việt còn nói “tấc lòng”. Đây là lối nói văn vẻ, thường thấy trong văn học.
Câu chuyện liên tôn: Đạo Chúa có ảnh hưởng tới đạo Cao Đài không?
Câu chuyện liên tôn: Đạo Chúa có ảnh hưởng tới đạo Cao Đài không?
Học giả nước ngoài quen gọi đạo Cao Đài là “syncretic religion” tức là “tôn giáo dung hợp” mà trong đó họ thấy yếu tố chủ đạo không gì khác hơn Tam Giáo. Chính yếu tố chủ đạo của Tam Giáo dường như che khuất yếu tố rất riêng của...
Chuyện cũ kể lại:  GIỮA HAI MIỆNG CỌP
Chuyện cũ kể lại: GIỮA HAI MIỆNG CỌP
Trong lúc đi qua cánh đồng, anh chàng kia thình lình nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng một con cọp từ xa. Sợ hãi, anh liền vắt giò lên cổ chạy trối chết. Con cọp đuổi theo tức thì. Chẳng mấy chốc anh phải vội dừng chân vì trước mặt...
Món quà cuối năm
Món quà cuối năm
Tiễn bạn ra về, tôi trở vào nhà với tập sách bìa carton, thiết kế trang nhã. Rọc lớp màng co bao ngoài, lần giở từng tờ giấy couché matt 64 gsm trắng láng, ngắm nhanh một số trong rất nhiều tranh minh họa, tôi nghĩ tới tấm lòng của...
Chuyện cũ mùa Giáng Sinh: LÁ THƯ TỪ MẶT TRĂNG
Chuyện cũ mùa Giáng Sinh: LÁ THƯ TỪ MẶT TRĂNG
Nhà văn Samuel Langhorne Clemens (1835-1910), bút danh Mark Twain, có bốn người con. Ngoài bé trai đầu lòng là Langdon chết vì bệnh bạch hầu lúc mười chín tháng tuổi, ông có thêm ba cô con gái là Susie (1872-1896), Clara (1874-1962), và Jean (1880-1909).

Chuyện cũ kể lại: NGỌC BÍCH BIỆN HÒA
Chuyện cũ kể lại: NGỌC BÍCH BIỆN HÒA
Bộ tiểu thuyết Ðông Chu Liệt Quốc Chí danh tiếng của Phùng Mộng Long (1574-1646) gồm một trăm lẻ tám hồi (tức chương). Hồi Thứ Chín Mươi chép sự tích viên ngọc quý của Biện Hòa.
GÃ KHỔNG LỒ ÍCH KỶ
GÃ KHỔNG LỒ ÍCH KỶ
Từ gã khổng lồ ích kỷ, hắn đã trở thành người nhân ái, vị tha, để cuối cùng được thánh hóa... Truyện ngắn Gã Khổng Lồ Ích Kỷ chính là câu chuyện về tình thương thánh hóa con người.
NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY
NƠI NÀO THƯƠNG YÊU THÌ CÓ THẦY
Truyện ngắn của Tolstoy nhắc tôi nhớ lời Chúa (Gio-an 15:9-17): Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em. Và tôi cũng nhớ tới lời Đức Chí Tôn: Sự thương yêu là chìa khóa mở tam thập lục thiên, cực lạc thế giới và Bạch...
NHƯ HOA NỞ MUỘN
NHƯ HOA NỞ MUỘN
Lấy cảm hứng từ đoạn Phúc Âm Gioan 20,19-29, họa sĩ Ý Caravaggio (1571 - 1610) vào khoảng năm 1601 - 1602 đã vẽ bức tranh Tính Đa Nghi Của Thánh Tôma (The Incredulity of Saint Thomas), sơn dầu trên bố. Nhờ ngài Tôma đa nghi mà chúng ta có...