Thứ Tư, 19 Tháng Tám, 2020 14:22

Chuyện cũ kể lại: TÙY DUYÊN

 

1.

 “Người Samari tốt lành” (The Good Samaritan) là một dụ ngôn (parable) rất nổi tiếng, được chép trong Phúc Âm theo Thánh Luca (10,25-37). Người Hoa gọi dụ ngôn này là “Hảo Tát Mã Lợi Á nhân” 好撒馬利亞人, trong đó hảo nhân là người tốt lành; Tát Mã Lợi Á là cách chuyển âm (transliterating) địa danh Samaria.

Dụ ngôn này còn là cảm hứng cho nhiều họa sĩ bậc thầy vẽ tranh. Chẳng hạn:

- Khoảng năm 1633, họa sĩ Rembrandt (1606-1669, người Hà Lan) vẽ De Barmhartige Samaritaan, sơn dầu trên gỗ (panel), 24,2x19,8 cm.

- Năm 1838, họa sĩ Pelegrín Clavé y Roqué (1811-1880, người Tây Ban Nha), vẽ El bon samarità, sơn dầu trên bố, 187x241 cm (xem ảnh đính kèm).

- Năm 1880, họa sĩ Aimé Nicolas Morot (1850-1913, người Pháp) vẽ Le bon Samaritain, sơn dầu trên bố, 268,5198 cm.

- Năm 1890, họa sĩ Van Gogh (1853-1890, người Hà Lan) vẽ De Barmhartige Samaritaan, sơn dầu trên bố, 73x60 cm.

“Người Samari tốt lành/ El bon samarità” sơn dầu trên bố, khổ 187x241cm. Pelegrín Clavé y Roqué (1811-1880, Tây Ban Nha), vẽ năm 1838

 

 

2.

 Trường hợp nào Chúa dạy dụ ngôn này?

Theo bản King James thế kỷ 21 (Deuel Enterprises, Inc., Hoa Kỳ, 1994), Thánh tông đồ Luca chép rằng một hôm có người thông luật đứng lên thử thách Ðức Giêsu (a certain lawyer stood up and tested Him). Người ấy hỏi (10,25): “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để thừa hưởng sự sống đời đời? / Master, what shall I do to inherit eternal life?

Ðức Giêsu hỏi (10,26): “Trong luật viết gì? Ông đọc thế nào nhỉ? / What is written in the law? How readest thou?

Chúng ta hiểu đây là luật của Do Thái giáo. Ông thông luật trả bài tức thì (10,27): “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết dạ, hết sức hết tâm, và yêu mến người thân cận như bản thân ngươi. / Thou shalt love the Lord thy God with all thy heart, and with all thy soul, and with all thy strength, and with all thy mind, and thy neighbor as thyself.”

Trả lời như thế, ông ấy đã dựa theo luật Lêvi (19,18): “. . . nhưng ngươi phải yêu mến người thân cận của ngươi như bản thân ngươi: Ta là Chúa. / . . . but thou shalt love thy neighbor as thyself: I am the Lord”.

Nghe xong những lời ấy, Ðức Giêsu khen (10,28): “Ông trả lời đúng rồi; hãy làm như vậy, và ông sẽ sống [đời đời]. / Thou hast answered right; this do, and thou shalt live.”

Nhưng mở đầu dụ ngôn này, Thánh Luca chép rõ ý đồ của ông thông luật là thử thách (tested) Chúa chứ chẳng phải thực tâm cầu đạo. Bởi thế, chưa vừa bụng, ông ta tiếp tục chất vấn (10,29): “Mà ai là người thân cận của tôi? / And who is my neighbor?

Bấy chừ, Ðức Giêsu bèn kể dụ ngôn người Samari tốt lành (10:30-37) để dạy rõ thế nào là người thân cận:

Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” (1)

 

3.

 Trên đây, trước đoạn dụ ngôn vừa dẫn, chúng ta thấy thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi của người thông luật, Ðức Giêsu hỏi (10:26): “Trong luật viết gì? Ông đọc thế nào nhỉ?”. Xét về bề ngoài, có vẻ như Chúa kiểm tra kiến thức luật học của kẻ hiếu sự, kẻ thích “kiếm chuyện”. Nhưng xét cho sâu xa, chúng ta hiểu rằng Ðức Giêsu dùng chính kiến thức của kẻ hiếu sự để giúp ông ta lãnh hội vấn đề phù hợp trình độ bản thân. Theo thuật ngữ đạo học phương Ðông, chúng ta nói rằng Chúa đang dạy đạo theo đúng căn trí ông ta.

Căn trí 根智 (capabilities) là năng lực hay khả năng bản thân, nhờ đó một người có thể lãnh hội hay thực hiện được việc gì. Ðạo học phương Ðông chia con người ra hai loại: (a) tiểu căn trí 小根智 (limited capabilities) hay hạ căn trí 下根智 (inferior capabilities) là năng lực hay khả năng bản thân ít ỏi, hạn chế nên khó lãnh hội hay khó thực hiện được việc gì; (b) đại căn trí 大根智 (great capabilities), hay thượng căn trí 上根智 (superior capabilities) là năng lực hay khả năng bản thân dồi dào, phong phú nên dễ lãnh hội hay dễ thực hiện được việc gì.

Trong Ðạo Ðức Kinh (Chương Bốn Mươi Mốt), Ðức Lão Tử chia ra ba loại căn trí (thượng, trung, hạ: the highest, the middle, and the lowest classes), và dạy: Bậc thượng sĩ nghe đạo, cố gắng làm theo. Bậc trung sĩ nghe đạo như còn như mất, lúc nhớ lúc quên. Bậc hạ sĩ nghe đạo, cả cười chế nhạo. / Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi. Trung sĩ văn đạo, nhược tồn, nhược vong. Hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. 上士聞道, 勤而行之. 中士聞道, 若存若亡. 下士聞道, 大笑之.”

Phúc Âm chép theo Thánh Mátthêu (19,16-22) kể chuyện một thanh niên giàu có đến hỏi Chúa phương cách để được sống đời đời. Chúa dạy (19,21): “Hãy bán hết tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe như thế, thanh niên đó buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải, không thể buông xả. Vậy, thanh niên đó là hạng tiểu căn trí nên không thể làm theo Lời Chúa.

Trái lại, ông Lêvi đang hành nghề thu thuế béo bở, của cải không thiếu, sung sướng thụ hưởng dồi dào vật chất thế gian, vậy mà ông lập tức bỏ phứt tất cả để theo Chúa cái rụp, chỉ nhờ tỉnh thức ngay khi nghe Chúa gọi (Mátthêu 9,9): “Anh hãy theo tôi!” Ông Lêvi (tức Thánh tông đồ Mátthêu) chính là bậc đại căn trí, cũng là người mà Ðức Lão Tử gọi là “Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi”.

 

4.

 Xét về “động cơ” của kẻ thông luật nọ thì ông ta quả có phần thất lễ với Ðức Giêsu khi đem trí phàm phu của mình ra thử thách Chúa. Tuy nhiên, nhờ ông ta làm vậy mà nhân loại suốt hơn hai ngàn năm nay mới được hưởng quả ngọt là bài học luân lý qua dụ ngôn người Samari tốt lành; thế thì ông ta đáng được biết ơn lắm chứ.

Trên đây tôi không ngại dông dài nhắc tới nguyên do đưa đến dụ ngôn này, bởi vì sao?

Tôi không biết các học giả về Thánh Kinh học 聖經學 (Bibliology) dùng thuật ngữ gì để gọi phương pháp dạy đạo của Ðức Giêsu như chép ở Luca (10,25-37). Riêng các nhà sư phạm ngày nay có thể nói rằng hôm ấy Chúa dạy đạo mà không soạn sẵn giáo án. Ðúng vậy. Hôm đó, Chúa đang ở cùng bảy mươi hai môn đồ vừa trở về sau khi nhận lệnh Chúa lên đường truyền giáo, và không loại trừ chung quanh còn có đại chúng. Thầy trò đang vui vẻ đàm đạo thì xảy ra việc trong đại chúng có kẻ thông luật bỗng đứng lên thử thách Chúa. Giả dụ hôm đó không có sự thử thách nọ, ắt không có dụ ngôn người Samari tốt lành, vì Chúa đâu có soạn sẵn giáo án để mà đem bài học luân lý ấy truyền dạy mọi người.

Sự thử thách bất chợt đến với Chúa là cái duyên 緣. Duyên là nguyên cớ (cause, reason), cũng là cơ hội (opportunity), là hoàn cảnh (situation, conditions, circumstances). Chúa vốn không có chủ ý trước, không hề lên kế hoạch sẽ dạy dụ ngôn ấy; nhưng bởi có duyên kia phát sinh mà Chúa bèn nương theo đó kể chuyện người Samari tốt lành. Nói theo thuật ngữ đạo học phương Ðông, Chúa đã tùy duyên giáo hóa 隨緣教化 (preaching in accordance with conditions).

 

Nhiêu Lộc. 07-8-2020

 

HUỆ KHẢI

______________________________________

1 Bản dịch 2011 của Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm