Với bà H, có con dâu là một diễm phúc, một niềm vui lớn, bởi mình không hề mang nặng, đẻ đau, không mất công nuôi dưỡng..., thế mà đùng một cái, chỉ qua vài nghi lễ trang trọng, là đón một cô con gái về nhà mình. Khi con trai đi vắng, con dâu thủ thỉ trò chuyện với mình. Vậy mà không vui thì thế nào mới là vui?
![]() |
Ảnh minh họa |
Với việc nhà, việc cửa, lúc trước, bà hơi khó tính với con gái vì theo bà, phải rèn dạy cho con biết việc tề gia, nội trợ để khi lấy chồng khỏi bỡ ngỡ. Còn với con dâu thì phải thương, kẻo cô ấy buồn, tủi thân vì đã xa nhà về nhà chồng… Mỗi khi con dâu phạm lỗi gì, bà không nỡ quát mắng như vẫn quát con ruột của mình, bà nghĩ các con mình sống cạnh mẹ mấy chục năm trời mà có đứa nào vừa ý mình hết đâu, huống gì một cô gái lạ lẫm, non trẻ chân ướt chân ráo về nhà mình, làm sao mà cô đủ tế nhị để hợp ý chiều lòng cả nhà chồng nổi? Bà nhớ lại có lần xuống bếp, nhìn thấy nồi xương hầm đang sôi, ngọn lửa vẫn cao, nhìn vào nồi thì nước không ngập xương. Nếu là con gái, bà đã la ngay vì căn dặn nhiều lần mà cứ quên. Nhưng với con dâu, bà từ tốn chỉ bảo tại sao phải làm vậy. Tâm sự với hàng xóm, bà vẫn bảo: “Tôi luôn ngăn mình nặng lời với dâu vì sợ con tủi thân. Con dâu cũng hay quên, nhưng rồi tôi lại nhớ con mình có khác gì đâu. Vả lại, còn có cớ để dung thứ, bỏ qua: dâu của tôi là con gái út trong gia đình. Như con út tôi đó, bị mẹ và các chị quát mắng thường xuyên mà vẫn tái phạm. Mình phải biết bỏ qua những bực bội nhỏ nhặt để tận hưởng niềm vui lớn”. Khi được chị hàng xóm hỏi về niềm vui lớn này, bà H khoe: “Đây, chẳng hạn từ khi có vợ, con trai tôi nghiêm túc hẳn lên, bỏ thói la cà, đi chơi khuya bắt mẹ đợi cửa. Khi nào nhìn thấy nó giúp vợ lau nhà, rửa bát, nấu cơm…, tôi thấy hả lòng hả dạ quá đi...”. Rồi bà lý giải thêm trước câu hỏi cắc cớ của người hàng xóm “nó giúp vợ nó chứ có giúp mẹ nó đâu?”: “Đúng, lúc trước con trai không giúp mẹ, còn tôi thì không hề được chồng giúp đỡ nhưng chính vì thế mà giờ thấy cảnh ấy mình lại vui”.
Khi con gái bà nói mỉa mai rằng “con trai mẹ tự nhiên chăm chỉ chả khác gì ô sin…”, bà liền bảo cô, nếu cô lấy chồng có muốn được chồng giúp đỡ như vậy không, và còn giải thích “rồi bọn con sẽ lần lượt có gia đình riêng, không có thời gian mà thăm nom, săn sóc mẹ…”.
Bà đón con dâu như đón một món quà quý, coi cô ấy như đứa con đang còn bỡ ngỡ, phải tập tành, dạy dỗ cho quen dần mọi thứ. Đôi lúc bà cũng nhận thấy mình có chút thiên vị con dâu so với con gái nhưng rồi nhớ lại lúc mới về nhà chồng, mình khổ sở bao nhiêu nên mềm lòng, vì không muốn thấy cảnh đó tái diễn trong nhà. Khi các con gái muốn “thử thách” chị dâu nhằm truy tìm nhược điểm của chị, bà khuyên con phải biết thông cảm và cho chị dâu một thời gian thích nghi chứ đừng xét nét chị quá. Bởi theo người mẹ chồng này, “dẫu là người lạ cũng không nên, huống chi người ấy đã là người nhà của mình rồi”.
Chị em hàng xóm thấy vậy, nể bà lắm. Họ bảo bà là người mẹ chồng tuyệt vời. Họ còn thấy được mấy năm nay, bà mẹ chồng này luôn tươi rói, yêu đời hẳn. Con dâu bà giờ đây đã thành thạo, giỏi giang việc nhà lắm rồi. Các dịp Tết lễ, cô không chỉ nấu được nhiều món mà món nào cũng ngon, bày biện đẹp mắt. Đã vậy cô còn biết chế biến các món chè, mứt hoa quả tuyệt ngon, “ăn đứt” cả mấy người con gái của bà, khiến các cô này cũng phải khâm phục.
Được nàng dâu như vậy sao mà không vui vẻ, không tươi trẻ được cơ chứ…?!
NHỮ THỊ MỸ HIÊN (Hà Nội)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.