Thứ Tư, 25 Tháng Chín, 2019 16:05

“Giác quan chủ nhật”

 

Là “trên cơ” giác quan thứ 6 đến hai bậc! Là khả năng phi phàm phán đoán, cảm nhận được cả vườn cải ven sông khi nó mới chỉ là 1 hạt cải bay trong gió. Mà nó không phụ thuộc vào trình độ cho bằng tốc độ xứ lý thông tin!

Thông thường, người ta hay nhắc đến 5 giác quan trên cơ thể con người là thị giác (mắt), thính giác (tai), khứu giác (mũi), vị giác (lưỡi) và xúc giác (da). Theo tiến sĩ Howe thuộc trường Ðại học Melbourne: “Sự thật là, nhiều người có thể cảm nhận, linh cảm, tưởng tượng được một điều gì đó mà không cần phải dựa vào giác quan truyền thống như nhìn, nghe, nếm, ngửi và chạm để xác định. Khả năng này được cho là giác quan thứ 6 - ESP (Extrasensory perception)”.

Bỏ qua trực giác hoặc linh cảm mang tính mập mờ và trừu tượng, tôi muốn nói đến những người phát triển giác quan thứ 6 của họ lên thành “giác quan thứ bảy, chủ nhật”, đến độ trở nên đa nghi, ghen tuông mù quáng, suốt ngày đưa ra lời “tiên tri” về người yêu/bạn đời/người xung quanh. Họ cứ ngỡ mình có khả năng... ngoại cảm, đoán đâu trúng đó, có thể “bóc trần” suy nghĩ thực của đối phương ngay cả khi đối phương cố tình che giấu. Sống với họ chẳng khác nào bị đem ra nghiên “kíu”, phân tích, theo dõi, thỉnh thoảng lại bị chụp mũ, kết tội.

Kết quả hình ảnh cho nghi ngờ

Họ đứng ở đâu trong thế gian?

Có lẽ trong đời sống, ta thường gặp ít nhất 3 nhóm người và họ thuộc nhóm 2:

Không hề nghi ngờ ai, luôn thanh thản, dễ chịu, nhìn đời bằng cặp kính màu hồng. Nếu có ai đó đối xử không tốt, thậm chí lừa gạt, cũng dễ dàng cho qua. Với quan điểm: “Cuộc sống ngắn ngủi, nên sống tốt và tin yêu mọi người”, đôi khi trong tình yêu hôn nhân, họ chịu thiệt thòi vì bị lừa gạt, qua mặt, phản bội.

Người đã bị nhiều vố nặng trong cuộc đời, tự bao quanh mình một vòng vây nghi ngờ, xét đoán dày đặc. Nghi ngờ ngay chính bản thân, không cho phép ai vượt qua quan điểm, tư tưởng của mình, điều đó gây khó khăn cho chính họ. Tình yêu, hạnh phúc luôn sóng gió vì những suy nghĩ, phân tích đầy nghi ngờ của họ.

Biết lúc nào cần nghi ngờ, lúc nào cần tin tưởng, lúc nào cần cho qua. Họ thông minh, nhạy cảm, thận trọng, đo lường được sự trung thực của sự việc. Do vậy, biết đặt nghi ngờ đúng chỗ, không khiến người bị nghi ngờ phải buồn bực.

Ðối tượn nào hay bị

“vào tầm ngắm”?

1. Tất nhiên đứng đầu bảng phải là những kẻ đáng nghi ngờ, đã từng dính “phốt”, nay lại “ngựa quen đường cũ”.

2. Tính tình trăng hoa bay bướm, thích theo đuổi chinh phục, thích tán tỉnh.

3. Ngoại hình bắt mắt, trau chuốt vẻ bề ngoài, có nhiều vệ tinh xoay quanh.

4. Thái độ tươi cười, nói hay, “thính thơm”, quan hệ rộng.

5. Những nghề nghiệp dễ dẫn đến cơ hội bị cám dỗ: có quyền, có nhiều tiền, phải luôn “đầu tư” cho vẻ bên ngoài (nhà, xe, trang phục) như nghệ sĩ, diễn viên, ngoại giao, đi công trình nay đây mai đó…

6. Nhiều dấu hiệu khả nghi: thay đổi đột ngột về mặt hình thức không có nguyên nhân, giờ giấc đi lại làm việc không rõ ràng, chi tiêu tài chính không minh bạch, khư khư quản lý điện thoại, có những cuộc gọi “ngoài giờ hành chính” với thái độ, giọng nói câu chuyện lấp lửng, to nhỏ bất thường…

“Giác quan chủ nhật” có lợi hại gì cho tình yêu và hôn nhân?

Lợi ở chỗ nó canh giữ sự chung thủy. Có thể ví, trong cơ thể gia đình, tình yêu là hồng cầu, nghi ngờ ghen tuông là bạch cầu. Nếu hồng cầu nuôi sống cơ thể thì bạch câu bảo vệ cơ thể trước sự viêm nhiễm. Một người không nhận biết và đề phòng được những nguy cơ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của mình thì đôi khi mù quáng, thiếu khôn ngoan.

Có hại ở chỗ, dù là đàn ông hay phụ nữ thì việc ghen bóng ghen gió và có những hành vi xấu đều không thể chấp nhận được và đó là nguyên nhân của mọi sự rạn nứt. Tự đầu độc hạnh phúc của mình bằng thói nghi ngờ vô căn cứ là thiếu tôn trọng và tin tưởng người kia đồng thời bộc lộ sự tự ti, kém cỏi của mình.

“Giác quan chủ nhật” đưa đến sự ghen tuông mù quáng khiến đối tượng trở nên mệt mỏi, ức chế, tình yêu bị đe dọa, nhất là đàn ông khi ghen quá mức dễ hành động bạo lực. Một số phụ nữ liên tục cáo buộc chồng ngoại tình sẽ đẩy người chồng vào ngoại tình thực sự.

Vậy thì, hãy “nói có sách mách có chứng”, đừng quá vin vào nghi ngờ mơ hồ của bản thân để suy đoán và ghen tuông thiếu văn minh nhé!

Ths-Bs LAN HẢI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm