Ngay sau ngày khai giảng năm học mới 2023-2024, thành phố Vinh (Nghệ An) xôn xao khi một tờ báo đưa tin về việc phụ huynh phản ánh giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học trên địa bàn thành phố nhắn tin thu tiền dạy kỹ năng sống cho học sinh một tuần/ tiết với “giá” 600.000 đồng cho một học sinh/năm học. Bài báo có ảnh chụp tin nhắn của giáo viên gởi phụ huynh, vấn đề khơi lên được số đông quan tâm, không chỉ ở Vinh, Nghệ An mà cả nước.
Nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh gần đây trở nên “hot”, trong xã hội, ngành giáo dục, cộng đồng mạng… Vấn đề giáo dục kỹ năng bị xem nhẹ trong thời kỳ dài ở học đường vốn đặt nặng học lý thuyết, yếu khâu thực hành và không hướng dẫn trẻ các kỹ năng cơ bản trong đời sống - các yêu cầu cần thiết của nền giáo dục hiện đại. Như một tất yếu theo quy luật cung cầu, phong trào rèn học kỹ năng sống rộ lên khắp nơi qua các lớp dạy bơi lội, nấu ăn, giao tiếp… Ngành giáo dục biên soạn giáo khoa cho các cấp phổ thông hình thành môn học “kỹ năng sống” đáp ứng yều cầu chính đáng của xã hội và trách nhiệm nhà trường. Nhưng, ở một số nơi, học sinh cũng chưa học môn này, nhất là những trường ở vùng quê. Người viết có dịp khảo sát một số học sinh THPT và THCS ở Bạc Liêu và Cà Mau với câu hỏi : “Em có học môn giáo dục kỹ năng sống không?”, câu trả lời là “không”… Việc giáo viên thu tiền môn kỹ năng sống một tiết mỗi tuần, học tại lớp như báo chí phản ánh, đã có những bình luận không đồng tình. Học phí 600.000 đồng là số tiền không nhỏ với các bé, chỉ với một môn học có thể bị cho là “phụ”.
Giáo dục kỹ năng sống trong xã hội ngày nay cũng thật quan trọng, thiếu kỹ năng thì trẻ dù có nhồi nhét bao nhiêu kiến thức cũng dễ rơi vào nỗi sợ vốn từng được nhắc nhiều: gà công nghiệp - cái gì cũng lúng túng, vụng về dù nói vanh vách về mọi thứ.
Cách cứu bạn bị ngạt, điện giật, đuối nước hay cách thoát hiểm khi đi lạc, kêu cứu ai khi bị bắt nạt… thuộc về kỹ năng… Yêu cầu về giáo dục kỹ năng cho trẻ nhiều, đa dạng. Xã hội hiện đại xuất hiện các vấn đề khiến trẻ phải ứng phó (trước đây không có hay chưa cấp bách như ngày nay): giao thông, điện, tiện nghi công nghiệp tự động gây tai nạn…
Trong khi nhà nước, nhà trường còn xoay xở, các cơ sở tư nhân nhân danh giáo dục kỹ năng để thu tiền, chất lượng rèn luyện kỹ năng chưa hẳn như mong đợi, vai trò gia đình nổi lên quan trọng với trẻ trong trang bị các kỹ năng sống.
Việc giáo dục kỹ năng sống, ngày trước vốn được ông bà cô chú anh chị em trong gia đình chăm chút cho trẻ hơn ngày nay do thời gian chưa eo hẹp bởi nhịp sống hiện đại, gắn kết gia đình và đại gia đình nhiều thế hệ còn chặt chẽ. Ông bà bố mẹ cõng bé trên vai ra đồng ra phố, dạy thủ thỉ cái gì cần tránh cái gì thân thiện, không được đến gần công trình điện, chỗ cheo leo cao, đi sát lề đường… Đọc truyện cổ cho bé nghe, giải thích cặn kẽ; giúp phân biệt rắn rết nguy hiểm, ở nhà vắng người lớn nên thế nào; đến đạp xe, bơi xuồng… Phụ huynh, hơn ai hết, truyền kinh nghiệm, trí khôn, sự nhạy cảm đời sống cho con cái mình hiệu quả hơn bất kỳ giáo viên giỏi nào hay cả chuyên gia. Cha mẹ, ông bà dạy con cháu bằng tất cả trách nhiệm, yêu thương, bởi ngôn ngữ tình thân. Vai trò của gia đình quan trọng hàng đầu để dạy kỹ năng cho trẻ.
Chỉ một tiết một tuần ngồi trong lớp thì dạy kỹ năng gì và học trò có thực sự được trang bị kỹ năng sống một cách hiệu quả? Không ít người đã đặt câu hỏi này trước sự việc được phản ánh trên.
Gia đình hãy thương yêu và dạy kỹ năng cho con em mình ngay trong đời sống thực tế, như đã từng được thế hệ trước chỉ dẫn cũng bằng yêu thương, “kênh” ấy vốn từ đời này qua đời khác, chia sẻ kỹ năng cho biết bao thế hệ.
Nguyễn Thành Công
Bình luận