Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Một, 2022 22:11

Giáo dục trẻ ở thời kỳ sớm theo phương pháp Montessori

 

Những năm gần đây, trường mầm non tại Việt Nam đưa vào phương pháp giáo dục Montessori. Ðây là phương pháp giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu, kinh nghiệm của bác sĩ - nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870-1952). 

Năm 1894, Maria Montessori tốt nghiệp Y khoa, Đại học Roma. Đến năm 1899, bà bắt đầu nghiên cứu về giáo dục trẻ em, dựa trên một số khái niệm do bác sĩ E. Séguin khởi xướng. Bà viết sách về phương pháp giáo dục do mình triển khai, như bà chia sẻ:“Tất cả những tương tác của ta với trẻ thơ rồi sẽ kết trái, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong con người trưởng thành của đứa trẻ về sau”.  

Trong quyển Tâm trí thấm hút(*), tác giả cho người đọc nhận ra những năng lực trí tuệ độc đáo - năng lực khiến cho đứa trẻ có khả năng kiến tạo và thiết lập một cách vững chắc tất cả những đặc tính của nhân cách con người chỉ trong vòng vài năm mà không cần tới giáo viên, không cần bất kỳ sự trợ giúp giáo dục thông thường nào. Theo bà, thành tựu của một sinh linh được sinh ra với những tiềm năng lớn lao nhưng yếu ớt về mặt thể chất và trên thực tế, không có bất kỳ một trải nghiệm đời sống tâm thần nào; một sinh linh có thể được coi là con số không nhưng chỉ sau sáu năm đã vượt trội hơn tất cả các sinh vật khác, thật sự là một trong những bí ẩn lớn nhất của sự sống

Maria Montessori được xem là người tiên phong phương pháp giáo dục sớm. Dựa trên sự quan sát tường tận và đánh giá đúng đắn, bác sĩ Montessori đem đến một cái nhìn sâu sắc lên hiện tượng ở thời kỳ sớm nhất vì đó cũng là thời kỳ tiên quyết nhất trong đời sống một đứa trẻ, mà người lớn phải gắn với trách nhiệm này. Bởi vì, “Trẻ thơ được phú ban cho một năng lực bí ẩn và cái năng lực vô danh này hướng dẫn chúng ta đến một tương lai xán lạn hơn. Giáo dục không còn chỉ là sự trao truyền kiến thức, nó phải đi theo một con đường khác. Việc chú trọng đến nhân cách, phát triển các tiềm năng của con người phải trở thành trung tâm của giáo dục”.

Một trong những nguyên tắc được Montessori nói đến nhiều nhất là “sự chuẩn bị môi trường”. Ở giai đoạn này, trước khi đứa trẻ đến tuổi đi học, nguyên tắc này cung cấp chìa khóa dẫn đến nhận thức về việc giáo dục từ khi mới sinh về việc nuôi dạy, một cách đích thực, một cá thể con người ngay từ buổi khởi đầu. Điều bà viết thật đáng suy nghĩ:“Cũng như con người đầu tiên bước đi trên mặt đất và sau này canh tác trên đó mà không hề biết đến hay quan tâm đến những kho báu mênh mông đang nằm khuất kín sâu bên dưới, con người ngày nay tiến bộ về văn minh mà không hề biết đến các kho của cải đang nằm chôn vùi bên trong thế giới tâm thức của trẻ thơ”.

Ngày nay, hệ thống giáo dục do Maria Montessori sáng lập có mặt ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, đã góp phần tạo dựng một nền tảng thiết yếu và đích thực cho sự giáo dục trẻ em nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và tiến bộ cho nhân loại.

 

Bảo Lâm

 

---------------

(*) Tâm trí thấm hút, tác giả:

Maria Montessori; VMEF chuyển ngữ -

NXB Thế giới
 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm