Trải qua thời gian cách ly xã hội và những hạn chế trong mùa dịch Covid-19, đời sống thiêng liêng và thường nhật của người giáo dân hẳn sẽ có những hụt hẫng. Các chương trình mục vụ của Giáo hội nói chung hay các xứ đạo nói riêng nên được đẩy mạnh hoặc quan tâm, tăng cường điều gì để bù đắp những hụt hẫng ấy khi các sinh hoạt trở lại bình thường ? Những thao thức, mong đợi của người giáo dân dưới đây, dù chưa phải là tất cả nhưng hy vọng thắp lên những đốm sáng, giúp Giáo hội có thêm ý tưởng và động lực để tiếp tục lan tỏa Tin Mừng trong thế giới hôm nay.
QUAN TÂM ÐẾN NHỮNG GIA ÐÌNH KHÓ KHĂN, NGUỘI LẠNH…
![]() |
Ông Trần Huy (Giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, TGP TPHCM) : Trong những tuần không có thánh lễ cộng đoàn ở nhà thờ để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, giáo dân được các vị chủ chăn giới thiệu và mời gọi tham dự thánh lễ trực tuyến (online). Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng có truyền hình kết nối internet hay máy tính, điện thoại thông minh để mở thánh lễ trực tuyến mà dự, nhất là những nhà nghèo, nhà có nhiều người già. Mấy nhà có điều kiện cũng không thể “mời” hàng xóm đến cùng tham dự, vì thời gian này phải tuân thủ yêu cầu “giãn cách xã hội” của Chính phủ. Vì vậy, sẽ có những người không chỉ khó khăn mà còn nguội lạnh đời sống đức tin trong thời gian dịch bệnh. Tôi nghĩ, đây cũng là một trong những vấn đề mà “hậu covid”, Giáo hội cần quan tâm. Nên chăng các linh mục hoặc các vị hữu trách trong Giáo hội, xứ đạo có kế hoạch đến thăm những gia đình rơi vào khủng hoảng cả vật chất lẫn tinh thần để động viên, giúp đỡ họ!
LỒNG GHÉP THÊM VIỆC GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO THIẾU NHI
![]() |
Anh Ðặng Thế Linh (Giáo xứ Bình Thuận, TGP TPHCM) : Khi dịch bệnh hoành hành, gây ảnh hưởng nặng nề trên thế giới, chúng ta mới có dịp nhìn lại cung cách sống lâu nay của mỗi người, trong đó có vấn đề vệ sinh, phòng ngừa bệnh. Trong các khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh của Chính phủ và Bộ Y tế, luôn nhấn mạnh chuyện người dân cần rửa tay thường xuyên. Ðiều này khiến tôi nghĩ đến việc giáo dục cho con em chúng ta thói quen này từ khi còn nhỏ để các em hình thành thói quen sạch sẽ, không những giúp phòng bệnh này mà có thể tránh được những bệnh lây nhiễm khác nữa. Giáo dục nơi gia đình, trường học có khi chưa đủ, mà còn cần sự chung tay của giáo xứ nữa. Bởi vậy, khi mở lại những khóa giáo lý cho thiếu nhi, bên cạnh việc giúp các em thêm lòng yêu mến Chúa thì các cha, các sơ và giáo lý viên làm sao lồng ghép thêm hoặc có những giờ sinh hoạt để truyền đạt cho thiếu nhi những bài học về kỹ năng sống, nhấn mạnh kỹ năng phòng tránh bệnh lây nhiễm, như tránh sự lây lan vi rút corona qua việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân và ý thức tránh lây cho người khác khi ho, hắt hơi…
NHỮNG ƯU TIÊN KHI SINH HOẠT TÔN GIÁO TRỞ LẠI SAU DỊCH BỆNH
![]() |
Chị Bùi Hoàng Ngọc Diễm (Giáo xứ Fatima Bình Triệu, TGP TPHCM) : Mùa Chay và lễ Phục Sinh năm nay rơi vào mùa dịch Covid-19 nên việc giải tội ở các xứ đạo không thể diễn ra hoặc diễn ra một cách hạn chế, không như những năm trước đây, vì thế khi xã hội nới lỏng việc giãn cách và kiểm soát được dịch bệnh, thiết nghĩ các giáo xứ nên tổ chức ngay chương trình giải tội để đáp ứng nhu cầu lãnh nhận Bí tích Hòa giải của giáo dân. Các vị mục tử có thể sắp xếp thời gian để đến thăm viếng những bệnh nhân, người đau yếu trong xứ, cho họ lãnh các bí tích cần và rước Mình Thánh Chúa. Dù nhà thờ mở cửa trở lại song các tín hữu đau yếu này cũng không thể đến tham dự thánh lễ và các sinh hoạt với cộng đoàn, nên đời sống tinh thần hẳn sẽ thiếu thốn. Mặt khác, khi các lớp giáo lý được mở lại, Ban Giáo lý ở các xứ nên thiết kế thêm các hoạt động ngoài trời cho thiếu nhi bởi thời gian nghỉ và giãn cách vì dịch bệnh, các em phải ở trong nhà nhiều, có thể chồn chân, giờ lại phải học liên tục trong phòng sẽ dễ sinh cảm giác bí bách, khiến việc học không đạt hiệu quả cao. Cũng thời gian dịch bệnh, do không đến nhà thờ được, nhiều Kitô hữu đã hình thành thói quen cầu nguyện trực tuyến. Việc này cũng giúp họ kết nối được với Thiên Chúa thông qua công nghệ hiện đại, do đó chương trình này nên được duy trì và phát triển thêm cho phong phú, đặc biệt hướng đến giới trẻ, là giới vốn gắn nhiều với hoạt động công nghệ trong đời sống hằng ngày.
GIÚP NGƯỜI NGHÈO TRONG SỰ LIÊN ÐỚI
![]() |
Ông Vũ Minh Chính (Giáo xứ Tân Hòa, TGP TPHCM): Sau đại dịch Covid-19, sẽ có rất nhiều hoàn cảnh phải khó khăn do không kiếm sống được trong thời gian cách ly hoặc thất nghiệp, đặc biệt những mảnh đời không nơi nương tựa. Xã hội cũng đã chung tay giúp đỡ họ nhiều nhưng vẫn chưa đủ. Giáo xứ, Giáo hội là nơi chia sẻ tình yêu thương, bác ái, không chỉ cho cộng đoàn các tín hữu, giáo dân của mình mà còn cho cả những người ngoài đạo. Sự đoàn kết của các giáo xứ lúc này là rất cần thiết. Xứ này liên kết với xứ kia để cả giáo phận, Giáo hội cùng chung tay vào việc bác ái từ thiện. Những xứ có đời sống kinh tế khá hơn, vẫn có thể vận động giáo dân đóng góp hoặc nhận sự hỗ trợ để chuyển tới những xứ khó khăn. Các vị mục tử hãy khích lệ các thành phần giáo dân để trở nên những cánh tay nối dài, giúp người nghèo vượt qua khó khăn hiện tại theo truyền thống tốt đẹp của người Việt “lá lành đùm lá rách”. Mỗi xứ có thể triển khai việc bác ái trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ rồi xuống tới các giáo khu, tìm hiểu những gia đình khốn khó trong khu vực để hỗ trợ kịp thời. Nếu được mời gọi, những nhà có điều kiện hẳn cũng sẽ góp phần vào quỹ từ thiện này, để mùa dịch qua đi, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau...
TẬN DỤNG MẠNG INTERNET TRONG TRUYỀN THÔNG
![]() |
Chị Lưu Thị Diễm (Giáo xứ Bùi Môn, TGP TPHCM) : Tôi cũng quan tâm, mong đợi các tổ chức tôn giáo, nhất là Giáo hội mình có những gói hỗ trợ cho dân nghèo, người nhập cư với các món quà thiết yếu và tiền mặt. Trong thời gian qua, một số nơi cũng đã làm, cần tiếp tục phát huy vì người nghèo vẫn luôn cần sự hỗ trợ, trong mùa dịch và cả khi dịch qua đi để ổn định cuộc sống, bởi đói kém, khó khăn dễ làm con người ta xa Chúa, và thực tế “có thực mới vực được đạo”. Kế đến, tôi để ý đến lãnh vực truyền thông Công giáo. Vừa rồi, khi cả xã hội phải sống “giãn cách” để phòng tránh bệnh, thì hầu như người dân ở nhà theo dõi mọi thông tin qua mạng xã hội, internet. Trước khi có dịch bệnh, giới trẻ cũng là thành phần tiếp cận nhiều với thế giới qua mạng, thế nên Giáo hội có thể tận dụng xu thế này để tiếp tục có những phương thức lan truyền Tin Mừng qua công nghệ số. Các giáo xứ có thể đến gần với giáo dân hơn thông qua “Giáo xứ Facebook”, cụ thể là mỗi giáo xứ (hoặc đoàn thể) nên cập nhật các hoạt động lên trang FB đó (ví dụ: hoạt động tháng Hoa Mân Côi, lịch khai giảng Giáo lý Hôn nhân, 1 phút cầu nguyện, clip truyền cảm hứng, mẩu truyện ngắn....) để đem Chúa đến với giáo dân qua hình thức online. Trong việc này, cũng nên lưu ý kiểm soát, chọn lọc nội dung trước khi đăng tải và đảm bảo trang FB là chính chủ; thường xuyên rà soát để ngăn chặn những trang FB giả mạo nhằm mục đích xuyên tạc, gây hoang mang và làm hại đến hình ảnh tôn giáo.
LIÊN GIANG (thực hiện)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.