Có nhiều ngọn gió thổi qua đời người, nhưng ám ảnh tôi vẫn là gió Tết. Ngọn gió se se cắt da. Nhưng cái hơi hướng heo may mà nó mang lại, thì háo hức đáo để. Gió heo may đã về, là Tết sắp về!
Ngày thơ bé chị tôi thường hát : “Cu kêu ba tiếng cu kêu / Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè...”. Ý nghĩa của cây nêu thì tôi không hiểu, nhưng nó là dấu hiệu của niềm vui. Trong cơn gió mang hơi Xuân, chị em tôi vẫn bâng khuâng ngóng đợi Tết về.
![]() |
Ngày ấy xa rồi, nhưng ký ức về nó thì ngọn gió Tết luôn lưu giữ trong trái tim lang bạt của mình.
Những ngày chờ Tết, người người dọn nhà dọn cửa, đi chợ sắm sửa... Chúng tôi đợi ngày mẹ gói bánh chưng bánh tét để được ngồi canh chừng bên bếp lửa.
Nhiều gia đình, bên cái háo hức lo toan còn có nỗi đợi chờ người đi xa trở về. Nỗi mong gởi vào ngọn gió khắc khoải. Gió lạnh. Gió kéo xạc xào hàng chuối khô. Ngoài ngõ nhỏ hoa vạn thọ, hoa cúc vàng co mình đơm bông... Và chậu mai khẳng khiu trước hiên nhà trơ trọi bật nở nụ cười e lệ, ấm áp. Trước Tết, cha tôi đã đem mai vào nhà, buộc vào những tấm thiệp Xuân xinh xắn cho gió đung đưa.
Cành mai tô điểm cho ngôi nhà nét rạng rỡ cùng những lời chúc Tết mộc mạc nghĩa tình, là dấu ấn không phai mờ trong tâm trí tôi.
Sau này dù có những cơn bão đời xô dạt khắp xứ, nhưng ngọn gió Xuân thì luôn gợi nhớ; luôn mở ra bao nhiêu mơ ước về một buổi Nguyên Ðán tuyệt đẹp của đời người...
NGUYỄN THÁNH NGÃ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.