Sinh ra trong một gia đình Công giáo, hiện đang sinh hoạt tại giáo xứ An Tôn (GP Nha Trang), họa sĩ Lê Vũ không những được người đời biết đến với nét vẽ tài hoa, mà còn được nhiều tín hữu kính trọng qua nhiều tác phẩm và công trình nhà đạo. Những dịp như Giáng sinh, ông cũng không câu nệ, sẵn sàng góp sức, góp tài vào việc trang trí máng cỏ, làm đẹp nhà thờ… Mục đích, như ông thường nói, là muốn mang Chúa đến với tất cả mọi người bằng khả năng của mình... Từng nét bút, từng bức tranh, ông đều gởi gắm tình con thảo và niềm cậy trông tin yêu vào Thiên Chúa, và ít nhiều mong muốn giúp giáo dân thêm phần sốt mến, thánh thiện khi đến tham dự thánh lễ.
![]() |
Họa sĩ Lê Vũ sinh năm 1949, quê ở Quảng Nam, là con trai duy nhất trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng cổ nhưng ông đã không nối nghiệp cha (NSƯT Lê Quang Hảo). Học hết trung học ở quê, ông vào Hội An học vẽ với một người thầy giỏi, rồi theo đoàn tuồng Thùy Dương của cha đi diễn khắp các tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên với vai trò họa sĩ vẽ áp phích và phông màn. Sau nhiều năm lưu lạc ở đất khách quê người, ngoài 20 tuổi, chàng thanh niên Lê Vũ quyết định tìm về vùng biển Nha Trang lập nghiệp. Có nghề giỏi sẵn trong tay, ông dễ dàng kiếm sống bằng việc vẽ áp phích quảng cáo cho các phim ở rạp Nha Trang những năm đầu mới xây dựng. Ông khoe như trải lòng với khách : “Rất nhiều nghề kiếm sống như kịch, họa, văn, thơ, quay phim dịch vụ, chơi trống và cả kinh doanh quảng cáo, nhưng đến phút này, nghề còn tồn tại vững vàng nhất là vẽ, bởi đó cũng là sở thích và giấc mơ”. Mà cũng phải, trong bộ sưu tập của ông treo ở phòng khách, tôi nhẩm đếm có Huy chương vàng Tấu trống; Huy chương bạc tiết mục Kịch câm “Biên giới” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Khánh Hòa năm 1981; Huy chương vàng Thiết kế sân khấu - Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội năm 1986; Huy chương vàng Tấu trống, Huy chương vàng cá nhân xuất sắc tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Quân khu 5 năm 1981. Ngoài ra, ông còn là Chủ nhiệm CLB Thư pháp - Thư họa tỉnh Khánh Hòa.
![]() |
Lê Vũ bên bức tranh Mẹ Têrêsa |
Khi đã nổi tiếng với nét cọ, ông thử sức trong lĩnh vực thiết kế phim truyện với bộ phim đầu tay mang tên “Vĩnh biệt chân trời cũ”, sau đó có chút vốn trong tay ông thành lập công ty riêng quảng cáo tại nhà. Ngoài ra, ông còn tự tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời nhiều bức thư họa về những nhân vật nổi tiếng như Yersin, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng... Nổi bật là chữ “Bác ái” với hình Đức Giêsu, được rất nhiều lời khen trong cuộc triển lãm đầu tiên của ông mang tên “Hồn Chữ Việt” năm 2001. Ông nói : “Cái khó nhất của môn nghệ thuật này là bắt được nét chính của nhân vật muốn vẽ, tìm chữ chính tên của họ mà tạo hình, nhìn dễ đọc, không gượng ép phá chữ. Nhất là phải giống nhân vật muốn vẽ. Đó là điều không dễ, bởi ký họa bình thường cũng đã khó giống rồi...”.
Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, năm 2010, họa sĩ Lê Vũ đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “Người vẽ thư họa danh nhân thế giới nhiều nhất” với hơn 100 bức. Trong gian phòng làm việc của ông luôn có những bức tranh về các danh nhân nổi tiếng và bức tranh đa tôn giáo. Lê Vũ quan niệm rằng, tất cả các tôn giáo đều thể hiện sự yêu thương con người cũng như luôn đồng cảm, sẻ chia với đời sống nhân loại.
![]() |
Ngoài hội họa, Lê Vũ còn viết văn, làm thơ |
Dù bận bịu với công việc và niềm say mê nghệ thuật hội họa, nhưng Lê Vũ luôn dành thời gian cho việc nhà xứ, ông xem đó là bổn phận và trách nhiệm của mình. Khi mỗi dịp lễ lớn, cần đến bàn tay điêu luyện, ông đều đến trang trí hoặc thiết kế với sở trường của mình. Ông cắt nghĩa, tất cả mọi đóng góp của mình nơi nhà xứ chỉ đơn giản là dùng món quà Thiên Chúa ban để phục vụ lại với vai trò là người Kitô hữu. Hôm chúng tôi ghé thăm, nhiều bức tranh về Chúa và Mẹ Maria đang được ông bày biện, chuẩn bị Noel. Ông giải thích : “Mình đang chuẩn bị làm hang đá ở nhà thờ, sắp tới sẽ tất bật nhiều nhưng vui lắm !”.
Bây giờ, ở tuổi 67, điều mà người họa sĩ già đa tài mong muốn là được cống hiến sức mình cho việc nhà Chúa. Theo ông là để “Tạ ơn Người, tạ ơn đời…”.
Phạm Yên
Bình luận