Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2019 15:27

Giữ cho các công trình nhà đạo bền lâu

 

Những di sản trăm năm đều là thành quả của một quá trình dài bảo tồn với biết bao nhiêu tâm huyết của lớp người đi trước. Cần có sự chung lòng chung sức bảo vệ để luôn là điểm tựa đức tin cho thế hệ mai sau.

 

SẴN LÒNG ÐÓNG GÓP SỬA CHỮA

Ông Nguyễn Trọng Hiếu (Gx Phanxicô Xaviê, TGP TPHCM): Bà con giáo dân trong xứ đều yêu quý và tự hào vì có được một ngôi thánh đường khá lâu đời. Trải qua bao năm tháng, các công trình gắn với họ đạo ở vùng Chợ Lớn này vẫn là một nét đẹp khó phai lẫn. Giáo dân ý thức gìn giữ cơ sở vật chất chung. Mọi thành phần trong xứ đều rất sẵn lòng góp phần cải tạo, sửa chữa nhà thờ. Bởi ai cũng muốn giáo xứ thêm đẹp hơn và đặc biệt là giữ được những công trình của họ đạo mình.

 

NÉT ÐẸP TINH TẾ

Anh Phạm Ðào Nguyên (Gx Vinh Sơn, TGP TPHCM): Nhà thờ Vinh Sơn, quận 10 để lại trong tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Thoạt nhìn, nhà thờ rất giản dị nhưng càng ngắm kỹ càng thấy cái đẹp ẩn sâu bên trong từng chi tiết. Ðiểm tinh tế của công trình kiến trúc là những phù điêu, họa tiết tôn giáo được pha vào nhiều hình ảnh đậm chất Việt, những hàng balustrade cách điệu dáng tre, các thiên thần gợi dáng tranh Ðông Hồ, các câu chuyện tôn giáo trong các phù điêu đá chạm lõng kiểu bức bình phong mai - lan - cúc - trúc… Ðể có được nét đẹp đó, chắc hẳn người thiết kế và xây dựng đã rất tâm huyết. Trong thời gian gần đây, ngôi nhà thờ xuống cấp nên cha xứ với giáo dân đã hai lần trùng tu và xây dựng lại tháp chuông, chỉnh sửa mặt tiền. Nhà thờ là diện mạo của giáo xứ, vì thế trong việc bảo vệ, sửa sang dường như ai cũng quan tâm đóng góp, tùy theo sức mình. Giáo xứ có khuôn viên nhỏ thôi, mỗi lần đến đây lòng tôi lại dâng lên nhiều xúc cảm.

 

DẤU CHỈ ÐỨC TIN

Chị Nguyễn Mộng Kiều Trinh (Gx Thánh Tâm, GP Kontum): Cách đây 2 năm, lần đầu tiên tôi đặt chân đến ngôi nhà thờ Chợ Ðũi (Huyện Sỹ), một trong những nhà thờ cổ ở Sài Gòn. Ngay lập tức tôi bị thu hút bởi vẻ nguy nga, nét đẹp cổ kính với các chi tiết được chạm khắc cách tỉ mỉ. Ngôi thánh đường đã hiện diện như một dấu chỉ đức tin được bảo tồn. Tôi có tham gia ca đoàn và hát lễ chiều thứ bảy tuần thứ hai của tháng, tuy rằng chỉ lui tới một lần trong tháng nhưng tôi luôn ý thức rằng mình cần phải trân trọng những gì là thành quả của thế hệ trước để lại. Nếu có thời gian tham gia nhiều ở đây, tôi cũng sẵn sàng xin phụ giúp các hội đoàn trong việc dọn vệ sinh để làm cho nơi này luôn sạch đẹp. Lúc còn nhỏ và mỗi khi về giáo xứ quê nhà, tôi vẫn luôn cùng với mọi người chăm sóc từng góc nhà thờ. Dù đến nhà thờ nào, nếu tình cờ thấy một hành động thiếu ý thức, tôi sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở ngay.

 

DẠY EM NHỎ Ý THỨC

Chị Trần Thị Mỹ Duyên (Gx Bãi Xan, GP Vĩnh Long): Khi tôi sinh ra, ngôi nhà thờ của xóm đạo đã đứng đó, vững chãi. Xứ đạo tôi có bề dày hơn 200 năm, ngôi nhà thờ hiện tại cũng đã đồng hành với bà con qua từng năm tháng. Lớn lên ở vùng đất đạo hạnh này, hình ảnh nhà thờ đi vào ký ức của tôi rất sâu. Những ngày còn bé hay đi chơi trong khuôn viên, lớn lên thì học giáo lý, dự lễ, sinh hoạt các phong trào, sân nhà thờ là nơi nô đùa của bọn con nít cả xóm. Từ nhỏ, tôi đã được các dì và cha sở dạy phải gìn giữ nhà thờ bằng những việc cụ thể nhất. Ðối với thiếu nhi, cách tốt nhất là làm đẹp cảnh quan. Lâu lâu, lớp giáo lý cũng tổ chức đi nhặt rác xung quanh.  Các thầy cô giáo lý viên thì nhắc nhở không được vẽ bậy lên tường. Tôi thấy các cô chú, người lớn thỉnh thoảng lại có những buổi lao động chung, bày trí, sửa sang nhà thờ cho khang trang lại,  nhất là vào các lễ lớn như Giáng Sinh hay Tết… Bởi thế mà tôi cũng tự nhắc mình phải chăm sóc ngôi thánh đường thiêng liêng, nơi mà cả xóm làng tôi thường tề tựu sinh hoạt.

 

NHẮC NHỞ NHAU

Anh Nguyễn Thy Anh Tài (Gx Phước Hảo, GP Vĩnh Long): Về đến miền quê Phước Hảo, nhiều người ấn tượng với ngôi nhà thờ cổ của họ đạo. Nhà thờ này được xây từ thập niên 1930, tính đến nay đã trên dưới 80 năm. Tuy không quá lâu, nhưng nơi đây chất đầy ký ức của họ đạo từ những ngày cuộc sống bà con còn khó khăn. Vì thế, trong xứ ai nấy đều bảo ban nhau là gìn giữ nhà chung. Ði nhiều nhà thờ khác lâu đời hơn, tôi thấy việc bảo vệ, trùng tu được tổ chức rất công phu. Tỉ như nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn, mấy năm nay đã trùng tu rất công phu và cẩn trọng. Tôi thiết nghĩ, một ngày nào đó, rồi cũng sẽ tới lúc nhà thờ ở xứ tôi xuống cấp trầm trọng, cho nên việc kêu gọi, nhắc nhở nhau như hiện tại là rất cần thiết.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm