Trong thực tế, không ít trường hợp hai bên thông gia ít qua lại vì hoàn cảnh sống, điều kiện địa lý, công việc... gây trở ngại. Ðể mối quan hệ nội - ngoại được giữ lửa thắm thiết đòi hỏi sự nỗ lực từ hai phía...
![]() |
Hai bên sui gia thường gặp gỡ nhau trong dịp sinh nhật của con cháu…- Ảnh : HL
|
Khi ông bà hai bên thuận hòa cũng là yếu tố giúp gia đình hạnh phúc, êm ấm hơn. Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (37 tuổi, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ tâm niệm như vậy nên khi thường nhật, chị luôn cố gắng để giữ gìn sợi dây thân ái nội - ngoại: “Khi có gia đình, không phải chỉ lo cho mái ấm mà thôi nhưng còn nghĩ tới hai bên và gắn kết ông bà với nhau. Cha mẹ cả hai tới lui thuận thảo, vợ chồng trẻ chúng tôi đều vui”. Nghĩ thế nên vợ chồng chị, với vai trò ở giữa và là trung tâm thường nối kết hai phía. Anh Tâm, ông xã chị Tiên kể: “Thường vào dịp sinh nhật các cháu, ông bà nội ngoại đều có mặt đông đủ. Ngoại thì ở xa hơn nên ngoại chịu khó đi xe đến trước, nhờ vậy, ở chơi với các cháu thêm được vài ngày. Tới khi đám sinh nhật, các cháu cũng thấy ấm cúng, niềm vui trọn vẹn vì có ông bà ở cạnh”. Anh cũng cho hay, vì ở trung tâm thành phố nên thường chọn các quán ăn để bày đám. Ông bà và chính anh chị cũng đỡ cực mỗi khi có dịp gì. Khác với ngày trước hay tổ chức ở tại nhà rồi dọn dẹp. Trong khi đó, gia đình anh thiếu nhân lực còn ông bà lớn tuổi nên chỉ muốn mỗi dịp vui để trọn thời gian gần gũi các cháu.
Không dừng lại ở việc hiện diện đầy đủ trong ngày vui của con cháu, nhiều ông bà thông gia còn giữ mối quan hệ bằng cách thường xuyên thăm hỏi nhau, điện thoại hoặc trao gởi quà. Ông Nguyễn Văn Nam (65 tuổi, Kế Sách - Sóc Trăng) cho biết, tình cảm đối với sui gia luôn nồng nhiệt. Đều là nông dân, đôi bên không quá xem trọng hình thức kiểu cách bên ngoài phô trương nhưng quan tâm tình nghĩa, bởi: “cái cốt là tình nghĩa ở đời” - ông nói và chia sẻ thêm: “Mỗi lần vợ chồng tụi nhỏ ghé thăm tôi, đều có quà bên ông sui gởi. Chục cam, trái dừa sáp, sầu riêng... tuỳ theo mùa. Rồi bên này cũng tặng lại con gà, con vịt... và nói với con về nhắn là ba gởi chút mồi nhắm. Lâu lâu có dịp gì gặp, hai ông lại ngồi với nhau chung mâm, chúc rượu, bàn chuyện vụ mùa mới, ôn lại chuyện xưa...”. Còn ông Lê Minh Trí (Quận 11, TPHCM) cho biết, đối với ông, những lời thăm hỏi trong đời sống tuy chỉ thỉnh thoảng nhưng lại ý nghĩa: “Thông gia thì thỉnh thoảng nên điện hỏi thăm. Không cần mỗi tuần, mỗi tháng mà dịp gì đó. Tỉ dụ như hồi dịch nặng ở Sài Gòn, lúc ấy chẳng làm gì nhiều, hai ông bà sui ngồi nói chuyện có khi mấy tiếng. Lâu lâu, vài tháng chúng tôi lại hỏi thăm sức khỏe. Nghe tin bên này, bên kia có ai đó bệnh đều lo. Rồi chẳng may có ai đau ốm, lời hỏi han cũng hết sức cần thiết. Nếu ở xa không thường xuyên qua lại trực tiếp thì thăm hỏi đã là nghĩa tình lắm rồi”. Ông bảo, vì thông gia cũng trạc tuổi nên không có chi ngăn cách, điều bất lợi nhất là khoảng cách xa. Vì thế, cả hai bên thường chuyện trò hỏi thăm sức khỏe, giữ mối giao hảo.
Ngày Tết, đối với nhiều gia đình, chọn lựa đi thăm ông bà là hiển nhiên. Nhưng với một số người, nhất là các thông gia mới, thường chọn cách gặp gỡ, nối kết nhau. Ông Nguyễn Văn Chiến (60 tuổi, Cần Thơ) cho biết, đã suốt 5 năm qua, kể từ khi kết thông gia, ông đều tới lui với nhà sui vào ngày Tết vừa để chúc tuổi vừa để giữ tình thân thiết: “Có khi bên ông ấy qua tôi, cũng có khi bên tui qua. Nhà xa nhau quá thì đi qua lại. Không ai thấy áy náy. Gặp gỡ chúc Tết, ăn với nhau bữa cơm, chúc mừng và lì xì cho con cháu. Vậy là vui”. Ông cũng quan niệm, một khi tình cảm đôi bên thông gia được thắm thiết, chắc chắn con cháu cũng an tâm làm ăn. Hơn nữa, ông cho rằng “Với bất kỳ quan hệ nào, cũng đều cần gìn giữ cho tốt, huống hồ gì đã có duyên làm thông gia. Thế nên, mình phải đàng hoàng, tử tế. Đều là người lớn cả”.
Cuộc gặp của các ông bà sui hay cuộc điện thoại có đôi khi chỉ bàn những chuyện thường ngày. Vợ chồng sấp nhỏ làm lụng ra sao? Đứa cháu lớn đã học lớp mấy, có ngoan không? Đứa cháu nhỏ vừa biết đi hay tập nói... Hôm qua, có điều gì vui buồn? Lúa trúng mùa hay thất mùa?... Những câu chuyện đời sống tưởng như đơn giản nhưng “gặp mặt thêm mấy phần thân”, bao nhiêu xa cách bỗng chút gần gũi. Người ta lại thấy tình cảm gắn kết nhau, ấm áp. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ có những cặp thông gia luôn niềm nở, bởi có những bất đồng từ nhiều nguyên do. Vì thế, để giữ cho quan hệ thông gia tốt đẹp cũng là vấn đề không dễ. Ông Lê Minh Trí cảm nghiệm: “Về điều này, tôi nghĩ cả hai bên rất cần thận trọng trong xử sự và cân nhắc tính quan trọng của vấn đề. Dẫu sao, sự hòa thuận, vì hạnh phúc của con cái vẫn là hơn hết”.
THIÊN KHÔI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.