Trước khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ thơ có một bước ngoặt khá quan trọng. Phải khuyên các em chăm sóc vệ sinh cơ thể mình thế nào để khỏe đẹp và nhất là không bỡ ngỡ khi gặp những biểu hiện phát triển giới tính (kinh nguyệt ở em gái, mộng tinh ở em trai) ạ ?
Một bộ đồ trong phòng vệ sinh của tuổi teen gồm những “món” gì ?
(Một thầy giáo chủ nhiệm lớp 6 trường Việt Úc)
![]() |
Dậy thì thường bắt đầu lúc 9 - 14 tuổi ở em gái, được đánh dấu bằng hiện tượng có kinh lần đầu. Các em trai dậy thì ở tuổi từ 12 - 15 với “giấc mơ ẩm ướt” (nữ “dậy” sớm hơn nam khoảng 2 - 3 tuổi). Giai đoạn chuyển tiếp từ nhi đồng sang thiếu niên được các nhà chuyên môn gọi là “tiền dậy thì”.
Hầu hết các trẻ khá lười tắm táp mỗi ngày và không tự giác làm vệ sinh cá nhân. Những bài học vệ sinh cơ thể đã được chỉ dẫn từ thời mẫu giáo và tiểu học nhưng nhiều bạn nhỏ… quên thực hành thói quen giữ vệ sinh hoặc rất lười biếng để tuân thủ chúng.
Phải ý thức việc chăm sóc vệ sinh răng miệng, chải răng hằng ngày sau bữa ăn và trước khi ngủ, dùng chỉ nha khoa (nhất là bạn nào “nghiện” nước ngọt, thực phẩm có đường dễ bị sâu răng, hôi miệng).
Rửa bàn tay và móng tay đúng cách thay vì lau vào các loại giấy ăn. Khăn giấy chỉ có tác dụng làm sạch tạm thời, sau đó vẫn phải rửa lại bằng nước vì hầu hết các loại giấy ăn đều không đảm bảo khử trùng hoàn toàn.
Rửa chân ít nhất mỗi ngày một lần, lau khô cẩn thận, chú ý lau các kẽ ngón chân. Phần lớn thời gian trẻ đều hoạt động với đôi chân mang giày, dép. Một đôi giày thấm mồ hôi là môi trường “ngon lành” cho vi trùng, nấm sinh sôi. Nếu chỉ có 1 đôi để đến trường, hãy thay ngay khi về đến nhà, giúp giày thoáng khí và hong khô mồ hôi trước khi dùng vào ngày hôm sau. Nên giặt giày hằng tuần.
Gội đầu khi cảm thấy đầu bẩn hoặc tạo thành thói quen gội đầu 3 lần/tuần, nhất là bạn nào có mái tóc dầu hoặc nhìn tóc thấy nhờn nhờn, bết bết. Ðể bảo vệ và giữ cho tóc khỏe, chỉ nên gội đầu với nước ấm chứ không nên dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Tranh thủ dùng khăn lau vành tai và lỗ tai. Lấy ráy tai bằng tăm bông tối đa 2 lần trong tháng, không cho que bông, móc tai kim loại vào sâu trong tai.
Dùng xà phòng dịu nhẹ làm sạch mặt, tay, chân, nách, háng. Ðặc biệt, tắm táp cho vùng kín thật sạch sẽ và khô ráo ít nhất 1 lần/ngày. Chú ý thay áo quần thường xuyên, nhất là đồ lót. Tránh mặc quần lót chật hay ẩm ướt, nhất là trong những ngày hè nắng nóng. Nên chọn quần lót màu trắng may bằng loại vải dễ thấm hút để dễ theo dõi dịch tiết.
Về cơ bản, việc vệ sinh ở cả hai phái giống nhau, có khác chăng từ dậy thì trở đi con trai vệ sinh quy đầu và con gái thay băng vệ sinh. Tuổi này chỉ dùng nước sạch để vệ sinh vùng kín là đủ, chưa cần dùng đến các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ bởi nồng độ xà phòng trong đó có thể làm thay đổi môi trường âm đạo.
Bộ đồ phòng tắm bao gồm: xà bông nhẹ, dầu gội đầu, bông tắm để dễ kỳ cọ sạch chất nhờn trên da, sữa rửa mặt.
Lược, bàn chải, khăn ăn, khăn tắm, quần áo, chai đựng nước uống mang theo khi đi học... là những vật dụng cá nhân, không bao giờ dùng chung với người khác vì chúng có thể là nguyên nhân lây bệnh sang nhau.
Cùng với việc mọc mụn trứng cá, ria mép, lông tay lông nách..., cơ thể các em cũng có mùi. Nếu bị chứng mồ hôi dầu, hôi nách hoặc “rau mùi” ở vùng ngã ba thì mới dùng đến các loại xà phòng có độ kiềm nhẹ hoặc sữa tắm để “giải tán” chúng. Các loại thuốc xịt có mùi thơm, lăn khử mùi hoặc nước xả vải còn sót lại trong quần áo đều có thể gây kích ứng cho da, do đó nên hạn chế sử dụng.
Không “buồn tay” nặn mụn, nhổ tóc “sâu”, cắn móng tay hoặc xé lớp da viền quanh móng, cậy lớp vảy đóng trên miệng vết thương trên da. Hạn chế ăn vặt những thực phẩm đường phố.
Có ai đó đã nói “Không có sự dạy dỗ nào để so sánh với sự làm gương”, người lớn không cần “giảng” nhiều cho bằng có nếp sống sống cho trẻ bắt chước. Ðừng coi việc giữ vệ sinh thân thể là việc “vặt”, hãy dành thời giờ trong ngày để thực hiện từ đầu đến chân như một trải nghiệm thú vị!
THẠC SĨ - BÁC SĨ LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.