Thứ Năm, 19 Tháng Năm, 2022 11:48

Giúp con phát huy tính sáng tạo và rèn các kỹ năng

 

Hầu như trên thế giới, người ta luôn phát huy sự sáng tạo và phát triển các kỹ năng của một người lúc còn ở bậc tiểu học. Những năm tiểu học, các bé được dạy múa hát, vẽ tranh… Không ít những bức tranh ngô nghê, phản ánh suy nghĩ và ước mơ của các bé… Hôm nay, ở thời đại 4.0, nhiều phụ huynh tiến xa hơn, không chỉ rèn những kỹ năng, phát hiện năng khiếu, mà còn phát huy tính sáng tạo của trẻ thông qua những lớp học của các cô giáo.

 

Các trẻ được cô giáo dạy cách pha màu

 

Nhiều cô giáo ngoài giờ dạy ở trường, đã mở lớp dạy nhằm phát triển tính sáng tạo, kỹ năng sống nơi trẻ. Mỗi tuần các bé học 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi. Trong lớp chỉ thuần xem phim như một hình thức trực quan sinh động. Thí dụ buổi học dạy các bé trồng cây, cô giáo sẽ cho các bé xem phim trước, rồi hỏi về nội dung phim và cuối cùng cho bé thực hành trên những chậu cây nhỏ.

Chị Trần Thị Ngân, 33 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể về chuyện gởi con đến một lớp học kỹ năng và phát triển sự sáng tạo: “Tôi cho con đi học lớp này vào ngày cuối tuần. Không biết con học gì nhưng về nhà bé không còn bày đồ chơi bừa bãi. Chơi xong bé biết dọn dẹp. Điều ngạc nhiên là bé tìm lon sữa bò hoặc một vỏ đồ hộp, tìm đất đổ vào và trồng giá bằng những hạt đậu cô giáo cho. Bé biết cây tạo ra khí oxy cho con người. Bé không phá hay hái trộm hoa nhà hàng xóm, biết phụ ông nội tưới hoa, tưới cây đu đủ nhỏ trên sân thượng. Một thái độ tốt với người chung quanh...”. Cũng theo bà mẹ trẻ này thì gia đình chị rất hài lòng vì điều đó. Con bé chỉ mới hơn 6 tuổi mà đã ý thức được như thế, thật đáng mừng.

Các bé say mê sáng tạo

 

Người xưa nói “dạy con từ thuở còn thơ”, quả thật không sai. Tính cách một người được giáo dục từ nhỏ sẽ theo họ khi lớn lên. Nhiều nhà trẻ gần đường ray xe lửa, các cô giáo dạy các bé khi thấy xe lửa đều vẫy tay chào. Và vài năm sau đã không có tệ nạn trẻ con lấy đá ném vào những toa tàu như trước đây vẫn xảy ra. Giáo dục trồng cây như trên ngoài mục đích luyện các em tinh thần làm việc cần cù, chăm chỉ, còn truyền cho trẻ tình yêu thiên nhiên, cây cỏ...

Ngoài dạy trồng và chăm sóc cây, các cô giáo còn dạy trẻ những môn học mang tính nghệ thuật. Thí dụ tô tượng. Các bé sẽ được học cách pha màu và tô lên bức tượng nho nhỏ theo sự sáng tạo của mình. Có bé tô áo công chúa màu đỏ, có bé tô màu xanh, có bé điểm thêm lên chiếc áo những cánh sao hay những cánh hoa cho thêm phần lung linh. Dĩ nhiên các bé cũng được chỉ dẫn sao cho những màu sắc “không nghịch nhau”. Một cô giáo cho biết dạy về màu thường tránh những màu “chống” nhau như màu vàng, màu cam. Thế nhưng cô vẫn để các bé mặc sức sáng tạo theo ý mình. Điều này phản ảnh tính cách của các em: hướng nội hay hướng ngoại… Những em hướng ngoại thường thích các màu “nóng” như đỏ, vàng, cam…; các bé hướng nội lại hay thích gam màu tối như nâu, tím, đỏ huyết dụ… Nhờ vậy, các cô và cả phụ huynh dễ dàng hiểu con trẻ. Điều này giúp rất nhiều cho công việc tìm hiểu, giáo dục các bé sau này.

Bé khoe thành quả đã nhuộm được màu cát theo ý thích

 

Liên quan tới màu, còn có một loại hình giải trí phát huy sự sáng tạo và quan sát của các bé là nhuộm cát. Qua việc dạy cách nhuộm màu này, người lớn mới giật mình nhận ra sự quan sát của các trẻ vô cùng tinh tế. Chị Nguyễn Thị Lam, 34 tuổi (Q.5, TPHCM) cho biết: “Con trai tôi nhuộm cát đỏ. Hỏi ra nó nói giống đất đỏ bazan nơi quê nội vùng miền Đông”. Trong khi đó, bé Trần Hoài An, 7 tuổi, sống với ba mẹ ở Sài Gòn, nhưng có dịp ra Cam Ranh chơi, bé đã “tẩy cát” thành màu trắng cho giống cát vùng cát trắng thủy triều Cam Ranh. Có bé dí dỏm nhuộm đen cát cho giống vùng đất đầy phù sa miền Tây như những lần bé du lịch tham gia bắt cá nơi miền Tây sông nước... Ông Nguyễn Hiệp Nam, 55 tuổi (Q.3, TPHCM) nói về cháu ngoại mình: “Từ lúc cho cháu tham gia lớp rèn luyện kỹ năng và sáng tạo, tôi thấy cháu biết quan sát rồi sáng tạo, lại thêm chút mơ mộng tuổi bé thơ. Thí dụ cháu nhuộm cát màu vàng tươi, màu hồng, màu xanh nhạt và nói đó là cát vùng đất thần tiên. Cát này sẽ khiến những vị tiên vừa lòng và ban cho cháu những điều ước...”. Mục đích của nhuộm cát chỉ giúp các bé quan sát thực tế và sáng tạo, chứ không ai muốn các bé đắm chìm vào những điều ước mơ màng dù rằng theo các bé, những ống cát nhiều màu chính là các vùng đất thần tiên của Alice!

Có những giờ học, trẻ được “chơi dơ”. Những cục đất sét mua trong siêu thị hoặc cửa hàng đồ chơi được bày ra. Và các bé tha hồ “điêu khắc” theo sự quan sát hoặc tưởng tượng của mình. Có bé “nặn” con mèo nhưng lại giống con nai! Không sao, miễn là các bé biết con mèo có đôi tai nhỏ chứ không có sừng như dê…là được. Chị Phạm Mai Lan, 32 tuổi (Q.6, TPHCM) cười khoe: “Con trai 6 tuổi của tôi nắn hình 6 người là ba mẹ, ông bà nội ngoại… Theo tranh, ông thường có râu, lưng còng, nhưng trong mắt con tôi, ông không có râu, bà nội bà ngoại còn mặc váy. Thế nên bé nắn ba người phụ nữ giống nhau: tóc ngắn, mặc đầm… vui vô cùng!”. Điều chị Mai Lan nói, cho thấy các bé đã không hoàn toàn “tuân theo” hình ảnh mà quan sát thực tế: ông bà nội ngoại hôm nay vẫn mạnh khỏe, quắc thước, ăn diện đẹp đẽ chứ không lưng còng tóc bạc như trong sách vẽ!

Đi một vòng các lớp dạy kỹ năng và phát huy sức sáng tạo, phụ huynh đều rất thích thú. Ông Lê Văn Chính, 57 tuổi (Q.3) vui vẻ: “Tôi đưa rước cháu ngoại hàng tuần và rất vui sau những buổi học, thằng bé như lớn hơn. Bé biết về phụ ông bắt sâu, tưới cây trên sân thượng. Bé biết ‘tư vấn’ cho mẹ màu vải rèm cửa, khăn trải giường, áo gối và cả màu áo quần người trong nhà. Xem ra bé rất có mắt thẩm mỹ...”. Như phần lớn những phụ huynh đưa con đến những lớp học này, ông Chính rất hài lòng vì cháu ông có cuộc sống vô tư, hòa nhập cùng môi trường chung quanh thay vì chăm chú vào điện thoại di động chơi trò chơi điện tử suốt ngày.

 

NGUYỄN NGỌC HÀ

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm