Rèn cho con cái biết tự lập từ bé sẽ giúp con sớm trưởng thành và tự tin hơn trong cuộc sống sau này
Có con gái đã học lớp 9 nhưng bữa cơm nào mà thức ăn có thịt, cá, chị Huyền cũng phải ngồi gỡ xương cho con. Khi có người thắc mắc sao không để con tự làm việc ấy, chị giải thích: “Con gái mình ăn nhiều hay ít không phụ thuộc vào đồ ăn ngon hay dở mà mẹ có ngồi đó để thúc giục, động viên con hay không. Nhiều bữa thấy mệt, muốn cả nhà ăn nhanh để dọn dẹp, nghỉ ngơi nhưng sợ con ăn ít, đến lớp đói bụng không tiếp thu bài vở hiệu quả nên mình phải gắng ngồi cạnh, có khi giúp con gỡ xương cá cho nó ăn mau và được nhiều hơn”. Vì được bố mẹ chiều chuộng nên những việc vặt trong nhà mà một bé gái cuối cấp 2 có thể làm được như giặt quần áo, quét nhà, nấu cơm…, hầu như con chị Huyền không biết đến. Chị đang rất lo lắng, bởi chỉ còn mấy tháng nữa sẽ sinh thêm em bé, không có điều kiện chăm sóc con gái đầu như trước nữa.
![]() |
Trong khi đó, chị Thu - một bà mẹ trẻ có con trai 7 tuổi cũng luôn cảm thấy áp lực, nhất là lúc nhìn sàn nhà bừa bãi quần áo, bàn học của con vương vãi đồ dùng, cậu nhóc cứ luôn gọi mẹ cho uống nước. Chị thật thà kể, sau vài năm chữa “hiếm muộn”, mình mới sinh được mụn con trai nên rất nuông chiều cháu. Khi con vào mẫu giáo, nghe cô giáo góp ý bé ở lớp ăn rất chậm và không biết cách xúc, mà việc này thì các bạn khác đã làm thành thạo, chị Thu cũng muốn rèn con cách tự ăn, nhưng lúc thấy thằng bé ăn chậm và vương vãi, chị lại tặc lưỡi: “Ở lớp con đã không được chăm, về nhà lại thế nữa thì thể nào cũng yếu, còi”. Cũng vì lý do này, khi con vào lớp Một, cả hai mẹ con đều căng thẳng, không phải vì bé chậm đọc chậm viết mà bởi không biết xin phép cô khi muốn đi vệ sinh, không thể tự ăn trong giờ nghỉ trưa...
Không như nhiều bà mẹ “cưng con như cưng trứng”, chị Trang có cách dạy trẻ khá hay. Bé nhà chị mới 2 tuổi nhưng đã biết làm được nhiều việc như tự đi vệ sinh, tự xúc cơm, chơi đồ chơi xong là cất vào chỗ quy định, khi ngã đau là tự đứng dậy ngay, không nhõng nhẽo hay đòi người khác đỡ dậy… Theo lời chị thì ngay từ lúc bé đang chập chững tập đi, vấp ngã thường xuyên nhưng người lớn trong nhà không vội vàng đỡ dậy dù bé có khóc to: “Những lúc như vậy, mình thường nhắc đi nhắc lại để giải thích cho bé hiểu việc vấp ngã là do bé nên phải tự đứng dậy. Ba mẹ cũng không giả vờ đánh chỗ bé ngã để an ủi. Nhiều người cho rằng, lúc đó bé đã hiểu gì đâu mà phải nói cho mệt nhưng mình không đồng ý với ý kiến đó vì trẻ ở độ tuổi nào cũng có độ nhạy cảm và thông hiểu nhất định”. Trước đây, mỗi lần bé chơi xong mà vứt đồ lung tung thì mẹ Trang luôn nhắc và hướng dẫn con cất đồ chơi vào một chiếc rổ, thậm chí thực hiện nguyên tắc “nếu con không cất đồ cẩn thận thì lần sau không được chơi”. Thời gian đầu, hai mẹ con cùng làm, chị thường khen khi bé hoàn thành tốt. Dần dà, cu cậu quen nếp, không cần mẹ nhắc nữa.
Hiện nay, trên mạng internet có nhiều giáo trình, tài liệu hướng dẫn phương pháp dạy trẻ tự lập, thường gồm các kỹ năng như để con tự làm mọi việc từ sớm; tạo ra một môi trường thú vị; kích thích trẻ bằng việc cho con những khoảnh khắc chơi một mình; cha mẹ rời khỏi phòng và chỉ can thiệp khi cần thiết… Trong vô số cách, phương pháp của các bà mẹ Pháp được nhiều người quan tâm, bởi họ cho rằng làm cha mẹ tốt không có nghĩa là phải thường xuyên phục dịch con cái, thay vào đó cần quan sát, khích lệ và rèn tính độc lập, có kỷ luật ngay từ lúc con còn bé.
ÐẶNG ÐỨC
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.