Thứ Tư, 24 Tháng Giêng, 2018 15:27

Góc Paris ở Sài Gòn

Càng ngày, cái góc đó càng mang dáng vẻ lãng mạn và phong lưu của một Paris qua những trang sách Victor Hugo và Anatole France. Những hàng cây cao điểm xuyết hoa cườm thảo vàng rực, gợi nhớ vườn Luxembourg. Ngôi nhà thờ cổ ở trung tâm - kiến trúc Gothic, màu gạch đỏ Bordeaux mỹ lệ. Hai tháp chuông màu xám bạc độc đáo, thanh thoát vươn lên bầu trời sao của Van Gogh. Quanh nhà thờ, có những chiếc nắp cống bằng gang còn ghi năm ra đời 1870 trở đi. Chim bồ câu rộn ràng tụ lại quanh bức tượng Ðức Bà màu trắng nơi vườn hoa vuông vắn trước cửa nhà thờ. Cạnh đó, tòa nhà Bưu điện đồ sộ, phong cách Beaux Arts, lộng lẫy như một cung điện. Những đôi tình nhân, du khách đi tìm cho mình những góc ảnh kỳ thú, những lời thì thầm mê ly. Lúc chiều tắt, đây đó, quán cà phê, nhà hàng nho nhỏ vừa bật ánh đèn vàng, phảng phất nét bình yên thong dong giữa những dòng xe hối hả. Chưa có nơi nào ở Sài Gòn lại đem đến một khung cảnh đan xen cổ điển và hiện đại, êm đềm và tấp nập, thánh thiện và đời thường như tại đây. Nơi hiện giờ mang tên Công trường Công Xã Paris mà tôi thích gọi bằng một cái tên ngắn gọn trìu mến : “Góc Paris” !

"Góc Paris" nhìn từ cao ốc Diamond Plâz ngày 5.1.2018 - ảnh: Phúc Tiến

Từ Paris ôn đới

Tôi đến Paris lần đầu vào mùa thu năm 1993. Một Paris đầy ánh sáng và lịch lãm dần dần hiện lên trong mắt tôi những bỡ ngỡ, nhưng rồi thân quen vì đã gặp đâu đó trong văn chương, thơ ca của chính người Việt. Lần ấy, những hàng cây cao vút, những bãi cỏ đầy lá vàng rơi chạy dọc các đại lộ, như vang lên giai điệu thiết tha “Em ra đi mùa Thu” của Phạm Trọng Cầu. Lang thang dọc sông Seine, tôi gặp những quán sách trầm mặc trong sương, gặp “dòng sông trắng” trong thơ Nguyên Sa. Trong nắng ấm bên những bộ bàn ghế dọc vỉa hè, ngồi thưởng thức cà phê terrasse ở khu phố Saint Michel, tôi bỗng nhớ khung cảnh cà phê quanh khách sạn Continental ở đường Tự Do xưa.  Và rồi, đến Trocadero, nhìn về quảng trường dưới chân tháp Eiffel, tôi lại nghe rưng rưng điệu nhạc “Lặng lẽ nơi này” của Trịnh Công Sơn trong phim “Tình Xa” (1). Chính ở đây, tác giả bộ phim đã quay cảnh kết thúc - buồn và đẹp: Cô gái Việt Nam mặc áo dài trắng cô độc, đi giữa một Paris bao la.

Trong quán ca phê nhỏ đường Nguyễn Du mình ra nhà thờ Đức Bà và Bưu Điện - ảnh: Phúc Tiến

May mắn, mỗi lần đến Paris tôi không cô độc. Tại đây, tôi có nhiều đồng nghiệp và bè bạn giúp tôi khám phá Paris ở nhiều góc độ. Thú vị nhất là thưởng ngoạn Paris theo chiều dài của lịch sử. Thật vậy, “Paris không chỉ xây trong một ngày”! Sự kỳ vĩ của Paris không chỉ là dòng sông Seine thơ mộng và những phố xá nguy nga. Sự kỳ vĩ của Kinh đô Ánh Sáng còn là hàng thế kỷ tích tụ Tình yêu Nhân văn và Trí tuệ Sáng tạo. Tôi cảm nhận điều này khi lên tháp Eiffel ngắm nhìn toàn cảnh Paris với những đường phố tỏa ra từ đây, thẳng tắp như hình nan quạt. Thủ đô nước Pháp từ một thành lũy chật chội đã trở thành một thành phố lớn được tái thiết tráng lệ và đài các, nhờ tầm nhìn của ông tướng pháo binh và cũng là người tình si - Napoléon Bonaparte. Paris sẽ không có được vẻ sang trọng và oai vệ nếu thiếu vắng những đại lộ mênh mông, thiếu quảng trường Ngôi Sao và Khải Hoàn Môn khổng lồ. Paris sẽ hiu hắt, đơn điệu nếu không có khu phố Latin và trường đại học Sorbonne. Những lâu đài của Paris không chỉ là dinh thự mà còn là những thương xá vàng son - La Fayette và Au Printemps, đã nhân lên gấp bội niềm vui mua sắm và tận hưởng cuộc sống. Paris còn duyên dáng và có giá trị bất hủ với nhiều nhà hát, bảo tàng, thư viện, quảng trường, công viên, và cả những cây cầu được chăm chút tỉ mỉ. Mới đây, tháng 9 năm rồi, khi vào thăm Ðiện Panthéon huy hoàng, phía trước trường Paris 1 (Panthéon - Sorbonne), tôi càng cảm phục vẻ đẹp của Kinh đô Ánh Sáng. Tại đây, người ta dựng tượng trang trọng nhà tư tưởng Diderot, người đã cùng Nhóm Bách khoa đem đến các tư tưởng Khai sáng để làm nên cuộc Cách mạng 1789. Cùng với Diderot, người ta còn dựng tượng các nhà báo và các nghị sĩ tượng trưng cho xã hội dân chủ và tự do. Các nhà văn, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của nước Pháp được vinh danh và an nghỉ tại đền thờ thiêng liêng ngay giữa trung tâm thủ đô.

Ðến Paris nhiệt đới

Sài Gòn không lớn như Paris. Lịch sử cũng ngắn hơn và hoàn toàn khác. Và chắc nhiều người Pháp cũng không có ý định làm một Paris thứ hai ở trong nước hay hải ngoại. Thế nhưng, nhà văn Anh Horace Bleackley, đặt chân đến Sài Gòn năm 1925, đã có hẳn một chương mang tên “Paris trong rừng” (Paris in the jungle ) trong quyển sách du ký châu Á của mình. Ông gọi Sài Gòn là Paris vì cho rằng, tuy là một thành phố thuộc địa tân lập nhưng Sài Gòn được xếp đặt đầy đủ và hài hòa những tiện ích, như ở thủ đô nước Pháp. Ðó là những đường phố thẳng hàng, những quảng trường và công viên xinh xắn. Và nữa, các tòa nhà mang kiểu dáng châu Âu cổ điển thế kỷ 19, đặc biệt là nhà hát lớn nhỏ nhắn nhưng uy nghi. Theo Horace, phố xá, hàng hóa, xe cộ, trang phục ở Sài Gòn rất gần gũi với châu Âu. Phố Catinat ngày ấy đông đúc, hoa lệ không kém Bond Street ở London hay Rue de La Paix của Paris. Hơn thế nữa, Sài Gòn còn là thành phố Vườn, tràn ngập cây xanh. Cây được trồng chọn lọc hai bên đường. Thành phố có hẳn một công viên trung tâm và một vườn Bách Thảo là nơi tập hợp nhiều loại hoa lá cây cỏ để ươm trồng cho nhiều nơi. Có lẽ với Horace, Sài Gòn là cô công chúa xinh đẹp vừa thức dậy trong rừng, đồng nghĩa với một báu vật vừa được khám phá.

Quả thật, Sài Gòn đã có một vẻ đẹp như thế, nếu ta có dịp xem lại những tấm bản đồ quy hoạch xưa, những bức ảnh và các đoạn phim ghi lại ký ức của Sài Gòn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Và nếu có dịp, hãy ngắm nhìn kỹ lưỡng những nhà cửa, kiến trúc, lối sống thể hiện văn hóa Pháp còn ở lại đến giờ tại đô thị này. Hẳn bạn sẽ hình dung một Sài Gòn từng có dáng dấp của một “Paris nhiệt đới”, hay còn có thể gọi là “Paris Viễn Ðông”. Dù muốn hay ngẫu nhiên, cái chất Pháp và hương hoa Paris vẫn theo chân người Pháp từ hai thế kỷ trước đến Sài Gòn. Nhiều  đặc tính và những hình tượng phổ biến của văn hóa Pháp, đã hóa thân nhuần nhuyễn vào Sài Gòn. Ðó là nhiều dinh thự và biệt thự mang phong cách quý phái và hào hoa, nhiều tòa nhà giáo dục, tôn giáo hay thương mại với dáng vẻ kết hợp Á - Âu độc đáo. Ðó còn là ly cà phê sữa đặc và cái thú nhấm nháp “nhựt trình” buổi sáng. Hoặc là chiếc bánh bông lan, bánh kem, bánh flan đi vào lễ tết, tiệc cưới và bữa ăn của từng gia đình. Ðó còn là chiếc nón nỉ hay trò chơi bi sắt phổ biến từ người giàu đến người bình dân. Tất cả các yếu tố Pháp, yếu tố Paris ở nhiều lĩnh vực đã hội nhập với văn hóa Việt và Á Ðông, làm nên một Sài Gòn hiện đại do người Pháp thiết kế, bắt đầu từ 1860. Gần 100 năm sau, khi Sài Gòn được chuyển dần sang người Việt quản trị thì cái chất “Tây” đặc thù đó bắt đầu phai nhạt, theo thời gian và chiến tranh. Song, cái “chất Tây” thầm lặng ấy vẫn tồn tại và càng được coi là một phần giá trị di sản Sài Gòn và di sản Việt Nam, khi đất nước trở lại không gian hòa bình và không gian kinh tế thị trường. Cái chất Paris quý báu ấy trở thành một loại “đặc sản” cho Sài Gòn, cho Việt Nam - không dễ nước nào cũng có, thời nào cũng có.

Giữ gìn đặc sản quý hiếm

Mấy năm gần đây, người yêu Sài Gòn đau xót trông thấy nhiều tòa nhà, công trình kiến trúc hay đẹp thời Pháp phải tức tưởi ra đi để nhường chỗ cho những công trình hoa mỹ đầy nghi vấn về thẩm mỹ. Dường như, nhiều điều đặc sắc trong phong cách quy hoạch đô thị của Pháp đã không được kế thừa. Người yêu Sài Gòn lo lắng cho những kiến trúc và cảnh quan văn hóa - lịch sử lâu đời còn sót lại đã và đang bị xâm lấn hay phế bỏ. Chính trong bối cảnh ấy, ta càng trân quý “Góc Paris” hiếm hoi của Sài Gòn và những nỗ lực tôn tạo nó. Việc ra đời của Ðường Sách - trên đường Nguyễn Văn Bình bên cạnh Bưu Ðiện đã làm tăng thêm “mật độ” văn hóa thanh tao ở khu vực này. Quán Café Bưu điện và nhà hàng Runam d’Or mới mở, nhộn nhịp thu hút những người yêu thích kiến trúc Pháp, ẩm thực Pháp. Ðặc biệt, nhà thờ Ðức Bà đang được trùng tu với nhiều cố gắng bảo tồn được nguyên bản. Rồi đây, khi nhà thờ Ðức Bà được trùng tu thành công, chắc chắn “Góc Paris” sẽ trở nên mỹ lệ và kỳ thú hơn nữa.

Chiều nay, tôi ngồi ở một quán cà phê nhỏ nhìn sang nhà thờ Ðức Bà, nhìn thấy dòng xe cuồn cuộn lúc ngưng lúc chảy. Không thể quên rằng ngày nay, khung cảnh yên bình của Sài Gòn vẫn đang bị đe dọa bởi nhiều “thảm họa”, trong đó có giao thông. Càng không quên tình trạng rác xả và cảnh buôn bán xô bồ, níu kéo du khách hiện giờ. Càng đau nhói khi thấy những dòng chữ kỷ niệm của người trẻ hồn nhiên khắc lên trên tường gạch nhà thờ và nhiều công trình khác. Nếu không hướng dẫn những điều hay đẹp, không ngăn chặn được những cảnh trái tai, gai mắt đó thì đâu phải chỉ có “Góc Paris” của Sài Gòn - mà ngay cả toàn bộ “Paris nhiệt đới”- cũng chỉ là một hình ảnh mơ mộng thoáng qua!

Dẫu sao, không ai đánh thuế giấc mơ, không ai ngăn cản được kỳ vọng vào một cuộc sống tươi sáng và ý nghĩa. Nay mai, tôi vẫn mong toàn bộ “Góc Paris”, từ mặt đường Lê Duẩn kéo đến mặt đường Ðồng Khởi, sẽ trở thành một Phố Ði Bộ mới. Nhất là trong những ngày cuối tuần - như cách Hà Nội đã làm thành công quanh Hồ Gươm. Ðồng thời, ở công viên và ngay tại các kiến trúc cổ tại đây sẽ hình thành những góc lịch sử, những Mini Museum kể lại chuyện đời của “Góc Paris”, chuyện đời của Sài Gòn Xưa và Nay. Trên hè phố, sẽ có thêm những quán cà phê terrasse, những cuộc biểu diễn văn nghệ, thời trang, những bàn đánh cờ, những cuộc triển lãm ảnh và hội họa, những người hát rong, những người ký họa… Tất cả sẽ tô đậm thêm cái chất Paris thanh lịch hòa quyện với cái chất Sài Gòn trẻ trung và phong trần. Hãy làm những điều gì đó để giữ cho tâm hồn mình có một “Góc Paris” sâu lắng, hỡi những người yêu Sài Gòn! n

 PHÚC TIẾN

(1): Phim truyện Tình Xa, 1988, Lê Vân và Thế Anh là diễn viên chính. Bài hát Lặng lẽ nơi này của Trịnh Công Sơn viết cho phim.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm