“Hòa bình như là một con đường của hy vọng: đối thoại, hòa giải và hoán cải sinh thái” là chủ đề sứ điệp Ðức Thánh Cha Phanxicô ban hành cho Ngày Thế giới vì Hòa bình - 1.1.2020. Ngài mời gọi mọi người trở thành nghệ nhân của hòa bình, mở ra đối thoại mà không loại trừ hay thao túng, đồng thời hướng tới một sự hoán cải sinh thái như là cách nhìn mới về cuộc sống. Cùng lắng nghe chia sẻ của độc giả về một lối sống thể hiện tinh thần hòa bình trong xã hội ngày nay.
KHÔNG QUÊN CẦU NGUYỆN CHO NỀN HÒA BÌNH THẾ GIỚI
![]() |
Ông Huỳnh Kim Hội (Gx Antôn, TGP TPHCM): Giáo xứ nhỏ bé của chúng tôi hết lòng hiệp thông cùng Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Ngày Thế giới vì Hòa bình lần thứ 53. Ngày đầu năm dương lịch, ý cầu nguyện trong thánh lễ nhắc nhở cộng đoàn không quên bổn phận cầu nguyện cho nền hòa bình trên thế giới. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nêu lên tinh thần đối thoại, vì thế trong mối tương quan giữa các Kitô hữu trong và ngoài xứ, lương giáo hay chính quyền địa phương, mọi người ai cũng ý thức sống chan hòa, xây dựng tình huynh đệ và nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường sinh thái quanh khu vực mình sống. Cha xứ chúng tôi rất chú trọng đến việc thực thi bác ái, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái giữa người may mắn và kém may mắn. Ðây cũng là một cách giáo xứ theo đuổi thiện ích chung, giúp tha nhân cảm được tình huynh đệ giữa con người. Ðều đặn hằng tháng, giáo xứ hỗ trợ cho hơn chục mái ấm trong thành phố, giúp các em khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị, mồ côi có điều kiện sống tốt hơn. Nguồn kinh phí mỗi tháng trên 70 triệu đồng hầu như đến từ sự quảng đại của giáo dân trong xứ. Mỗi người đóng góp một chút yêu thương như là một cách kiến tạo hòa bình cho mình và cho tha nhân.
LÀM CHỦ BẢN THÂN
![]() |
Anh A Phuk (Gx Kon Jodreh, GP Kontum): Ở giáo xứ, tôi là một Yaophu phụ trách công việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi và người dân trong làng. Tôi nghĩ rằng, nói cho người khác biết Thiên Chúa là nguồn mạch của bình an cũng là một cách lan tỏa hòa bình. Tôi xin Chúa ban cho mình trở thành một kênh chuyển đạt sự bình an của Ngài. Trong các giờ học giáo lý, dạy cho các em nhỏ biết động lòng trắc ẩn, không dửng dưng trước những đau khổ của người khác. Làng chúng tôi bây giờ đã xuất hiện nhiều tệ nạn xấu, gây bất an cho bà con. Tôi hay nhắc mấy em nhỏ phải biết làm chủ bản thân, không để người xấu lôi kéo, tích cực tham gia các hoạt động trong giáo xứ, xây dựng tình liên đới, vừa lành mạnh lại không có thời gian rỗi để người xấu lợi dụng.
MỞ LÒNG THA THỨ
![]() |
Bà Lê Kim Ngân (Gx Hy Vọng, TGP TPHCM): Theo tôi, để có được hòa bình, trước tiên bản thân mỗi người phải có sự bình an. Muốn có sự bình an thì phải cầu nguyện. Cầu nguyện để cho tâm hồn mình được kết hiệp với Chúa, đi sâu vào đời sống thiêng liêng. Nhờ vậy nội lực mình trở nên mạnh mẽ, bước vào cuộc mưu sinh ở đời với tâm thái an hòa. Bình an nội tâm cho phép mình sống bình an với chính mình và với tha nhân. Dù trong cuộc sống có những khi xảy ra tranh chấp hay xung đột, mình cũng dễ mở lòng ra để hòa giải và tha thứ hơn. Không ai hoàn toàn tốt và cũng không ai hoàn toàn xấu. Mình phải nhận biết được những yếu đuối của bản thân trước khi đi phán xét sai sót, khuyết điểm của người khác. Khi mắc sai lầm, biết sám hối, xin ơn tha thứ bằng việc tích cực cầu nguyện, làm việc bác ái để tìm lại sự bình an trong tâm.
CHẤP NHẬN KHÁC BIỆT
![]() |
Ông Trần Biên Thùy (Gx Chợ Cầu, TGP TPHCM): Phải chấp nhận sự khác biệt, chứ ai cũng bo bo giữ lập trường của mình, bảo thủ cho rằng mình luôn luôn đúng thì trong mọi cuộc đối thoại dù ở gia đình, giáo xứ hay ngoài xã hội sẽ luôn có mâu thuẫn. Trong các cuộc họp Hội đồng Mục vụ giáo xứ, mỗi người có một ý kiến khác nhau, quan điểm không giống nhưng không vì thế mà mình không cộng tác. Phải dung hòa, chấp nhận, đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu, mỗi người một việc chung tay vì sự phát triển của xứ nhà. Hay trong cuộc sống gia đình, ít nhiều gì vợ chồng cũng sẽ có những xung đột, xáo trộn. Mỗi khi rơi vào tình trạng căng thẳng này, tôi không lớn tiếng đôi co qua lại mà lẳng lặng đi ra ngoài, đợi cho mọi chuyện lắng xuống, xét lại mình xem có để cái tôi lớn quá không? Có cho mình luôn luôn đúng không? Ðặt mình vào vị trí của vợ con để xem tại sao lại nói và thể hiện thái độ, hành động như vậy? Phải sửa mình trước khi sửa người khác và sẵn sàng tha thứ cho người vô tình lỗi phạm đến mình. Nếu không thể tha thứ cho nhau thì sự bình an, hòa bình trong gia đình sẽ không thể hàn gắn được. Hàng tỷ người và gia đình bất thuận với nhau, không bao giờ có thể tạo thành một thế giới hòa bình. Tạ ơn Chúa về 45 năm hôn phối của chúng tôi, Chúa ban cho gia đình cuộc sống êm ả, nhẹ nhàng, vợ chồng được hòa thuận làm gương cho con cái.
|
NHÃ VĂN (thực hiện)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.